Du lịch

Quãng lặng sản phẩm du lịch mới

QUỐC TUẤN 18/08/2024 09:45

Việc có quá ít sản phẩm mới, ấn tượng được trình làng có thể xem là một trong những nguyên nhân chính khiến du lịch địa phương chưa tạo ra đột phá trong thời gian gần đây.

dji_0204.jpeg
Làng mộc Kim Bồng khai trương hoạt động hướng dẫn tham quan từ ngày 1/6/2024 là một trong các điểm đến cộng đồng hiếm hoi trên địa bàn tỉnh có những chuyển động tích cực. Ảnh: Q.T

Loay hoay tìm sản phẩm mới

Số liệu thống kê nửa đầu năm 2024 cho thấy, lượng khách tham quan lưu trú du lịch của Quảng Nam đạt khoảng 4,6 triệu lượt (tăng khoảng 27% so với cùng kỳ) nhưng khách nội địa chỉ tăng 4%.

Doanh thu du lịch cũng không chuyển động nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhiều địa phương có thế mạnh du lịch trên toàn quốc đã có bước tiến mạnh mẽ ở giai đoạn này.

Thậm chí với trung tâm du lịch của Quảng Nam là Hội An, lượng khách nội địa trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt chưa đến 40% kế hoạch cả năm.

Có thể thấy ngoài có lợi thế lớn trong thu hút thị trường khách quốc tế thì du lịch Quảng Nam vẫn chưa có các sản phẩm mới mẻ để “ghi điểm” với thị trường khách nội địa.

Chương trình kích cầu du lịch “cảm xúc mùa hè” được tung ra đồng loạt vào đầu quý II nhưng chủ yếu thiên về các loại hình lưu trú. Lễ hội biển diễn ra xuyên suốt ở một số địa phương nhưng quá hiếm hoi trải nghiệm mới mẻ cho du khách.

Các gói du lịch được quảng bá gắn với điểm đến mới như Trà Đỏa (Thăng Bình) hay thác Ồ Ồ (Tiên Phước) vẫn khó thuyết phục du khách bởi sản phẩm chưa thực sự nổi trội.

Việc không có nhiều sản phẩm mới mẻ, độc đáo cũng là nguyên nhân quan trọng khiến Quảng Nam khó gia tăng số ngày lưu trú của du khách.

img_20240704_102700.jpg
Du lịch Hội An vẫn loay hoay với các sản phẩm đã định hình thương hiệu từ lâu. Ảnh: Q.T

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An nhìn nhận: “Du lịch Cù Lao Chàm một thời phát triển rất mạnh nhưng hiện đã chững lại.

Các sản phẩm của Hội An thời gian qua vẫn loay hoay dừng ở phố đi bộ, mua sắm, tắm biển, show diễn Ký ức Hội An… chứ chưa có nhiều sản phẩm mới để thu hút khách.

Thêm nữa, du lịch xanh hiện là định hướng phát triển của tỉnh nhưng gần như Hội An cũng chưa thực sự có những sản phẩm nổi bật từ du lịch xanh”.

Bà Phạm Quế Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nhận định, các sản phẩm đặc thù và sản phẩm mới của Quảng Nam hầu hết sẽ tập trung vào thiên nhiên, làng nghề, cộng đồng - nơi mà lượng khách phân tán.

Do đó rất khó để có được nguồn thu bù đắp một khi chi mạnh tay để đầu tư bài bản cho vài điểm đến. Thời điểm này, “giữ lửa” cho các điểm đến cộng đồng đang vận hành ổn đã là khó chứ chưa nói việc đầu tư mới.

Khi nào khởi sắc?

Sau nhiều năm bỏ ngỏ, vừa qua các bên liên quan đang có những động thái để “đánh thức” du lịch trên dòng sông Thu Bồn. Sở VH-TT&DL đã đề nghị các địa phương Hội An - Điện Bàn - Duy Xuyên trước mắt cần hình thành các sản phẩm du lịch liên kết các điểm du lịch dọc theo sông Thu Bồn, trong đó đẩy mạnh các loại hình du lịch nông thôn để tạo thêm sản phẩm du lịch.

dji_0553.jpeg
Tiềm năng du lịch sông Thu Bồn vẫn bỏ ngỏ nhiều năm qua. Ảnh: Q.T

Giữa tuần qua, 3 địa phương cùng doanh nghiệp đã có chuyến Famtrip xoay quanh trục Cẩm Kim - Trà Nhiêu - Triêm Tây để đưa ra sản phẩm liên kết mới nhằm vực dậy các điểm đến từng rất được du khách yêu thích.

Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thông tin, bên cạnh kêu gọi doanh nghiệp hợp tác khai thác tuyến du lịch đường sông Thu Bồn, sở cũng đang xúc tiến để làm sao đưa khách đến Quảng Nam qua đường sắt và lồng ghép sản phẩm văn hóa - du lịch Quảng Nam vào du lịch đường sắt. Khá nhiều doanh nghiệp cũng đặt vấn đề để xúc tiến các sản phẩm du lịch mới về biển nhưng vẫn đang chờ đợi thủ tục pháp lý rõ ràng.

Ngoài nỗ lực của cơ quan quản lý, cần thêm những chuyển động từ phía doanh nghiệp trong việc làm mới sản phẩm để mang “làn gió mới” vào du lịch Quảng Nam.

Đơn cử như với khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang, hệ thống cáp treo và cầu kính Ngọc Rồng vừa đưa vào hoạt động được kỳ vọng là những điểm nhấn mới để thu hút thêm du khách đến với khu du lịch này nói riêng và vùng Tây Quảng Nam nói chung.

Dù vậy, bà Phạm Quế Anh nhận định, hậu COVID-19 đã có sự chuyển dịch lớn về việc khách đi tour sang đi lẻ với yêu cầu và nhu cầu khác nhau.

Điều này khiến các doanh nghiệp đầu tư tốn nhiều kinh phí để xúc tiến tìm nguồn khách nhưng hiệu quả vẫn bỏ ngỏ khi rất khó kiểm soát được dòng khách lẻ ngày một đông lên.

Theo thời gian, khi lượng khách không còn ổn định tất yếu dẫn đến nhiều doanh nghiệp sẽ phải rất cân nhắc khi đầu tư mạnh vào việc ra sản phẩm mới.

QUỐC TUẤN