Bắc Trà My gìn giữ văn hóa bản địa
“Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Bắc Trà My, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” đã được triển khai với nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả.
Phát huy vai trò của người trẻ
Chị Hoàng Thị Thu Hà - Bí thư Đoàn xã Trà Nú thường xuyên đến các chi đoàn thanh niên thôn vận động các bạn trẻ tham gia câu lạc bộ cồng chiêng của xã Trà Nú.
Chị Hà cho biết: “Nhận được sự hưởng ứng của đông đảo đoàn viên thanh niên, tôi cùng với anh em thanh niên tìm đến nhà người già trong làng để được truyền dạy các bài hát ru, cách đánh cồng chiêng, các điệu múa của người Co trong lễ hội.
Theo đó, những già làng Co đã say sưa chỉ dẫn cho các bạn trẻ bằng chính tiếng đồng bào của mình. Sau thời gian dài vận động, chuẩn bị, đến tháng 3/2024, Câu lạc bộ Cồng chiêng thế hệ trẻ người Co đã chính thức ra mắt, với sự tham gia của 22 thành viên đều là thanh niên”.
Câu lạc bộ được tổ chức sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần với mục đích giới thiệu các điệu múa, các bài đánh trống, chiêng của người Co đến với đông đảo thế hệ trẻ trên địa bàn huyện.
Cạnh đó, câu lạc bộ cũng đã tổ chức truyền dạy cho thiếu nhi tại địa phương học tập cách xâu cườm, làm các bộ hạt cườm theo đúng bản sắc văn hóa của đồng bào mình. Qua đó, tạo một môi trường giao lưu, xây dựng thế hệ nghệ nhân trẻ kế cận trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy văn hóa cồng chiêng của người Co.
Trong 2 năm qua, xã Trà Nú đã tổ chức mua sắm 4 bộ trống, chiêng, 30 bộ trang phục nam, nữ, hơn 50 bộ cườm các loại với tổng kinh phí gần 100 triệu đồng để phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt văn hóa tại địa phương.
Bảo tồn giá trị văn hóa
Toàn huyện Bắc Trà My đã thành lập được 22 câu lạc bộ cồng chiêng cơ sở tại các thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các trường học.
Huyện cũng đã mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cộng đồng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương; dạy nghề đan lát cho hơn 200 học viên là người đồng bào Mường (Trà Giang) và đồng bào dân tộc Ca Dong (Trà Bui).
Huyện dành kinh phí hỗ trợ các câu lạc bộ cồng chiêng tham gia trình diễn, giới thiệu văn hóa dân tộc Ca Dong, Co đến với du khách ngay trên mảnh đất Bắc Trà My, mang văn hóa đến giao lưu với các huyện, các tỉnh trong lễ hội văn hóa đặc trưng.
Theo ông Lê Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, các hoạt động văn hóa trên địa bàn huyện được tổ chức đa dạng, mang đậm hơi thở, cuộc sống của đồng bào các dân tộc tại địa phương.
Huyện cũng tổ chức thành công hai lễ hội lớn để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa bản địa, đó là lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My và lễ hội quế Trà My.
Các lễ hội có phần nghi thức phục dựng, tái hiện nhiều nghi lễ nhằm kết nối tình đoàn kết, giữ gìn, giới thiệu nét văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương.
Trong các lễ hội, tại 5 ngôi nhà truyền thống của người Kinh, Ca Dong, Co, Xê Đăng, Mơ Nông, du khách đã được tham quan, trải nghiệm với những nghi lễ độc đáo.
Đặc sắc có thể nhắc đến lễ cúng mừng lúa mới của đồng bào Ca Dong. Sau mỗi vụ mùa, người Ca Dong ở xã vùng cao Trà Bui lại tổ chức lễ mừng lúa mới, cúng tạ ơn các vị thần linh đã phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Già làng Ca Dong cùng con cháu cúng mừng lúa mới, cùng nhau đánh lên tiếng chiêng vang vọng khắp núi rừng. Tiếng chiêng trống âm vang cầu mong cho bản làng ngày càng trù phú, nhà nhà con cháu khỏe mạnh, ấm no.
Hay các già làng người Co trong trang phục đóng khố, gọi là “ta non” tham gia, giới thiệu các sản phẩm đan lát của đồng bào mình. Thiếu nữ Co tự tay làm cơm lam, gói bánh nhót tạo không khí gần gũi, thân thuộc cho du khách.
Đặc biệt, lễ hội quế Trà My đã tái hiện hương sắc vùng cao sơn ngọc quế một thời. Đây là hoạt động văn hóa quan trọng để huyện tiếp tục quảng bá cây quế và sản phẩm từ quế Trà My, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo tồn và phát triển quế Trà My, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện và thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, giải quyết việc làm cho người dân tại địa phương.
Thông qua lễ hội văn hóa, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong việc gìn giữ, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào mình.