Lao động - Việc làm

Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm ở Quảng NamVốn nhiều, trùng lặp, khó giải ngân

NHÃ PHƯƠNG 23/08/2024 09:45

Thời gian qua, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại các địa phương và sở, ban ngành, đơn vị liên quan thuộc khối tỉnh gặp khó khăn trong lĩnh vực phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm do phát sinh một số bất cập.

gd1.jpg
Nhiều địa phương miền núi của Quảng Nam gặp khó trong phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ảnh: PV

Ghi nhận từ Bắc Trà My

Theo báo cáo của UBND huyện Bắc Trà My, tổng nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững năm 2024 của địa phương là hơn 272 tỷ đồng.

Trong đó, vốn năm 2022 - 2023 chuyển sang gần 139,5 tỷ đồng và kế hoạch vốn năm 2024 hơn 132,6 tỷ đồng. Tính đến tháng 7/2024, tổng các nguồn vốn huyện đã giải ngân hơn 35,6 trong số hơn 272 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13%.

Theo ông Hoàng Thanh Long - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, vấn đề đáng chú ý là nguồn vốn thực hiện dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), việc làm bền vững ở địa phương đang rất khó triển khai.

Cụ thể, đối với tiểu dự án 1 của dự án 4 liên quan phát triển GDNN vùng nghèo - vùng khó khăn, kinh phí thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp là hơn 3,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, ước thực hiện trong năm 2024 khoảng hơn 482 triệu đồng, đạt tỷ lệ 12,96%; dự kiến kinh phí không giải ngân hết và đề nghị điều chuyển sang nội dung thuộc dự án khác trong năm 2024 hơn 3,2 tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là trên địa bàn huyện Bắc Trà My không có cơ sở GDNN để triển khai thực hiện; trùng đối tượng với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngoài ra, lao động có thu nhập thấp hiện nay chưa xác định được đối tượng do chưa có hướng dẫn thực hiện của cấp trên để xác định đối tượng đào tạo.

Còn đối với tiểu dự án 2 của dự án 4 về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, kinh phí thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp hơn 2 tỷ đồng.

Thế nhưng, ước thực hiện trong năm 2024 chỉ khoảng 50 triệu đồng, đạt tỷ lệ 2,47%; dự kiến kinh phí không giải ngân hết và đề nghị điều chuyển sang nội dung thuộc dự án khác trong năm 2024 hơn 1,9 tỷ đồng. Nguyên nhân là tâm lý ngại đi làm ăn xa nhà, còn phụ thuộc gia đình, thiếu ý chí vươn lên của một bộ phận người lao động…

Trong khi đó, đối với tiểu dự án 3 của dự án 4 về hỗ trợ việc làm bền vững, kinh phí thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp là hơn 1,2 tỷ đồng nhưng ước thực hiện trong năm 2024 khoảng 415,5 triệu đồng, đạt tỷ lệ 32,73%. Dự kiến kinh phí không giải ngân hết và đề nghị điều chuyển sang nội dung thuộc dự án khác trong năm 2024 là hơn 854 triệu đồng.

Theo lãnh đạo huyện Bắc Trà My, nguyên nhân là hiện nay một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ít có nhu cầu sử dụng lao động nông thôn; số lao động dôi dư từ các doanh nghiệp cho về lại địa phương rất nhiều vì không có đơn hàng để sản xuất. Trong khi đó, các sàn giao dịch việc làm trên địa bàn thì người lao động không tham gia và không đăng ký tìm việc...

gd2.jpg
Các cấp, ngành cần quan tâm tổ chức các sàn giao dịch việc làm để tạo cơ hội tìm việc cho người lao động. Ảnh: PV

Nhiều bất cập

Theo đại diện Sở LĐ-TB&XH, đối với tiểu dự án 1 của dự án 4 về phát triển GDNN vùng nghèo - vùng khó khăn, nguồn kinh phí phân bổ thực hiện quá nhiều nên vượt quá nhu cầu, khả năng thực hiện của các đơn vị, địa phương. Hiện nay, ở cấp huyện không có cơ sở GDNN công lập nên nhiều nội dung hỗ trợ của chương trình không thực hiện được ở cấp huyện.

Còn đối với nguồn kinh phí phân bổ cho các trường cao đẳng, trung tâm GDNN thì chỉ sử dụng để mua sắm vật tư thiết bị dạy học, không thể thực hiện nội dung hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho người lao động vì trùng với nội dung địa phương thực hiện dẫn đến giải ngân kinh phí thấp.

Mức hỗ trợ cho đối tượng được đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng thấp, không còn phù hợp với chi phí và giá cả thực tế, khó đảm bảo được chất lượng đào tạo và khuyến khích các cơ sở GDNN tham gia thực hiện; số lượng 3 nhóm đối tượng gồm người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo không nhiều, một bộ phận không có nhu cầu học nghề.

Đáng chú ý, ngoài kinh phí thuộc chương trình giảm nghèo, một số địa phương còn được phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện tiểu dự án 3 của dự án 5 thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (95% nguồn kinh phí hàng năm) nên dẫn đến trùng lặp địa bàn, nội dung, đối tượng hỗ trợ.

Các quy định về hỗ trợ phát triển GDNN và giải quyết việc làm được hướng dẫn chung giữa các cấp và các cơ quan thực hiện nên các đơn vị, địa phương còn nhiều lúng túng khi triển khai.

Nhiều ý kiến cho rằng, đối với tiểu dự án 3 của dự án 4 về hỗ trợ việc làm bền vững, việc xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc được giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam thực hiện, các huyện nghèo không thực hiện nhiệm vụ này.

Hoạt động quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác mới được quy định và được hướng dẫn sử dụng kinh phí. Tuy nhiên, trong thời gian này UBND tỉnh đã triển khai hoạt động thu thập thông tin thị trường lao động, nội dung thu thập trùng lặp với hoạt động quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư nên không thể triển khai và giải ngân vốn...

NHÃ PHƯƠNG