Cuộc đua tuyển dụng nhân tài AI tại Trung Quốc
(QNO) - Các nhà tuyển dụng Trung Quốc đưa ra mức lương cao để thu hút nhân tài chuyên về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) với hy vọng giành được lợi thế cho việc mở rộng kinh doanh trong tương lai.
Cổng thông tin tuyển dụng Liepin tại Trung Quốc vừa công bố, số lượng việc làm và người tìm việc trong lĩnh vực sử dụng AI để tạo ra nội dung theo yêu cầu (gọi tắt AIGC) trong quý đầu tiên của năm nay tăng vọt.
Cụ thể, số lượng việc làm liên quan đến AIGC tăng 321,7% so với cùng kỳ năm trước và số lượng người tìm việc tăng tới 947%.
Cạnh đó, mức lương trung bình hằng năm cho công việc liên quan đến AIGC tăng lên 409 nghìn nhân dân tệ (57 nghìn USD).
Các thành phố lớn hay nơi có văn phòng của các ông lớn internet gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Hàng Châu, hoặc nơi có trụ sở các gã khổng lồ công nghệ như Alibaba, Tencent và ByteDance đều cung cấp cơ hội việc làm liên quan đến AI.
Ví dụ, ByteDance phát động chiến dịch tuyển dụng Top Seed (hạt giống hàng đầu) vào cuối tháng 5/2024 để thu hút sinh viên tốt nghiệp có bằng tiến sĩ liên quan máy học, AI, mô hình ngôn ngữ lớn, tạo âm thanh và video.
Trong cuộc đua khốc liệt trên phạm vi toàn cầu, CEO của Công ty Tesla - tỷ phú Elon Musk tuyên bố vào tháng 4 vừa qua trên nền tảng xã hội X rằng công ty sẽ tăng lương và chế độ đãi ngộ cho nhân viên trong nhóm kỹ sư AI của Tesla, sau khi OpenAI tìm cách thu hút nhân tài của Tesla.
Ông Pang Shi của Viện Khoa học nhân sự Trung Quốc cho biết, việc mở rộng việc làm liên quan đến AI như chăm sóc sức khỏe, tài chính, giao thông vận tải và nhu cầu của thị trường đối với nhân tài AI là kết quả tiến bộ công nghệ và phát triển công nghiệp. Nhu cầu nhân tài AI tiếp tục tăng trong nhiều năm tới. Đây không phải là trào lưu nhất thời.
Chủ tịch Cổng thông tin tuyển dụng Zhaopin - ông Zhang Yuejia giải thích, nhu cầu về nhân tài AI bắt đầu xuất hiện và tăng vọt sau khi ChatGPT - ứng dụng sử dụng AI giúp người dùng tạo cuộc trò chuyện tự động và trả lời các câu hỏi về nhiều chủ đề và lĩnh vực khác nhau - do Công ty OpenAI (Mỹ) phát triển ra mắt thị trường vào năm 2022.
Năm ngoái, Công ty tư vấn toàn cầu McKinsey & Co dự đoán nhu cầu về lao động liên quan đến AI của Trung Quốc sẽ tăng từ 1 triệu lên 6 triệu vào năm 2030. Tuy nhiên, Trung Quốc - nền kinh tế số 2 thế giới vẫn thiếu hụt 4 triệu nhân tài về AI.
Ông Zhang Yuejia nói: "Một lực lượng lao động thành thạo công nghệ AI đang trở thành giải pháp chính, nguồn lực chính trong cạnh tranh kinh doanh, vì công nghệ tiên phong này có tiềm năng lớn trong việc cải thiện năng suất, tối ưu hóa quy trình làm việc và đổi mới các sản phẩm và dịch vụ. Đây sẽ là động lực mạnh mẽ giúp doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh".