Bộ GD-ĐT tổng kết năm học 2023 - 2024:Nan giải bài toán thiếu giáo viên
(QNO) - Theo Bộ GD-ĐT, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại ở hầu hết địa phương. Tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông.
Sáng nay 19/8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2023 - 2024; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2024 - 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự. Tại đầu cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, lãnh đạo Sở GD-ĐT cùng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham dự hội nghị.
Nhiều điểm sáng
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, năm học 2023 - 2024 toàn ngành cơ bản thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ công tác đề ra. Trong đó, đáng chú ý như tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 (4/11/2013) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ với đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 trên phạm vi cả nước. Việc thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đạt hiệu quả, phát huy được ưu điểm nổi bật giúp thay đổi từ gốc việc chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Năm học qua còn có nhiều điểm sáng như chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định. Kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi khoa học - kỹ thuật học sinh trung học năm học 2023 - 2024 cấp quốc gia, quốc tế và các kỳ thi Olympic quốc tế, khu vực tiếp tục đạt kết quả cao. Thành tích xuất sắc của các đội tuyển tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông, thể hiện hướng đi đúng đắn trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng tập huấn học sinh giỏi.
Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung 27.826 biên chế giáo viên (GV) năm học 2023 - 2024. Các địa phương tích cực tuyển dụng biên chế GV được giao; theo đó, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu.
Thiếu GV cục bộ
Theo Bộ GD-ĐT, sau khi Bộ Chính trị bổ sung 65.980 biên chế giai đoạn 2022 - 2026 cho ngành giáo dục, các địa phương đã tích cực tổ chức tuyển dụng và đạt được kết quả nhất định. Năm học 2023 - 2024, các địa phương đã tuyển dụng được 19.474 GV trong tổng số 27.826 biên chế được bổ sung.
Dù vậy, tình trạng thiếu GV cục bộ vẫn còn tồn tại hầu hết các địa phương, nhất là GV dạy các môn học mới (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục, gây khó khăn cho việc triển khai chương trình và kế hoạch dạy học.
Tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 GV các cấp học mầm non, phổ thông. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; chỉ tiêu phân bổ GV cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Tỷ lệ GV/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức quy định của Bộ GD-ĐT.
Nguyên nhân, theo Bộ GD-ĐT chủ yếu là do sức hút vào ngành còn hạn chế; tình trạng GV nghỉ việc vẫn còn cao; nguồn tuyển một số môn học đặc thù còn thiếu; việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, hiện còn khoảng 72.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng.
Bên cạnh đó, số lớp học tăng do số lượng học sinh tăng dẫn đến nhu cầu GV tăng; công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu GV từ cấp chiến lược đến các địa phương chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật…
Trao đổi tại hội nghị, lãnh đạo nhiều địa phương cũng than thở câu chuyện thiếu GV. Ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết địa phương gặp tình trạng thiếu GV, không có nguồn tuyển; kiến nghị Trung ương ưu tiên bổ sung biên chế GV, có cơ chế đặc thù trong tuyển dụng đối với sinh viên cử tuyển.
Bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đề nghị Trung ương rà soát lại định mức biên chế, nhất là môn học đặc thù khi Hà Nội thiếu GV. Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh - bà Trần Thị Diệu Thúy cũng cho rằng lương GV Tin học, Anh văn, Mỹ thuật, Âm nhạc quá thấp so với mặt bằng thu nhập của thành phố hiện nay nên rất khó thu hút người vào học ngành sư phạm cũng như tuyển dụng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành, nêu lên 10 điểm sáng trong năm học 2023 - 2024; đồng thời chỉ ra một số tồn tại, khó khăn, bất cập như thiếu GV, chất lượng GV chưa đồng bộ, cơ chế, chính sách đãi ngộ còn bất cập.
Thủ tướng đề nghị thời gian tới cần quyết tâm cao của ngành và toàn xã hội. Trong đó, tổng kết đổi mới chương trình, sách giáo khoa, kịp thời tham mưu Chính phủ điều chỉnh, khắc phục những tồn tại. Ưu tiên phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới, khắc phục tình trạng thiếu GV với nguyên tắc “có học sinh phải có GV” nhưng phải hài hòa, hợp lý, hiệu quả với từng cơ cở giáo dục, địa phương cụ thể; rà soát, bổ sung chế độ đãi ngộ đối với GV.
Các địa phương tập trung công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, nhất là những vùng kinh tế phát triển kéo theo dân số tăng đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh.
Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng
Theo Bộ GD-ĐT, năm học 2024 - 2025 là năm học đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tiến tới đại hội Đảng các cấp.
Đây cũng là năm học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả lớp từ lớp 1 đến lớp 12 và cũng là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Từ ý nghĩa quan trọng đó, ngành GD-ĐT xác định chủ đề năm học 2024 - 2025 là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng” với 12 nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng.
Trong đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục; đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, quan tâm đến đối tượng là của người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa.
Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; phát triển đội ngũ GV, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT...