Thay đổi cách tiếp thị du lịch
Thành công của các điểm đến du lịch không chỉ ở chất lượng, dịch vụ sản phẩm mà còn phụ thuộc vào công tác tiếp thị, quảng bá, nhất là trong tình hình cạnh tranh điểm đến gay gắt như hiện nay.
Mang “hàng” đi tìm đối tác
Giữa đầu tháng 8 này, lần đầu tiên Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên) tổ chức đoàn công tác ra Đà Nẵng gặp gỡ, làm việc với 10 doanh nghiệp du lịch đóng chân trên địa bàn thành phố để bàn cách hợp tác đưa khách về.
Ông Nguyễn Công Khiết – Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn cho biết, đây là lần đầu tiên Ban giám đốc trực tiếp liên hệ kết nối đối tác nhằm thông tin, giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ mới của Mỹ Sơn, nhất là các chương trình khuyến mãi, hậu mãi, khen thưởng…
Đồng thời lắng nghe những kiến nghị, góp ý về chất lượng dịch vụ, đề xuất, mong muốn của doanh nghiệp để Mỹ Sơn hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ trên tinh thần win – win, hai bên cùng thắng.
Quảng bá, giới thiệu điểm đến là hoạt động không thể thiếu trong xúc tiến du lịch. Ngành du lịch, một số doanh nghiệp, địa phương triển khai hoạt động xúc tiến thường xuyên trong và ngoài nước thông qua các hội chợ, sự kiện du lịch. Tuy nhiên, mang sản phẩm đến “gõ cửa chào hàng” từng doanh nghiệp lữ hành như cách Mỹ Sơn làm hầu như ít đơn vị nào thực hiện.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng – Giám đốc Công ty Du lịch Vitraco (Đà Nẵng) nhìn nhận, điều này không chỉ thể hiện sự cầu thị mà còn mang tới niềm tin cho doanh nghiệp trong quá trình kết nối, hợp tác lâu dài. Sau buổi làm việc, Vitraco đã cam kết xây dựng hẳn một chương trình khám phá Mỹ Sơn với tên gọi “Hành trình di sản”.
Theo đó, vào thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần công ty sẽ tổ chức đưa khách đến tham quan Mỹ Sơn và Bảo tàng Chăm - Sa Huỳnh (Duy Xuyên) như là cách ghi nhận sự hợp tác của doanh nghiệp với Mỹ Sơn.
Quảng Nam được đánh giá đa dạng tiềm năng du lịch từ cảnh quan, làng nghề, di tích, ẩm thực, nghệ thuật trình diễn dân gian… nhưng hầu như ít doanh nghiệp, du khách biết đến.
Trong hội thảo liên kết phát triển du lịch Hội An – Điện Bàn – Duy Xuyên vừa diễn ra mới đây tại khu du lịch sinh thái nhà vườn Triêm Tây (Điện Bàn), ông Nguyễn Ngọc Bích – chuyên gia du lịch thuộc dự án Phát triển du lịch bền vững của Thụy Sĩ taị Việt Nam (STUSD) đã dí dỏm: “Tôi cảm giác Quảng Nam đang giấu tôi điều gì vì Triêm Tây quá đẹp nhưng đây là lần đầu tiên tôi biết, mặc dù đã đến Quảng Nam rất nhiều lần”.
Đa dạng tiếp thị điểm đến
Ông Bích cho rằng, nguyên nhân khiến du lịch một số địa phương Quảng Nam chưa thể “cất cánh” chính là hạn chế trong công tác quảng bá xúc tiến và cách làm mang tính đột phá. Do đó, phải tăng cường giới thiệu, tiếp thị điểm đến, bởi sản phẩm dù hay, tốt bao nhiêu, nếu không quảng bá, tiếp thị đúng cách, khách hàng, doanh nghiệp cũng sẽ khó biết và cảm nhận.
Vài năm gần đây, ngày càng có nhiều điểm tham quan du lịch mới xuất hiện ở Quảng Nam, dù vậy hầu như ít du khách và doanh nghiệp lữ hành biết tới, kể cả những điểm có giá trị nổi bật và thuận tiện giao thông.
Các nghiên cứu cho thấy, khoảng 65% du khách biết thông tin điểm đến thông qua các hình thức tiếp thị online, công nghệ số và truyền miệng.
Riêng với các doanh nghiệp lữ hành, việc đưa khách tới một điểm du lịch, nhất là các điểm mới, ngoài chất lượng sản phẩm dịch vụ hấp dẫn, đặc trưng còn phụ thuộc vào một số yếu tố liên quan như chính sách hỗ trợ về giá, hạ tầng giao thông, khả năng kết nối, môi trường du lịch…
Trên cơ sở này, doanh nghiệp sẽ tính toán lựa chọn xây dựng chương trình tour tuyến hợp lý theo hướng hiệu quả, nhất là trong tình hình cạnh tranh của nhiều điểm đến du lịch trong và ngoài tỉnh như hiện nay. Vì thế, việc gặp gỡ trực tiếp doanh nghiệp của các chủ thể điểm đến sẽ giúp giải quyết những vấn đề phát sinh dễ dàng, thuận lợi.
Ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, tiếp thị hay còn gọi marketing du lịch có nhiều cách, hình thức tổ chức khác nhau.
Tuy nhiên, lâu nay địa phương, chủ thể điểm đến phần lớn thực hiện theo cách truyền thống là tham dự các hội chợ quảng bá, xúc tiến du lịch, nơi người mua và người bán gặp nhau.
Gần đây, công tác xúc tiến được mở rộng kết hợp online dựa trên các nền tảng số và mạng xã hội. Việc gặp gỡ trực tiếp, chia sẻ thông tin về điểm đến như Mỹ Sơn đã làm được xem là khá hay và hiệu quả khi chỉ chọn một số doanh nghiệp tiềm năng có khả năng kết nối cao thay vì đại trà như những cuộc gặp gỡ thông thường.
Điều này, giúp hai bên có thể trao đổi thẳng thắn các vấn đề liên quan như chủ trương, chính sách, cơ chế hợp tác, hỗ trợ… trên tinh thần thoải mái, thân thiện, tin cậy lẫn nhau.
“Sở rất ủng hộ các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến chủ động đổi mới quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch bằng nhiều cách, nhưng xét về mặt tổng thể cần phải liên kết nhiều địa phương và điểm đến khác để việc quảng bá mang tính tổng thể hơn, lột tả được giá trị sản phẩm những điểm đến đó, đặc biệt giúp những điểm đến “ít nổi hơn” chia sẻ nguồn lực trong việc quảng bá tiếp thị điểm đến hiệu quả” – ông Sơn nói.