Góc suy ngẫm

Vũ điệu khơi gợi ký ức

Nguyễn Điện Nam 25/08/2024 06:52

Chất liệu dân dã từ đồng quê Việt có thể dự phần những sáng tạo nghệ thuật. Là hạt lúa, sợi rơm vàng và những mênh mang câu hò, câu hát, được tạo tác bởi hồn cốt chất phác mà thẳm sâu giá trị tình đời, tình người.

Nghe quảng bá về… rơm, có người bật cười. Rơm có gì lạ, nhưng mà khi có hẳn một vở múa là Rơm sẽ được biểu diễn trên đồng lúa Hội An thì tôi lại ngỡ ngàng, ngạc nhiên.

Đó là vở múa dài 60 phút, có sự góp mặt của các biên đạo và nghệ sĩ kỳ cựu thuộc Arabesque cùng các diễn viên múa trẻ, được dàn dựng bởi nghệ sĩ Tấn Lộc.

Lời giới thiệu vở múa nghe sao mà da diết, đủ sức khơi gợi ký ức trong ta, rằng “ụ rơm mộc mạc bên nhà là "chứng nhân" của bao thế hệ từ lúc bé thơ, trưởng thành đến khi tóc bạc.

Khi bao thế hệ rời đi rồi trở về, ụ rơm vẫn luôn ở đấy, lúc vơi lúc đầy, như cái cuống rốn neo giữ và gắn kết những tình cảm bình dị thân thương của gia đình Việt”. Thật bình dị mà cũng đẫm chất minh triết về rơm rạ mùa màng đi qua đời người!

Có lẽ với thế hệ đầu 7X như tôi, rơm đã rải vàng đầy kỷ niệm. Hầu hết những chuyện nhà nông với rơm đều đã được trải, cả sự nóng và cái xót đến ngứa ngáy cùng mình.

Mỗi mùa gặt xong là phơi rơm, chất rơm. Cây rơm nhà nào to cao là nhà ấy có nhiều lúa, là yên tâm đến mùa đông, người và gia súc không đói lạnh. Những chiều chất rơm là việc hệ trọng của đàn ông khi người dưới bó xóc đưa lên để người đứng trên nóc đón, rồi rải, vần xoay, sao cho cây rơm tròn đều và chặt.

Sợ nhất là chất gần xong mà lơ nhịp vần, giậm không chặt, cả nóc cây rơm đổ xòa xuống, dở khóc dở cười. Cũng vì sợ thế nên mẹ thường “mê tín”, bữa ăn giữa buổi cho những người chất rơm không nấu cháo và cả thứ gì lỏng lẻo… dễ trụt.

Tuổi thơ cũng đẫm đầy những trò chơi quanh cây rơm, và cả khi hẹn hò tuổi dậy thì sợi rơm cứ xoay đi nóng bừng lòng tay, bện những thẹn thùng mắc cỡ và ước mơ xa vời.

Thực ra vở múa Rơm đã ra đời từ sớm, được Tấn Lộc dàn dựng và diễn một trích đoạn ngắn tại Liên hoan múa đương đại quốc tế ở TP.Hồ Chí Minh năm 2016, cái mới với Hội An là được đưa về biểu diễn trên đồng lúa quê mình. Nhưng nào chỉ múa, rơm đã hiện diện sớm hơn nhiều trong các loại hình nghệ thuật, là hội họa, thơ ca...

Những chất liệu đồng quê, văn hóa và văn học dân gian Việt, dường như chưa bao giờ cạn kiệt khi lòng ta muốn đi về chốn ấy bằng cách khơi gợi sáng tạo nghệ thuật.

Nào có riêng vở múa của Tấn Lộc mới thấy rơm hiện lên, nhiều người hẳn còn nhắc vở múa “Hạn hán và cơn mưa” của Thủy Ea Sola, đi khắp nhiều sàn diễn ở Âu Mỹ, chỉ vì đó là múa mà như không múa, là cảnh vừa thực với áo mưa, nón lá, sợi rơm, cấy lúa, làm cỏ… gắn bó với đời người Việt qua bao thế hệ, vừa siêu hình về triết lý nhân sinh.

Nhưng văn hóa lúa nước từ hình tượng ấy, vụt bay lên với sáng tạo nghệ thuật như “cánh cò trắng tóc ưu tư/cong cong bông lúa cúi như lưng người”. Và không chỉ một đời mà nhiều đời người, vũ điệu ký ức vẫn tiếp tục vần xoay thân phận “người nay còn nhớ kiếp xưa không/ rơm rạ rối ren những cánh đồng”.

Từ chuyện rơm rạ mùa màng, nghĩ rộng hơn ra các vở múa là biết bao chất chứa ước vọng cho một nền nghệ thuật kết hợp dòng chảy dân gian truyền thống và hiện đại.

Như trở lại với miền núi Quảng Nam thấy điệu tâng tung da dá của đồng bào Cơ Tu mang ý niệm hương đất dâng trời, hay điệu múa chiêng và đấu chiêng hấp dẫn của đồng bào Co, nhưng vẫn đợi có những nghệ sĩ sáng tạo, biên đạo tài năng để mắt đến, dựng các vở diễn làm bừng lên sắc màu nghệ thuật độc đáo có thể giới thiệu rộng rãi ra quốc tế.

Và ước mơ thế, để giữ mùi hương ký ức khó quên!

Nguyễn Điện Nam