Quảng Nam chưa khơi thông dòng vốn tín dụng nông nghiệp, nông thôn
Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã đưa vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tuy vậy với không ít “điểm nghẽn” xuất hiện, rất cần các giải pháp để khơi thông.
Không ít trở ngại
Trang trại nuôi heo của ông Đỗ Quang Diêm Khánh (thôn Tân Quý, xã Tam Vinh, Phú Ninh) mỗi năm xuất bán ra thị trường 3 nghìn con heo thịt.
Theo ông Khánh, chi phí đầu vào khoảng 50 nghìn đồng/kg heo thịt. Tuy vậy, có thời điểm giá heo đầu ra chỉ ở mức hơn 40 nghìn đồng/kg nên chịu lỗ. Đầu tư nuôi heo quy mô lớn, tốn nhiều chi phí cho chuồng trại, con giống, lao động, thức ăn, vật tư… nên ông Khánh rất cần nguồn vốn lớn.
“Tôi luôn cần nguồn vốn lưu động vài tỷ đồng để phát triển chăn nuôi nhưng vay vốn của ngân hàng rất khó. Tôi thế chấp đất đai nhưng chỉ vay được 1,8 tỷ đồng của Phòng Giao dịch Agribank huyện Phú Ninh.
Theo Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, chủ trang trại được vay vốn 1 tỷ đồng không thế chấp nhưng không ngân hàng nào cho tôi vay.
Mong ngành chức năng của tỉnh có giải pháp khơi thông vốn vào nông nghiệp, nông thôn, tạo lực đẩy cho chính sách tam nông” - ông Khánh nói.
Ông Nguyễn Bá Hải - Giám đốc HDBank Tam Kỳ cho biết, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của đơn vị đến nay chỉ mới gần 5 tỷ đồng. Nhiều khách hàng không đủ điều kiện vay gói tín dụng nông nghiệp, nông thôn nên chuyển sang vay gói sản xuất, kinh doanh dù lãi suất cao hơn.
“Cái khó ở đây là cho vay thế chấp. Nhiều nông hộ không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích trồng rừng, nuôi trồng thủy sản... nên không thể tiếp cận gói tín dụng nông nghiệp, nông thôn có lãi suất rẻ hơn các gói tín dụng khác” - ông Hải nói.
Ông Nguyễn Út - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết, đơn vị đang nhận ủy thác vốn vay của 2 ngân hàng thương mại để chuyển vốn đến các nông hộ trên địa bàn là Agribank Quảng Nam và Lienvietpostbank Quảng Nam. Phương thức cho vay là không thế chấp, mỗi hộ vay vốn tối đa 100 triệu đồng.
Đến nay, dư nợ cho vay của Agribank Quảng Nam hơn 6 nghìn tỷ đồng với 16.059 khách hàng, dư nợ của Lienvietpostbank Quảng Nam là 89,2 tỷ đồng với 2.006 nông hộ.
“Nhờ tiếp cận vốn vay, nhiều hội viên đã mở rộng sản xuất, kinh doanh, hình thành các mô hình liên kết sản xuất hàng hóa hiệu quả cao, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn tỉnh. Tuy vậy, thực tế triển khai phát sinh không ít điểm vướng cần các giải pháp phù hợp tạo lực đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân thời gian đến” - ông Út nói.
Cần khơi thông vốn
Ông Đinh Long Toàn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh cho biết, nhiệm vụ quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương là thu hút hoạt động của doanh nghiệp để liên kết với các hợp tác xã, người dân sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn.
Bởi vậy, doanh nghiệp rất cần khơi thông vay vốn theo Nghị định 55 của Chính phủ để tiếp cận, đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh.
“Doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi thì nên được cho vay tín chấp theo quy định tại Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn” - ông Toàn nói.
Ông Nguyễn Út cho biết, thời gian qua, tín dụng nông nghiệp, nông thôn có tăng trưởng về dư nợ, nợ xấu phát sinh thấp... nhưng chưa đạt được mục tiêu mở rộng tín dụng như kế hoạch của Hội Nông dân tỉnh và Agribank Quảng Nam, Lienvietpostbank Quảng Nam đề ra.
Nguyên nhân là một số phòng giao dịch hay ngân hàng cơ sở chưa mạnh mẽ phối hợp với các tổ chức hội nông dân để đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn thông qua tổ vay vốn.
Phối hợp tập huấn nghiệp vụ tín dụng cho cán bộ cơ sở hội nông dân, tổ trưởng tổ vay vốn nhiều nơi chưa được thường xuyên. Do sản xuất nông nghiệp tiềm ẩn rủi ro nên có tình trạng ngân hàng lo sợ phát sinh nợ xấu...
“Thời gian tới, cần tăng cường phối hợp giữa các ngân hàng thương mại với chính quyền địa phương, các tổ chức hội nông dân, tổ trưởng tổ vay vốn nhằm xác định đúng đối tượng vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích, thu hồi nợ đến hạn. Qua đó, đảm bảo chất lượng tín dụng và phát huy hiệu quả vốn vay làm bệ đỡ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn” - ông Út nói.
Mục tiêu phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh với các tổ chức tín dụng trên địa bàn là phát huy vai trò tiên phong của các ngân hàng trong thực thi chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo chỉ đạo của Chính phủ; phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 8,0%/năm; tăng trưởng khách hàng mới trên cơ sở đảm bảo chất lượng tín dụng, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu cho vay dưới 1% tổng dư nợ.