Tựu trường mơn man
Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, đứa trẻ trong trang viết của nhà văn Thanh Tịnh lại “nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường”. Giờ đây, đón mùa tựu trường, cảm xúc không chỉ riêng của cánh học trò, mà phụ huynh cũng chất ngất.
Thuở trước, nhà văn Thanh Tịnh từng để cho đứa trẻ được mẹ âu yếm nắm tay dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp, trong một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, để đến trường. Theo thời gian, mùa tựu trường đã không còn “thảnh thơi” như xưa…
Năm học mới 2024 - 2025 có chung lễ khai giảng trên toàn quốc (sáng 5/9), nhưng tựu trường thì tùy các địa phương, kéo dài từ ngày 21/8 đến 1/9.
Tỉnh Quảng Nam chọn ngày 29/8 để tựu trường, học sinh lớp 1 thì sớm hơn khoảng 1 tuần… Dù khác nhau về thời điểm, nhưng mối lo tựu trường hình như chỉ có một, vì bao nhiêu thứ phải lo toan, phải chuẩn bị để nhập học.
Bắt đầu từ sách giáo khoa. Không đến mức phải “chạy đôn chạy đáo” đi mua sách như quãng 5 năm về trước nữa, vì nguồn cung trên thị trường khá dồi dào, ấy vậy mà học sinh đầu cấp năm nay vẫn có nỗi lo riêng.
Thí dụ lớp 10, các em phải chờ kết quả xét duyệt nguyện vọng học các môn tổ hợp mới tự tin đi mua sách (ngoài những môn học chính). Chính các nhân viên bán sách khuyên nên chờ, để… mua cho trúng.
Học phí cũng là chuyện đáng lưu tâm. Trước ngày tựu trường, bảng cập nhật chi tiết học phí trên toàn quốc luôn được xem kỹ để đối chiếu.
Ngoài 3 địa phương miễn phí 100% cho các bậc học (Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng), ngoài 2 đối tượng được miễn học phí trong cả nước (học sinh tiểu học và trẻ mầm non 5 tuổi trong cơ sở giáo dục công lập), vẫn thấy có sự chênh lệch giữa các khoản thu ở các đối tượng còn lại. Lướt một vòng, thấy có khoản thu thấp nhất 10.000 đồng/tháng, cao nhất 340.000 đồng/ tháng, riêng Quảng Nam nằm “tốp” giữa.
Mỗi khoản chi là một khoản lo. Nhưng được chọn trường ưa thích và đóng học phí thì đấy vẫn là… niềm vui thầm kín. Vì sau nhiều năm triển khai đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025, thực tế không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Khi các địa phương chỉ tuyển khoảng 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập, thì số học sinh còn lại sẽ phải “phân luồng”. Nếu không muốn đi học nghề, nếu không có điều kiện vào các trường dân lập, tư thục, quốc tế…, các em đành cật lực “chọi” để vào công lập.
Thế đấy, dù công lập, tư thục, trường nghề…, điểm đến nào cũng đủ khiến phụ huynh vắt óc lo nghĩ, học trò phải một phen thi thố. Ngay bậc đại học, khâu xét tuyển cũng cạnh tranh đến giờ chót.
Cuối tuần qua, ngày 17/8, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) còn phải gửi thông báo khẩn đến các cơ sở đào tạo để lưu ý về chuyện xét tuyển lại, vì lúc ấy đã là “ngày lọc ảo” cuối cùng, sao cho không thừa, không sót, không loại oan…
“Có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp”, nguyên tắc này xem ra không phải nơi nào cũng thực thi tốt, trong điều kiện thiếu hụt giáo viên. Nhưng dù sao, mùa tựu trường năm nay cũng thấy có những điểm sáng, điểm khởi đầu.
Với giáo viên, mức lương đang được Bộ Chính trị yêu cầu xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Với học sinh, Chương trình đổi mới giáo dục phổ thông 2018 chính thức triển khai đầy đủ ở cả 3 cấp. Sau chương trình đổi mới trước đó (năm 2002) chỉ tập trung trả lời cho câu hỏi khi xong chương trình “học sinh biết được gì?”, nay đang ở giai đoạn mới và hướng đến câu trả lời khác: “học sinh làm được gì?”.
Vậy là, sau những lo nghĩ và tất bật đời thường, các phụ huynh có niềm tin để lại âu yếm dắt tay con vào năm học mới, giúp con nối dài những “kỷ niệm mơn man” của buổi tựu trường…