Khởi nghiệp - OCOP

Lan tỏa thương hiệu sản phẩm OCOP Quảng Nam

VĨNH LỘC - PHAN VINH 19/08/2024 08:00

Sau 3 ngày diễn ra sôi động, sự kiện trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP Quảng Nam tại TP.Đà Nẵng năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trên lĩnh vực giao thương, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến đối tác, khách hàng.

Nhiều du khách nước ngoài ghé mua hàng OCOP Quảng Nam. Ảnh: L.V
Nhiều du khách nước ngoài ghé mua hàng OCOP Quảng Nam. Ảnh: L.V

Hiệu quả quảng bá

Bà Bùi Thị Mận - Công ty TNHH Sâm Sâm (TP.Tam Kỳ) cho biết, thành công lớn nhất khi tham dự hội chợ chính là sản phẩm doanh nghiệp đã được quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến đông đảo khách hàng, người tiêu dùng, nhất là khách du lịch gần xa, đối tượng được xác định là những khách hàng tiềm năng trong tương lai.

“Mặc dù doanh số bán hàng chưa như mong đợi nhưng bù lại thương hiệu sản phẩm đã được nhiều người biết tới khi họ ghé gian hàng tìm hiểu thông tin nhằm kết nối mua hàng sau này. Tôi nghĩ đây chính là thành công khi tham gia sự kiện” – bà Mận chia sẻ.

Diễn ra từ ngày 16 - 18/8 với hơn 200 sản phẩm của gần 100 chủ thể OCOP từ 3 sao trở lên, sự kiện trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP Quảng Nam tại TP.Đà Nẵng năm 2024 đã mang đến một cái nhìn mới lạ cho người tiêu dùng TP.Đà Nẵng và du khách khắp nơi về chất lượng, mẫu mã sản phẩm OCOP Quảng Nam. Rất nhiều du khách quốc tế đã ghé mua sắm hàng hóa hoặc tìm hiểu thông tin tại các gian hàng.

Theo ông Lê Văn Quýt (Cơ sở sản xuất Thập Vạn Hương - Nông Sơn), đơn vị không đặt nặng vấn đề doanh số bán hàng tại hội chợ, chủ yếu tập trung vào việc quảng bá sản phẩm.

“Nếu bán được hàng thì vui vì có thêm chút ít lo chi phí chuyến đi, ngược lại cũng không vấn đề gì bởi tôi xác định mục đích chính vẫn là quảng bá sản phẩm” – ông Quýt nói.

Livestream bán hàng tại hội chợ. Ảnh: L.V
Livestream bán hàng tại hội chợ. Ảnh: L.V

Ước tính sơ bộ từ ban tổ chức, sau 3 ngày diễn ra hội chợ, tổng doanh thu bán hàng của các chủ thể OCOP đạt khoảng 700 triệu đồng. Trong đó, việc tổ chức chương trình livestream bán hàng OCOP tại sự kiện đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ cho các sản phẩm OCOP. Nhiều chủ thể đã bán được khá tốt đơn hàng chỉ trong vài phút livestream.

Ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam nhìn nhận, bên cạnh doanh thu bán hàng, thành công của sự kiện còn thể hiện ở việc giúp các chủ thể OCOP Quảng Nam có cơ hội giới thiệu sản phẩm đến người dân TP.Đà Nẵng và du khách trong nước, quốc tế, từ đó mở ra cơ hội phát triển thị trường, hướng đến xuất khẩu.

Thực tế cho thấy, với vị trí trưng bày nằm ở bờ đông cầu Rồng (TP.Đà Nẵng), khu vực tập trung đông khách du lịch đã phần nào hiện thực được mục tiêu đặt ra là đưa sản phẩm OCOP Quảng Nam không chỉ xâm nhập vào thị trường Đà Nẵng mà còn vươn tầm ra thế giới thông qua các hoạt động xuất khẩu tại chỗ.

Sẽ khắc phục điểm yếu

Tính đến tháng 7/2024, Quảng Nam có 407 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP (61 sản phẩm đạt 4 sao, 346 sản phẩm đạt 3 sao) của 325 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (43 doanh nghiệp, 118 tổ hợp tác, HTX, 164 hộ sản xuất).

Sau hội chợ nhiều sản phẩm OCOP Quảng Nam sẽ vươn xa ra thị trường quốc tế. Ảnh: L.
Sau hội chợ nhiều sản phẩm OCOP Quảng Nam sẽ vươn xa ra thị trường quốc tế. Ảnh: L.V

Đa số sản phẩm OCOP Quảng Nam được đánh giá tốt bởi tất cả đều được các cơ quan chức năng sàng lọc, đánh giá, kiểm nghiệm và công nhận rất chặt chẽ.

Đáng chú ý, sản phẩm OCOP Quảng Nam đa dạng chủng loại nhóm ngành. Cụ thể, có 302 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 32 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, dược liệu, 24 sản phẩm từ dược, 47 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 2 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng du lịch sinh thái và điểm du lịch.

Thời gian qua, các chủ thể OCOP không ngừng đầu tư mẫu mã, bao bì, nhãn mác, máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất tiên tiến phục vụ sản xuất; chất lượng sản phẩm không ngừng nâng cao, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Dù vậy, tại hội chợ một số vấn đề phát sinh cũng đã giúp các chủ thể OCOP nhìn nhận lại sản phẩm của mình như chủng loại sản phẩm trùng lặp; mẫu mã nhãn mác chưa bắt mắt, lôi cuốn; thiếu mã vạch, QR Code hoặc các giấy tờ liên quan về nguồn gốc, xuất xứ nguồn nguyên liệu… khiến một số sản phẩm OCOP Quảng Nam khó thể xâm nhập vào các siêu thị, cửa hàng lớn, chưa kể đến xuất khẩu.

Ngoài ra, một hạn chế khác khiến hiệu quả hội chợ chưa trọn vẹn chính là công tác quảng bá trực quan trên một số tuyến đường chưa được chú trọng, rất ít người dân Đà Nẵng biết có sự kiện OCOP Quảng Nam đang diễn ra trên địa bàn.

Cạnh đó, một mục tiêu của sự kiện là quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến khách du lịch và hướng đến xuất khẩu nhưng tại không gian hội chợ hầu như không có bảng giới thiệu bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ nước ngoài khiến nhiều du khách không hiểu đang diễn ra sự kiện gì…

Theo đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Nam (đơn vị phối hợp tổ chức sự kiện), những vấn đề trên sẽ được đơn vị khắc phục, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể OCOP trong thời gian tới.

Đồng thời khẳng định, trên tất cả, hội chợ đã thành công tốt đẹp khi sản phẩm OCOP Quảng Nam được nhiều người dân TP.Đà Nẵng và du khách biết tới, kể cả toàn quốc biết tới thông qua chương trình livestream hoàn toàn mới mẻ.

“Đà Nẵng được đánh giá là điểm đến du lịch hàng đầu nên cũng là thị trường tốt nhất cho sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp Quảng Nam tiêu thụ hiệu quả. Đây cũng là lý do sự kiện các sản phẩm OCOP Quảng Nam trưng bày, quảng bá tại thành phố lần này” - đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Nam chia sẻ.

VĨNH LỘC - PHAN VINH