Đời sống

Giật mình nghe phố trôi qua

PHAN HOÀNG 24/08/2024 07:00

Ký ức gợi về những ngày đì đùng pháo tết. Thị trấn hồng lên sắc pháo. Với người già, nhắc chuyện 40 năm trước, cũng là cách nhắc mình đã dự phần vào thăng trầm của phố. Phố ngày xưa đậm hơi làng, bởi chỉ dợm chân ra đường, hàng xóm đã quen hơi.

454636001_2896941813814194_8785630548379424439_n.jpg
Một góc thị trấn Ái Nghĩa. Ảnh HOÀNG NHÂN

Ai Đái/Ái Đái/Ái Nghĩa là tên làng được Dương Văn An ghi trong Ô châu cận lục vào năm 1553. Xã Ái Nghĩa được ghi tên trong văn bia chùa Phổ Khánh lập năm Mậu Ngọ 1678. Trải từ đó đến trước giải phóng, tên làng xã chìm nổi và trở lại vào năm 1984 đến nay.

Ngoảnh lại một thời

Những năm 1990, Ái Nghĩa túm rụm. Là chỉ loanh quanh chút xíu mùi thị dân ở ngã ba và ngã tư. Chợ ngã ba, ngã tư chỉ họp chút sáng chút chiều rồi tan.

Hồi đó không có nước máy. Cư dân ngã tư dùng chung giếng đào. Giếng bà Bảy Sừng để tắm giặt, giếng ông Rân để ăn uống. Tạp hóa thì bà Năm Giang.

Muốn đọc sách thì nhịn ăn sáng, cầm 500 đồng thuê đọc ké tại chỗ ở Hiệu sách Nhân Dân. Những cuốn Bảy viên ngọc rồng hay Doraemon thời đó được lứa 8X chúng tôi ngồi bệt xuống đất trước cửa hiệu và giành nhau suất đọc.

Có 2 tuyến đường nối chúng tôi với thế giới… bên ngoài Ái Nghĩa. Tuyến từ Ái Nghĩa xuống Vĩnh Điện và từ Ái Nghĩa đi Đà Nẵng. Ngó lên phía núi là Hiên, Giằng.

Bạn tôi nhà ở Vĩnh Điện, hồi đó thỉnh thoảng nhớ nhau thì chạy lên Ái Nghĩa. Hai chục năm sau, 16 cây số đường đi ấy đã bon bon. Vậy mà nhắc tới, bạn bảo vẫn nghe lục cục những ổ gà, ổ voi trong não.

456350091_1534698260748624_6600270091801143543_n.jpg
Thị trấn Ái Nghĩa về đêm. Ảnh: HOÀNG TRÍ

Trong xa xăm, chợt nhớ một cái tên: Đại Phước. Trường Tiểu học Đại Phước hồi mẹ tôi làm giáo viên ở đó. Nó gắn với ký ức những ngày mẹ chạy chợ buôn ớt để kiếm thêm ít đồng nuôi con ngoài đồng lương ít ỏi.

Những chiều trời sập tối chờ mẹ về trên xe đạp cọc cạch với bao tải ớt sau gác baga. Cái tên xã Đại Phước không còn sau năm 1984, khi giải thể để thành lập thị trấn Ái Nghĩa.

Nó cũng gắn với ký ức về cô tôi ngày buôn chuyến Hiên, Giằng, từ chè lá, thơm đến lòn bon, chuối, mít. Mít non gửi xuống hay cá chuồn gửi lên cũng đều nhờ những người buôn chuyến như cô.

Ông Nguyễn A, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc, thời điểm 1984 là Chủ tịch UBND xã Đại An được phân công Phó Chủ tịch lâm thời thị trấn Ái Nghĩa.

Ông Nguyễn A nhớ lại: “Năng suất lúa của Hợp tác xã nông nghiệp Đại Phước hồi đó cao kỷ lục trong nước. Giai đoạn đó cả nước thiếu lương thực thiếu gạo nên đây là điển hình mà trung ương và các địa phương về nghiên cứu học tập. Tôi nhớ lúc ấy hợp tác xã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng khen thưởng một chiếc máy cày”.

Ký ức đó, cho chúng tôi hình dung về những cánh đồng màu mỡ, về vùng ngoại ô thị trấn trù phú và các xã cận thị được mở rộng dần để nên hình hài phố bây giờ. Cũng chẳng thể nào khác, khi hạ tầng thị trấn năm 1984 ấy, gần như không có gì.

Trên đường ray chạy tới

Người ở đây, khi chính quyền tổ chức lễ kỷ niệm nào đó, như là dịp để ngoái đầu nhìn lại, thì gật gù với nhau, cũng phát triển ghê chớ đâu thua chi Đà Nẵng. Nhưng người ở xa một hai năm trở về, thì sẽ giật mình.

góc ngã tư Ái Nghĩa
Góc ngã tư Ái Nghĩa trong ký ức. Ảnh: HỨA THẠNH

Giật mình vì phố đã sầm uất, ồn ào, đông đúc như… Sài Gòn. Hiếm hoi mới có căn nhà trên các tuyến ngang tuyến dọc không dùng mặt tiền cho kinh doanh. Đoạn phố chưa đầy cây số có đến 8 ngân hàng tư nhân đặt trụ sở.

“518ha và 1.274,75ha” là hai con số từ xuất phát điểm 40 năm trước và bây giờ, để cho thấy về quy mô thị trấn. Đồng xanh dần thay thế bởi những con đường nhựa và đường bê tông theo thế bàn cờ của phố.

Chương trình phát triển đô thị thị trấn Ái Nghĩa có mục tiêu phát triển Ái Nghĩa đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV giai đoạn đến năm 2030 với vai trò là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội, tạo động lực phát triển phía bắc của vùng tỉnh Quảng Nam, là trung tâm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ quan trọng của tỉnh có sự gắn kết với TP.Đà Nẵng.

Với người ở vùng đất mở mọi hướng này, không có khái niệm dừng lại.

Vài ba năm trở lại đây, thêm “sản phẩm” thị thành: kẹt xe. Dân thị trấn đi xa, tết về là ná thở với kẹt xe. Người bám trụ sống quen cảnh rồi thì chép miệng, từ ngày có cầu Giao Thủy, xe tải hạng nặng rầm rập chạy cả ngày lẫn đêm.

Cát, đất, bụi và inh ỏi còi xe đến tận 1-2 giờ sáng. Dân dọc tuyến đường này mơ hồ nhận ra, thèm quá không gian xanh và yên tĩnh của ngày xưa, thuở thị trấn túm rụm như làng.

Trục đường Hùng Vương qua thị trấn Ái Nghĩa. Ảnh: HOÀNG NHÂN
Trục đường Hùng Vương qua thị trấn Ái Nghĩa. Ảnh: HOÀNG NHÂN

Ngó trên Google Map, dễ nhìn thấy Ái Nghĩa nói riêng, Đại Lộc nói chung được bao bọc bởi những cây cầu đã và đang thi công. Cầu Sông Thu bắc qua sông Thu Bồn (nối Duy Xuyên - Đại Lộc). Cầu An Bình nối đôi bờ Vu Gia.

Cầu Quảng Đà bắc qua sông Yên (nối Điện Tiến - Hòa Vang). Cầu Văn Ly bắc qua sông Thu Bồn (nối Duy Xuyên - Điện Bàn - Đại Lộc). Và cầu Giao Thủy. Là ngó hướng nào cũng thấy cơ hội phát triển.

Cùng với đó, người Ái Nghĩa hy vọng, khi những cây cầu này hoàn thiện, áp lực giao thông từ tuyến Giao Thủy về thị trấn sẽ bớt đi, xung đột giao thông ở các điểm trung tâm thị trấn cũng đỡ căng thẳng hơn.

Trong cơn lốc đô thị, làm lành với thiên nhiên như thế nào, theo lộ trình nào để tiện ích của đô thị và chất lượng cuộc sống không tỷ lệ nghịch? Nhiều hơn những câu hỏi như vậy sau 40 năm nhìn lại, người thị trấn đặt ra để cùng hành động, chứ không phải là giấc mơ mang tên ngày xưa ơi…

PHAN HOÀNG