Tìm giải pháp phát triển nhà ở xã hội
(QNO) - Chiều 23/8, Hiệp hội Các đô thị Việt Nam phối hợp UBND TP.Hội An tổ chức tọa đàm chuyên đề "Nhà ở xã hội - Sự tham gia của các bên liên quan và cộng đồng". Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Lê Văn Dũng tham dự.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND TP.Việt Trì (Phú Thọ), Chủ tịch Hiệp hội Các đô thị Việt Nam nói, đây là dịp để các bên liên quan trao đổi, thảo luận, tìm hướng giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển nhà ở xã hội - một yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Trong bối cảnh đô thị hóa gia tăng, nhu cầu về nhà ở ngày càng tăng, đặc biệt với người có thu nhập thấp, công nhân lao động và các nhóm yếu thế trong xã hội. Nhà ở không chỉ là nhu cầu cơ bản mà còn là nền tảng cho sự ổn định xã hội, đảm bảo an sinh và tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ về y tế - giáo dục - cơ hội việc làm.
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Lê Văn Dũng nói, Quảng Nam hiện có 19 đô thị, dự kiến đến năm 2030 có 25 đô thị. Trong đó các đô thị như Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Núi Thành đều đang đối mặt với những thách thức liên quan đến vấn đề phát triển đô thị; nhu cầu nhà ở dành cho công nhân, người có thu nhập thấp ngày càng tăng.
Vì vậy, để tập trung triển khai hoàn thành các chỉ tiêu của Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" trên địa bàn tỉnh (Quảng Nam được giao khoảng 19.600 căn hộ đến năm 2030) rất cần sự chung tay góp sức của cộng đồng, doanh nghiệp.
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thông tin, cả nước đã có 619 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 561.800 căn. Trong đó 79 dự án hoàn thành với hơn 40.000 căn; 128 dự án đã khởi công xây dựng với khoảng 112.000 căn; 412 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với khoảng 410.000 căn.
Đại biểu tham dự tọa đàm cũng trình bày nhiều tham luận liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội hiện nay như: Luật Nhà ở và Nghị định số 100 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, mô hình nhà ở xã hội hạnh phúc và bền vững, nhà ở xã hội bền vững và công bằng...
Những ý kiến, kinh nghiệm, giải pháp tại tọa đàm là cơ hội để các bên liên quan có cái nhìn sâu sắc hơn về thực trạng cũng như mở ra hướng đi mới cho tương lai về nhà ở xã hội. Đây là nền tảng quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và triển khai các giải pháp phù hợp, góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến nhà ở xã hội hiệu quả hơn trong thời gian tới.