Giao thông Quảng Nam canh cánh nỗi lo sạt lở, tắc đường mùa mưa
Trước mỗi mùa mưa bão, câu chuyện đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ lại được đặt ra. Tình trạng sạt lở gây tắc đường, chia cắt lưu thông dài ngày, đe dọa tính mạng con người vẫn là nỗi lo canh cánh.
Nhận diện nguy cơ
Mùa mưa bão năm 2023, thiên tai xảy ra ít so với những năm trước đó. Tuy nhiên, mưa to kéo dài, lượng mưa ở một số thời điểm đã gây thiệt hại không nhỏ đến hệ thống hạ tầng giao thông của Quảng Nam.
Ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh cho hay, trên các tuyến quốc lộ (QL) 40B (Tam Kỳ - Nam Trà My) và QL24C (Bắc Trà My - Quảng Ngãi), taluy dương sạt lở làm tràn lấp mặt đường và taluy âm sụt trượt khiến lưu thông bị ảnh hưởng.
Đối với hệ thống đường tỉnh (ĐT), nhiều vị trí trên ĐT606 (Tây Giang), ĐT611 (Quế Sơn - Nông Sơn) sạt lở gây ách tắc lưu thông, đe dọa tính mạng người đi đường. Một số tuyến bị nước lũ băng ngập sâu, như QL14H qua Duy Xuyên, Nông Sơn; ĐT609 qua Đại Lộc.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, những tháng cuối năm 2024, khu vực Biển Đông khả năng xuất hiện khoảng 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động. Trong đó, có 5 - 7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Mưa lớn khả năng bắt đầu từ giữa tháng 9 trên diện rộng. Mùa mưa bão năm nay nếu xảy ra thời tiết cực đoan, hệ thống hạ tầng giao thông của Quảng Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Việc đảm bảo an toàn giao thông sẽ khó khăn bởi nguy cơ xảy ra sạt lở.
Mùa mưa bão, các tuyến QL như 40B đi qua địa phận Bắc Trà My và Nam Trà My, 24C qua Bắc Trà My, 14H qua Nông Sơn, 14D và 14B qua Nam Giang, 14E qua Phước Sơn, 14G qua Đông Giang, đường Hồ Chí Minh qua Đông Giang và Phước Sơn, đường Trường Sơn Đông rất dễ sạt lở.
Đối với hệ thống đường tỉnh, người tham gia giao thông cần chú ý không nên lưu thông giữa thời tiết bất lợi trên các tuyến ĐT606, ĐT609 (đoạn Đại Lộc - Đông Giang), ĐT611 qua đèo Le, ĐT617 qua Bắc Trà My.
Nhiều tuyến đường thường xuyên bị ngập sâu như cầu Khe Rinh trên QL14H thuộc địa phận xã Phước Ninh (Nông Sơn) và xã Duy Trinh (Duy Xuyên), ĐT609 đoạn qua cầu Ba Khe 2, Ba Khe 3 (Đại Lộc)…
Cần chủ động ứng phó
Những đợt mưa lũ liên tiếp do ảnh hưởng của không khí lạnh và cơn bão số 9 vào cuối tháng 10/2020 gây sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, phá vỡ nền, mặt đường tuyến ĐH1.PS (Phước Đức - Phước Thành) của huyện Phước Sơn.
Nặng nhất là tại Phước Kim và Phước Thành, nhiều vị trí có nền và mặt đường, cầu bản, cống bị xói trôi gây cắt đường; đất, đá và cây cối từ taluy dương sạt lở xuống lấp mất mặt đường làm tê liệt lưu thông. Tuyến ĐH1.PS bị tắc khiến việc thông tuyến ĐH2.PS (dài 8,1km) để vào địa phận xã Phước Lộc không thể triển khai.
Nhờ sự hỗ trợ của các đơn vị chuyên nghiệp trong khắc phục hậu quả mưa lũ của Sở GTVT Quảng Nam (các tuyến ĐH thuộc sự quản lý của cấp huyện), phải mất hàng tháng trời, việc lưu thông mới được khôi phục.
Đến thời điểm này, dự án tái thiết sau thiên tai trên những trục đường nêu trên vẫn chưa xong, đối mặt nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nếu gặp thời tiết cực đoan.
Thường xảy ra sạt lở, nhiều công trình đang thi công chưa hoàn thành có thể tiếp tục xảy ra tình trạng này, như tuyến ĐT609 qua các xã Đại Hưng (Đại Lộc), Kà Dăng (Đông Giang). QL14E qua Hiệp Đức, Phước Sơn cũng không phải ngoại lệ.
Thuộc địa phận Nam Giang, nền và mặt đường trục QL14D thời gian qua xuống cấp rất nghiêm trọng. Trong khi đó, những năm trước đây, nhiều vị trí trên tuyến cũng thường xuyên bị sạt lở, chia cắt lưu thông kéo dài. Mùa mưa bão này, an toàn giao thông trên tuyến đường qua biên giới Việt - Lào càng đáng lo ngại.
Qua địa phận các xã Đại Hưng và Kà Dăng, tuyến ĐT609 đang được nâng cấp, mở rộng. Tuy nhiên, do mặt bằng chưa được bàn giao xong và thiếu nguồn vốn, việc triển khai thi công chưa thể về đích cuối tháng 8 này. Vị trí có taluy dương phải san gạt, hoặc hạ thấp sẽ không tránh khỏi tình trạng mưa lũ kéo theo đất đá, cây cối đổ ập xuống nền đường.
Đối với các tuyến giao thông giao do ngành quản lý, Phó Giám đốc GTVT tỉnh Quảng Nam - ông Trần Ngọc Thanh cho biết đã chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên xây dựng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Lưu ý bố trí máy móc, thiết bị trên từng tuyến đường, đặc biệt ở những vị trí trọng yếu thường xuyên bị sạt lở, ngập lụt trên các tuyến QL14B, QL14D, QL40B, ĐT606 để triển khai khắc phục, đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất khi có tình huống xảy ra.
Chủ động liên hệ với các địa phương nơi các tuyến đường đi qua để phối hợp nắm thông tin tình hình giao thông, ứng phó, xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai. Chú trọng huy động máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, lực lượng tại chỗ để hỗ trợ khắc phục đảm bảo giao thông…