Văn hóa - Văn nghệ

Kỳ vọng mỹ thuật xứ Quảng

TÂY BÌNH 18/08/2024 10:10

Triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 29 năm 2024 sẽ khai mạc ngày 19/8 tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa). Quảng Nam có 25 tác phẩm được chọn trưng bày, xét giải, kỳ vọng để lại dấu ấn đặc sắc tại sân chơi này.

hát bộ
Tác phẩm "Mặt hát bộ" của họa sĩ Trương Bách Tường.

Tuyển chọn công phu

Triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 29 năm 2024 trưng bày, giới thiệu đến công chúng các tác phẩm hội họa, điêu khắc có chất lượng nghệ thuật cao của các họa sĩ, nhà điêu khắc đến từ 9 tỉnh, thành phố trong khu vực; bao gồm: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk.

Qua chấm chọn từ 375 tác phẩm của 248 tác giả, Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam đã chọn ra 184 tác phẩm của 176 tác giả để trưng bày, xét giải. Các địa phương có nhiều tác phẩm được chọn là Đà Nẵng: 30 tác phẩm; Khánh Hòa: 26; Quảng Nam: 25.

Tại triển lãm lần này, Hội Văn học - Nghệ thuật (VH-NT) Quảng Nam tham gia 50 tác phẩm của 38 tác giả. Kết quả, có 25 tác phẩm của 25 tác giả được chọn trưng bày, xét giải.

Trong đó, có 12 tác giả là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng đồng thời là hội viên Hội VH-NT Quảng Nam; 10 tác giả là hội viên Hội VH-NT Quảng Nam và 3 tác giả chưa phải hội viên.

Họa sĩ Nguyễn Dũng - Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Quảng Nam cho hay, triển lãm năm nay mỹ thuật Quảng Nam có tác phẩm tham gia nhiều hơn so với năm trước (năm 2023: 22 tác phẩm/22 tác giả).

Đội ngũ sáng tác mỹ thuật Quảng Nam đã nỗ lực trong khai thác đề tài, đồng thời kết hợp thể hiện trên nhiều chất liệu làm cho tác phẩm đa dạng và phong phú.

Hầu hết tranh, tượng của các họa sĩ, nhà điêu khắc Quảng Nam mỗi kỳ tham gia triển lãm đều có chất lượng nghệ thuật và gặt hái các giải thưởng cao, được đội ngũ sáng tác ở khu vực nhìn nhận có lực lượng sáng tác dồi dào, chuyên nghiệp và chắc tay.

“Năm nay, mỹ thuật Quảng Nam đóng góp vào sân chơi khu vực với những tác phẩm nổi trội. Điển hình: “Dặm phấn thoa son” - sơn dầu của Lê Nguyên Chính, tác giả đi sâu lĩnh vực sân khấu tuồng Quảng Nam và thể hiện sâu lắng nghệ thuật thị giác sau bức rèm sân khấu.

Họa sĩ Trương Bách Tường với tác phẩm “Mặt hát bộ” khắc trên da bò. Tác phẩm “Vọng thời gian” - gò đồng của Kiều Nhật San, một tác phẩm trừu tượng thể hiện sự mạnh mẽ và uyển chuyển của đường nét, hình khối biến thiên, sức biểu cảm nội tâm cũng như cảm xúc dâng đầy.

Hay tác phẩm “Đợi” - acrylic của Đoàn Minh Thuần trong trẻo, hồn nhiên với hình ảnh trẻ em vùng biển Tam Tiến chờ đợi người thân yêu trở về sau những ngày vươn khơi…” - họa sĩ Nguyễn Dũng nói.

Đưa nghệ thuật truyền thống vào tác phẩm

Về tác phẩm của đoàn Quảng Nam tham gia Triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 29, họa sĩ Nguyễn Dũng đánh giá năm nay các tác giả đã đầu tư sáng tác với chất lượng khá cao. Đồng thời định hướng trong sáng tác luôn gắn bó, nêu bật truyền thống văn hóa xứ Quảng.

LÊ NGUYÊN CHÍNH
Tác phẩm "Dặm phấn thoa son" của Lê Nguyên Chính.

Điển hình các họa sĩ đã tận dụng chất liệu truyền thống như in khắc gỗ, khắc da, bút sáp màu, trúc chỉ, đinh không tán trên gỗ và dùng chỉ sợi (đồ họa); chất liệu hiện đại như lụa, sơn dầu, sơn mài, acrylic (hội họa), phù điêu gò đồng, tượng tròn (điêu khắc)… hầu hết phát huy ưu thế trong sáng tác.

Lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuồng đưa vào tác phẩm “Dặm phấn thoa son”, họa sĩ Lê Nguyên Chính chia sẻ: “Với tác phẩm dự triển lãm lần này, tôi muốn mang đến cho người xem góc thực về các nhân vật đằng sau cánh gà, những góc khuất rất giản dị đời thường đã tạo nên nét văn hóa nghệ thuật mang tính ước lệ và tính biểu cảm của hát bộ.

Tự thân loại hình nghệ thuật này đã quá đẹp và lộng lẫy. Vì vậy, mình phải thật chắt chiu, cẩn thận trong cách chọn lựa khai thác. Cứ theo đuổi chủ đề yêu thích, mang cảm xúc, cảm nhận khi thể hiện ra ngoài tác phẩm, cái riêng sẽ tự đến”.

Cũng chọn lựa xây dựng tác phẩm dựa trên yếu tố truyền thống, họa sĩ Trương Bách Tường tạo dấu ấn thông qua chất liệu. Đó là vẽ mặt hát bộ trên da bò.

Theo họa sĩ Trương Bách Tường, trong quá trình đi tìm ý tưởng và chất liệu để sáng tác, anh chọn nghệ thuật “kéo mặt” nhân vật trong các vở diễn kinh điển của hát bộ. Trong các triển lãm trước, anh từng giới thiệu mặt hát bộ qua các tác phẩm sắp đặt.

“Trước đây, tôi thực hiện các tác phẩm trên giấy bồi nhưng tuổi đời của chất liệu này không được cao. Qua tìm tòi và thử nghiệm, nhận thấy da bò là một loại chất liệu mang tính bền vững cao, đồng thời tạo được ấn tượng mạnh trong hội họa.

Ban đầu, tôi gặp chút khó khăn vì vẽ mặt hát bộ phải tuân thủ chính xác những yếu tố về đường nét, màu sắc của gương mặt các nhân vật. Bằng kiến thức mỹ thuật, tôi đã cách điệu, tối giản cho hợp lý. Hy vọng, từ chất liệu da bò có thể đặt dấu ấn cá nhân vào tác phẩm” - họa sĩ Trương Bách Tường chia sẻ.

TÂY BÌNH