Không dễ bán tín chỉ carbon
Vừa qua, Cục Lâm nghiệp đã có công văn gửi các địa phương về vấn đề bán tín chỉ carbon, với khẳng định “Dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng là vấn đề mới, hiện mới được thí điểm tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể để triển khai, đang tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện”.
Sở dĩ có công văn này là gần đây, báo chí, mạng xã hội, người dân và chính quyền các nơi xôn xao chuyện bán tín chỉ carbon, rằng tỉnh này huyện kia có hàng nghìn héc ta rừng ngon lành, đem nhân với giá trị trường tín chỉ, chẳng mấy lát là rủng rỉnh.
Báo chí cũng cho rằng với đà này, hơn 14 triệu héc ta rừng của nước ta hiện có, sẽ thu về mấy trăm triệu đô la. Cơ sở để thành triệu phú đô la, là người ta mua 5 đô la/tín chỉ.
Nhưng thực chất, hơn 51 triệu đô la Mỹ mà Ngân hàng Thế giới (WB) đã chuyển cho Việt Nam thuộc Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ, là kết quả của đàm phán giữa WB và Bộ NN&PTNT cho nỗ lực quản lý bảo vệ rừng, giảm phát thải rừng khu vực trên, hoàn toàn không có chuyện mua bán tín chỉ carbon trên thị trường. Vẫn nghe câu hỏi lặp đi lặp ở các chủ rừng: tại sao họ có rừng bán được, mà tôi lại không?
Xin thưa, phải hiểu đúng bản chất của carbon rừng, đó là rừng khi được tính toán, xác định kỹ tỷ lệ phát thải carbon. Đồng nghĩa, từ đây, carbon rừng sẽ được là tài sản có giấy tờ và quyền sử dụng của chủ rừng. Nó trở thành một loại lâm sản.
Nhưng thực tế, Luật Lâm nghiệp năm 2017 khi định nghĩa về lâm sản, thì không có carbon rừng: “Lâm sản là sản phẩm khai thác từ rừng bao gồm thực vật rừng, động vật rừng và các sinh vật rừng khác gồm cả gỗ, lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm gỗ, song, mây, tre, nứa đã chế biến”.
Chưa nói, nếu xác định được tín chỉ carbon, thì câu chuyện quyền sở hữu chưa phải tới đây là chuẩn bị kết thúc. Rừng bây giờ, sở hữu rất đa dạng: ban quản lý rừng, cộng đồng làng, cá nhân, nhóm hộ.
Rừng diện tích lớn thì dễ, chứ nếu manh mún như ruộng ở đồng bằng, giấy tờ xác định càng rối nếu không có cơ chế ủy quyền. Rồi, nếu anh đã nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, thì bán được tín chỉ số tiền này sẽ về túi ai, tức ai sở hữu?
Đến bây giờ, hành lang pháp lý cho mua bán tín chỉ carbon ở Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện, cho nên cái gọi là đã bán tín chỉ carbon thực hiện thành công rất ít. Sẽ còn rất lâu, tín chỉ carbon mới trở thành hàng hóa, cho nên đừng vội mừng sớm.