Đồng bào Co ở Tam Trà có “của ăn, của để”
(QNO) - Từ nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, cộng với sự nỗ lực của chính mình, đời sống đồng bào Co thiểu số ở xã Tam Trà (Núi Thành) đã có nhiều khởi sắc, kinh tế khấm khá.
Năm 2005, gia đình anh Nguyễn Ngọc Thanh ở thôn Phú Tứ (Tam Trà) trồng 70.000 cây keo trên diện tích 10ha vùng đất đồi núi. Sau 4 năm là đến kỳ thu hoạch; và từ năm 2009 đến nay, trong năm thu hoạch keo gia đình anh khai thác 2 đợt, thu lãi hơn 120 triệu đồng. Ngoài ra, anh Thanh còn nuôi 30 con heo đen giống bản địa, hàng trăm con gà và làm thêm nghề thợ mộc.
Xưởng mộc của anh được trang bị đầy đủ phương tiện hiện đại và nhận đóng đủ các loại giường, bàn, ghế, tủ… phục vụ nhu cầu của người dân. Anh Thanh chia sẻ: "Được sự hỗ trợ của Nhà nước, tôi mạnh dạn mở rộng sản xuất, chăn nuôi, đến nay, nhà tôi đã được xây dựng khang trang, có “của ăn, của để”.
Tại vùng cao Tam Trà, nhiều hộ đồng bào Co khác như ông Trần Văn Trấn (thôn Phú Thọ), bà Nguyễn Thị Hồng (thôn Phú Tân)... phát triển kinh tế vườn đồi, trồng keo, chăn nuôi bò, heo, gà... đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng nấm, trồng tiêu, hỗ trợ giống gia cầm, giống lúa, giống cây ăn quả trong phương án phát triển sản xuất. Ba năm (2022-2024), huyện hỗ trợ 5 mô hình vườn trái cây cho 6 hộ, hỗ trợ mô hình nuôi gà đông tảo cho 3 hộ, mô hình nuôi bò xoay vòng cho 7 hộ đồng bào Co...
Xã Tam Trà hiện có 325 hộ đồng bào Co với 1.227 nhân khẩu sinh sống tại 3 thôn Phú Thọ, Phú Tân, Phú Tứ.
Thực hiện Nghị quyết số 12/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam; Kết luận số 16/2021 của Huyện ủy Núi Thành về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND huyện Núi Thành triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đối với sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bào Co xã Tam Trà.
Núi Thành còn thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn nhà, vườn rừng, chỉnh trang cải tạo vườn tạp, hỗ trợ giống cá nước ngọt cho 57 hộ đồng bào Co. Tiến hành giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân quản lý, để đồng bào yên tâm lao động, sản xuất.
Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cũng đã thực hiện phương án thử nghiệm di thực sâm Ngọc Linh trồng tại núi Chúa (xã Tam Trà), bước đầu đánh giá cây sâm đảm bảo sinh trưởng và phát triển, tạo sinh kế cho đồng bào.
Ông Nguyễn Văn Đảng - Bí thư Đảng ủy xã Tam Trà cho biết: Những năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã Tam Trà đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, bê tông hóa kênh mương, kiên cố hóa đường bê tông giao thông, nhà văn hóa thôn được xây dựng theo kiểu nhà cổ truyền của đồng bào Co.
Cùng với đó, xã Tam Trà khôi phục và phát huy hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Co như thành lập Đội cồng chiêng, tổ chức tết ngã rạ, may và cấp phát trang phục đồng bào Co… Điều đáng mừng là kinh tế vùng đồng bào dân tộc Co khá lên rõ rệt, bà con có “của ăn, của để”, không còn vất vả như ngày xưa.
Theo thống kê, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của đồng bào Co ở xã miền núi Tam Trà đạt 42,8 triệu đồng/người/năm. Đến đầu năm 2024, hộ nghèo đồng bào Co ở Tam Trà chỉ còn 22 hộ, chiếm tỷ lệ 7,21% tổng số hộ; 100% người dân được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế.
Theo Bí thư Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Tri Ấn, tuy còn một số khó khăn, hạn chế, nhưng qua thực tế, đời sống, kinh tế - xã hội, tư tưởng đồng bào Co ở Tam Trà ổn định; đồng bào yên tâm, tin tưởng, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là đời sống kinh tế bà con khá lên rõ rệt tạo tinh thần phấn khởi, góp phần củng cố khối đại đoàn kết, cùng tham gia xây dựng bản làng của đồng bào dân tộc Co ngày càng phát triển bền vững.