Theo bước chân người Quảng

Nhớ chuyện kênh đào Thu Bồn - sông Hoài

KTS. HOÀNG SỪ (Nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam) 18/08/2024 08:48

Bây giờ thì sông Hoài đã trong xanh, lộng gió, lung linh sắc màu. Con sông trở thành trung tâm cho việc tổ chức không gian kiến trúc hai bên bờ và không gian tổ chức các lễ hội truyền thống đặc sắc của Hội An.

453-202408140913009.jpg
Hình ảnh đồ án quy hoạch phường Minh An và sau khi hoàn thành kênh đào với hai yếu tố quan trọng nhất: Kênh đào và nhà máy xử lý nước thải.

“Giải cứu sông Hoài”

Năm 1997, ngay sau khi tái lập tỉnh, Quảng Nam đã sớm thành lập Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn. Theo lời mời của lãnh đạo tỉnh, cuối năm đó, tôi vào Quảng Nam phụ trách viện.

Trong các đồ án quy hoạch “đầu tay” mà Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn thực hiện, có đồ án Quy hoạch phường Minh An - phường trung tâm của thị xã Hội An, nằm ở vị trí đắc địa: phía Bắc giáp sông Hoài, phía Đông và Nam giáp sông Thu Bồn.

Lúc đó, sau khi phố cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (năm 1999), du lịch Hội An bắt đầu khởi sắc. Du khách đổ về đây ngày càng nhiều, tạo nên áp lực lớn đối với địa phương về cơ sở lưu trú, tiện ích công cộng, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan và môi trường, nhất là ở khu vực nội đô và hai bên bờ sông Hoài.

Vì thế, bài toán quy hoạch phường Minh An đặt ra yêu cầu cao về công tác định hướng quản lý, bảo tồn phố cổ, bảo vệ cảnh quan, môi trường, xử lý hài hòa sự xung đột giữa phát triển nóng và phát triển bền vững...

Hội An đã gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO vào năm 2023. Ảnh: Q.T
Hội An đã gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO vào năm 2023. Ảnh: Q.T

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ của đồ án, chúng tôi tiến hành khảo sát hiện trạng toàn khu vực. Đến sông Hoài, đoạn từ chùa Cầu xuống tận ngã ba sông Hoài với sông Thu Bồn, trước mắt tôi là dòng sông đen ngòm đầy rác, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên, hơn cả mức độ ô nhiễm của sông Tô Lịch ngoài Hà Nội hồi thập niên 80 của thế kỷ trước. Những đoàn khách du lịch ngoại quốc khi tham quan Chùa Cầu, phải lấy tay bịt mũi để chụp hình rồi vội vã rời đi…

Câu hỏi tức thì đặt ra cho chúng tôi lúc đó là làm sao khẩn trương “giải cứu sông Hoài”.

Không thể để một con sông nằm giữa lòng phố cổ, giữa lòng di sản văn hóa thế giới mà lại hôi thối, ô nhiễm nặng nề. Hỏi thăm các anh lãnh đạo chính quyền Hội An lúc đó, tôi được biết, để giảm thiểu ô nhiễm, khoảng chừng một vài năm, địa phương tổ chức nạo vét, dọn rác trên sông Hoài một lần. Nhưng rồi đâu lại vào đấy, ô nhiễm trên sông Hoài mỗi ngày càng càng trầm trọng hơn.

Tôi quyết định đi khảo sát tìm nguyên nhân vì sao sông Hoài ô nhiễm nặng, kết quả cho thấy: sông Hoài thực chất chỉ là đoạn sông thoát nước mùa lũ cho con kênh chảy qua Chùa Cầu.

Mùa khô sông Hoài hoàn toàn trở thành ao tù, mỗi ngày hứng chịu cả ngàn mét khối nước thải từ các khu dân cư xả xuống mà không có bất cứ biện pháp xử lý nào ngoài cách thả bèo lục bình đầy sông; rác rưởi, mùi hôi thối bốc lên, lan cả khu vực.

Như vậy, nguyên nhân ô nhiễm được kết luận. Một là, nước thải từ các khu dân cư không qua xử lý đổ xuống dòng sông. Hai là, tình trạng tù đọng trong mùa khô là nguyên nhân chính.

Nguyên nhân đã rõ, nhưng giải cứu bằng cách nào mới là vấn đề khó. Nan giải nhất là giải quyết tình trạng tù đọng cho sông Hoài bằng cách nào?

Kênh đào nối hai dòng sông

Tự dưng trong tôi lóe lên ý tưởng, tại sao không đào con kênh để nối thông sông Thu Bồn với sông Hoài, biến sông Hoài thành một nhánh của sông Thu Bồn?

453-202408140913007.png
Ý tưởng kênh đào Thu Bồn - sông Hoài.

Khi có con kênh này nối vào sông Thu Bồn thì nước sông Thu Bồn sẽ thau rửa cho sông Hoài và sông Hoài chính thức trở thành một nhánh của Thu Bồn.

Sông Hoài nhất định sẽ trong xanh và sẽ trở thành lõi trung tâm cho việc tổ chức không gian kiến trúc đô thị hai bên bờ sông, là không gian tổ chức các lễ hội trên sông nước đặc sắc của xứ Quảng.

Phấn khởi với ý tưởng vừa lóe lên, chỉ trong một đêm tôi đã hoàn thành bản vẽ biến ý tưởng thành hiện thực: Con kênh đào dài gần 650 mét, rộng 40m, lòng kênh 20m, sâu từ 3-5m, đưa nước sông Thu Bồn chảy vào sông Hoài để rồi lại đổ ra sông Thu Bồn.

Kèm theo giải pháp kênh đào là giải pháp tổ chức hệ thống cống thu gom nước thải từ các khu dân cư đưa về khu xử lý tập trung quy mô 2.000m3/ngày đêm, không cho đổ trực tiếp xuống kênh Chùa Cầu, bảo đảm cắt nguồn gây ô nhiễm cho sông Hoài.

Hôm bảo vệ đồ án trước UBND thị xã Hội An, mọi người từ các anh lãnh đạo đến các phòng ban chuyên môn của Hội An đều thống nhất cao ý tưởng của đồ án quy hoạch, đặc biệt là ý tưởng về kênh đào và hệ thống thu gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải 2.000m3/ngày đêm, vì chỉ có giải pháp này mới giải quyết tận gốc ô nhiễm cho sông Hoài.

Cuối năm 2000, đồ án Quy hoạch phường Minh An được phê duyệt làm căn cứ để triển khai các hoạt động xây dựng trên địa bàn. Và đến ngày 10/4/2006, con kênh đào chính thức được thông dòng, từ đó góp phần cơ bản vào cải tạo môi sinh, môi trường, giải quyết tình trạng ô nhiễm khu vực Chùa Cầu và sông Hoài.

Giờ đây, mỗi lần xem trên ti vi các chương trình lễ hội được tổ chức trên sông Hoài rực rỡ cờ hoa; những ánh mắt, những nụ cười rạng rỡ trong đêm hoa đăng lung linh trên mặt nước sông Hoài trong xanh, lòng tôi thầm vui, một niềm vui thật nhẹ…

KTS. HOÀNG SỪ (Nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam)