Giáo dục Quảng Nam với 10 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới 2024 -2025
(QNO) - Sáng nay 21/8, Sở GD-ĐT hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình đến dự.
Đột phá
Theo ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT, năm học 2023 - 2024, toàn ngành gặt hái được kết quả ở nhiều mặt, được xã hội ghi nhận, lãnh đạo tỉnh đánh giá cao. Quy mô mạng lưới trường lớp đáp ứng nhu cầu, toàn tỉnh có 725 trường công lập với hơn 346,5 nghìn học sinh (HS) và 70 trường ngoài công lập với 30,5 nghìn HS.
Đáng chú ý, chất lượng giáo dục mũi nhọn Quảng Nam có bước đột phá. Tại Kỳ thi HS giỏi quốc gia năm học 2023 - 2024, Quảng Nam có 71 em đoạt giải, xếp vị thứ 15 cả nước và thứ 5 khu vực miền Trung và Tây nguyên; trong đó có 2 giải Nhất, 11 giải Nhì, 17 giải Ba và 41 giải Khuyến khích. Riêng em Đỗ Phú Quốc - lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông tiếp tục có một năm thành công khi đoạt được Huy chương bạc Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế.
Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, cảnh quan trường học đảm bảo xanh sạch đẹp, nhà vệ sinh trường học được cải tạo, nâng cấp, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm đầu tư. Công tác chăm lo phát triển đội ngũ tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện; tuyển dụng viên chức giáo viên (GV) nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học; triển khai tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bất cập
Dù vậy, ngành GD-ĐT còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhất là về xây dựng trường chuẩn, đội ngũ GV. Hiệu trưởng THPT Lê Quý Đôn (Tam Kỳ) - thầy Phan Thanh Nhuận nêu thực trạng thiếu GV thời gian qua khiến cho HS không được chọn môn học mình thích, có năng khiếu theo chương trình mới mà phải chọn theo tổ hợp của nhà trường.
Xây dựng trường chuẩn đối với các trường THPT cũng rất khó khăn. Trường THPT Lê Quý Đôn chỉ có 8.000m2 trong khi nhu cầu cần thiết phải là 15.000m2 nên không xây dựng trường chuẩn được, chưa kể cơ sở vật chất còn thiếu thốn, xuống cấp.
Về kỳ thi lớp 10 trong năm học 2024 – 2025, thầy Nhuận lưu ý cần quan tâm lựa chọn đội ngũ GV ra đề thi, tránh tình trạng GV dạy thêm tham gia ra đề dễ phát sinh tiêu cực, tâm lý không tốt.
Ông Châu Văn Ngọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết địa phương có 17 trường chuẩn, 4 trường chuẩn bị tụt hạng, cả 2 trường THPT rất khó đáp ứng yêu cầu do cơ sở vật chất không đảm bảo.
Việc thiếu GV cũng là bài toán khó đối với miền núi. Hiện nay huyện hợp đồng GV tiểu học, THCS, đảm bảo nhu cầu giảng dạy trong năm học mới nhưng phải có kế hoạch tuyển dụng.
Nhiều ý kiến cũng phản ánh biên chế giao cho phòng GD-ĐT quá ít, chỉ từ 6 - 9 biên chế, gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, chỉ đạo. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhiều phòng GD-ĐT thực hiện cán bộ biệt phái bằng việc điều động cán bộ, giáo viên từ trường lên phòng và thừa nhận “biết sai quy định nhưng không thể không làm”.
Nâng cao chất lượng
Với chủ đề năm học 2024 - 2025 “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng GD-ĐT”, ngành GD-ĐT Quảng Nam xác định tập trung triển khai thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tham mưu xây dựng các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển GD-ĐT như Đề án nâng cấp, chuẩn hóa cơ sở vật chất các trường THPT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030; Chiến lược phát triển giáo dục tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo ông Thái Viết Tường, năm học 2024 - 2025 có hai điểm mới đáng chú ý đó là thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới (2 môn bắt buộc Toán, Văn và 2 môn tự chọn) nên nhà trường cần chủ động phương án cho học sinh lựa chọn môn thi phù hợp. Trên cơ sở đó có kế hoạch giảng dạy đạt kết quả tốt. Năm học này cũng chuẩn bị cho việc thi kết hợp xét trong tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026 theo quyết định của UBND tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình đánh giá cao kết quả đạt được trong thời gian qua; đồng thời gợi ý một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian đến như tập trung đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học, xây dựng trường chuẩn quốc gia vì mục tiêu cuối cùng là chất lượng.
Cho rằng việc quản lý đội ngũ GV hiện nay còn bất cập ở khối các cấp học do địa phương quản lý, hai huyện gần nhau nhưng không điều chuyển GV được, ông Bình gợi mở nên chăng nghiên cứu quay trở lại giao cho ngành quản lý thống nhất để khắc phục tình trạng thừa thiếu GV cục bộ.
Liên quan đến chủ trương miễn học phí, Sở GD-ĐT cần xây dựng đề án càng nhanh càng tốt báo cáo Ban thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương để HĐND tỉnh thông qua nghị quyết triển khai ngay từ đầu năm học mới. Thực hiện chính sách miễn học phí cho HS trong năm học 2024 - 2025 thì tỉnh sẽ hỗ trợ nguồn kinh phí cho các trường học (80 tỷ đồng/năm).
“Ngành chủ động giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc để giữ vững phong trào, nâng cao chất lượng dạy và học; chuẩn bị tốt cho kỳ thi tuyển sinh 10, phân luồng HS. Đồng thời, khẩn trương tuyển dụng biên chế được giao, tránh tình trạng không sử dụng hết biên chế giao nhưng vẫn kêu thiếu GV” - ông Bình nói.