Bình yên cho bản làng vùng cao Quảng Nam
Công an các huyện vùng cao Quảng Nam đã có nhiều cách làm sáng tạo trong công tác vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Mỗi ngày, ngoài việc lên rẫy gieo trồng, anh Alăng Xíu (thôn Talang, xã Bhalêê, huyện Tây Giang) đều dành thời gian chăm sóc 2 con heo rừng giống, là sinh kế được Công an huyện trao khi anh giao nộp 1 khẩu súng săn.
Alăng Xíu cho biết: “Đây là cặp heo giống tôi giao nộp súng tự chế đổi sinh kế. Từ nguồn hỗ trợ này, tôi tập trung chăm sóc để ổn định sinh kế”.
Còn anh Cơlâu Trăng ở thôn Nal (xã Lăng, huyện Tây Giang) rất mừng vì con heo rừng giống anh nhận được nhờ giao nộp khẩu súng PCP đang sinh trưởng tốt. Chăm sóc heo và lo việc gia đình nên anh không còn theo bạn bè lên rừng săn bắn như trước đây.
“Trao sinh kế, đổi vũ khí” là phong trào do Công an huyện Tây Giang tham mưu chính quyền địa phương phát động từ tháng 11/2023 và triển khai đồng loạt trên địa bàn 10 xã của huyện.
Để thay đổi thói quen, hành động của người dân, lực lượng công an đã tích cực tuyên truyền, định hướng chuyển đổi lao động từ môi trường săn bắn thú rừng sang môi trường chăn nuôi để phát triển kinh tế bền vững cho người dân. Việc tuyên truyền, vận động được thực hiện cụ thể, thiết thực bằng sinh kế là vịt xiêm giống, heo rừng giống cho đồng bào.
Với 4 đợt tuyên truyền vận động, hơn 150 con heo giống, vịt xiêm giống đã đến tay đồng bào. Theo đó, hơn 150 vũ khí trôi nổi trong đồng bào đã được Công an Tây Giang thu hồi, quản lý.
Trung tá Ngô Văn Thìn - Phó Trưởng Công an huyện Tây Giang cho biết: “Qua thời gian triển khai phong trào, người dân hưởng ứng tích cực, tự nguyện đem vũ khí đến giao nộp để được nhận sinh kế. Điều đáng mừng là bà con đã dần thay đổi thói quen săn bắn để chăm lo nuôi trồng, phát triển kinh tế bền vững. Đây là mong muốn lớn nhất của lực lượng công an khi tham mưu triển khai phong trào này”.
Tại huyện Đông Giang, chương trình “đổi gạo lấy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ” được Công an huyện triển khai từ đầu năm 2024, đem lại hiệu quả tích cực.
Việc đổi gạo lấy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vừa nhằm chia sẻ một phần khó khăn của người dân, vừa nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ trôi nổi trong cộng đồng, giảm thiểu các nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Qua chương trình, đã có hơn 100 súng tự chế, súng quân dụng đã được thu hồi cùng nhiều công cụ hỗ trợ khác.
Với cách làm sáng tạo của công an các huyện vùng cao đã mang lại hiệu quả kép vừa hỗ trợ đồng bào, vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong vận đồng thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Qua đó đảm bảo an ninh trật tự vùng cao, thiết thực hỗ trợ người dân sinh kế ổn định cuộc sống.