Sông suối cạn, đổ xô đi đào đãi vàng sa khoáng
(QNO) - Nắng nóng sông suối ở thủ phủ vàng Phước Sơn cạn nước nên người dân tranh thủ mang theo dụng cụ đãi vàng sa khoáng, thu vài trăm nghìn đồng mỗi ngày.
Ngày cuối tháng 8, suối Đăk Mét, xã Phước Thành (Phước Sơn) cạn nước. Suối rộng hơn 50m nhưng dòng nước chảy khoảng 5m, đá xếp lớp hai bên. Những nơi có ghềnh thác được người dân bắt ống chằng chịt dẫn nước phục vụ đãi vàng.
Từ sớm bà Hồ Thị Thiên, một trong hàng chục người dân xã Phước Thành mang theo cơm rời nhà hơn 1km đến đoạn suối có bãi cát bồi rộng hơn 100m2 mưu sinh.
Dưới cái nắng hơn 38 độ C, bà treo tấm bạt rộng khoảng 5m2 tạo bóng râm. Bà kéo ống nước, đặt máng rồi làm việc. Máng đãi vàng được làm bằng gỗ dài 1,5m, rộng 0,5m. Trên máng, bà để lớp vải nhung giữ vàng.
Bà Thiên có chồng và ba người con, thu nhập nhờ vào nương rẫy, cuộc sống khó khăn. Gần một tháng qua, mùa khô nước suối cạn nên ra đãi vàng, công việc bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 18 giờ. Trên suối cát đá và vàng sa khoáng được nước lũ trôi về trộn lẫn, bà dùng cuốc bới ra. Đá to được loại bỏ, sỏi cát cho vào rổ đưa lên máng.
Nước chảy vào khiến cát, sỏi, vàng cám nằm lại tấm vải, đá ở trong rổ. Làm từ sáng đến trưa, bà gỡ tấm vải cho vào mâm làm bằng sắt hình tròn, giống chiếc nón. Cát vàng bỏ vào mâm nhấn chìm xuống nước, dùng tay xoay tròn, lắc liên tục. Vàng nặng hơn sẽ nằm lại dưới đáy mâm, đất cát văng ra ngoài.
Những hạt vàng cám nhỏ li ti óng ánh trộn lẫn với kim loại khác cho vào bát đựng. Đến trưa bà nghỉ ngơi ăn cơm gần một giờ và công việc được lắp lại đến chiều tối. "Trung bình mỗi ngày đãi được 0,3 phân vàng, bán 150 nghìn đồng. Công việc vất vả nhưng không làm thì lấy tiền đâu nuôi con cái", người phụ nữ dân tộc Giẻ Triêng, gần 50 tuổi nói.
Cách chỗ bà Thiên 100m về hạ nguồn, gần 10 người chia thành ba nhóm đang đãi vàng. Khu vực này do những trận lũ mang vàng cám từ thượng nguồn chảy xuống nằm lại. Vợ chồng anh Hồ Văn Em và người con gái đào bới nhiều ngày trước tạo ra hộc nước sâu 0,5m. Chồng dùng xẻng xúc cát, còn vợ con phụ trách máng đãi.
Anh Em phải ngâm mình trong nước nước đục ngầu do nước thải của nhà máy, "vàng tặc" đổ về để lấy cát sỏi. Mỗi khi gặp đá to người đàn dùng sức bưng đi. Từ sáng đến chiều, hai vợ chồng được nửa bát đựng vàng sa khoáng trộn lẫn tạp chất. Để tách lấy vàng nguyên chất, sau khi đưa về nhà họ cho vào thủy ngân.
Theo anh Em công việc đãi vàng khá vất vả vì thường phải ngâm mình dưới nước hàng chục giờ, luôn phải khom lưng nên đau mỏi toàn thân. Người làm công việc này đòi hỏi phải có sức khỏe tốt.
Mỗi ngày một người đãi vàng sa khoáng có thể kiếm được 100 đến 200 nghìn đồng, ngày ít được khoảng 50 nghìn đồng. "Giá vàng tăng cao, hôm nay hai vợ may mắn được 1 phân vàng bán 500 nghìn đồng để trang trải gia đình. Công việc vất vả nhưng không đi đãi vàng thì không biết làm gì có tiền", người đàn ông 34 tuổi nói, cho hay chân tay ngâm trong nguồn nước ô nhiễm nên bị ngứa, bong da, lở loét.
Đôi vợ chồng trẻ không có nương rẫy. Rừng bị cơ quan chức năng cấm nên không thể chặt phá, đốt cháy để làm nương rẫy. Nơi đây không có nhà máy, xí nghiệp để xin việc nên đành ra suối đãi vàng, những ngày mưa gió mới nghỉ việc.
Tại huyện Phước Sơn, không chỉ ở xã Phước Thành mà sông, suối ở Phước Kim, Phước Lộc, Phước Công, Phước Chánh, Phước Hiệp... mùa khô cạn nước người dân đổ ra sông đãi vàng. Họ là những người không có công ăn việc làm ổn định, gia cảnh nghèo khó.
[VIDEO] - Người dân đãi vàng sa khoáng:
Ông Nguyễn Đức Toàn - Trưởng phòng TN-MT huyện Phước Sơn thừa nhận mùa nắng nóng người dân ra sông, suối đãi vàng sa khoáng ở nhiều nơi. Đây là việc làm trái phép, lực lượng chức năng thường xuyên truy đuổi, tuyên truyền. Tuy nhiên, do cuộc sống khó khăn nên người dân lén lút đãi vàng. "Lực lượng chức năng rút đi người dân đến làm tiếp", ông nói.