Xã hội

Hội tụ tinh hoa làng nghề Quảng Nam

QUỐC TUẤN 26/08/2024 08:30

Chỉ vài ngày nữa Festival Nghề truyền thống - Quảng Nam 2024 sẽ diễn ra tại TP.Tam Kỳ với nhiều điểm nhấn đáng chờ đợi.

img_0936.jpeg
Tạo hình cho gốm (làng gốm Thanh Hà, TP.Hội An). Ảnh: Q.T

Không gian của sáng tạo và tài hoa

Sau lần đầu tiên diễn ra thành công tại TP.Hội An 2 năm trước (tên gọi sự kiện lúc đó là Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022), Festival Nghề truyền thống - Quảng Nam 2024 sẽ được tổ chức tại TP.Tam Kỳ từ ngày 28-31/8 với nhiều sự kiện đáng chờ đợi.

Trong đó, đáng chú ý tại festival lần này sẽ có chương trình trình diễn, tái hiện nghề để chuyển tải nét đẹp lao động, giá trị di sản quý giá qua hàng trăm năm lắng đọng vào quê xứ.

Bên cạnh đó, con đường nghệ thuật “không gian truyền thống xứ Quảng” được tái hiện với nguyên liệu chính bằng tre, lá cũng hứa hẹn tạo ra xúc cảm cho công chúng đồng thời chuyển tải thông điệp phát triển xanh, thân thiện với môi trường của nghề truyền thống nói riêng cũng như hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nói chung trên địa bàn tỉnh.

img_3690.jpeg
Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022 diễn ra tại TP.Hội An. Ảnh: Q.T

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đây là chuỗi sự kiện điểm nhấn của các sự kiện trọng điểm của tỉnh; là lễ hội có ý nghĩa lớn về văn hóa, kinh tế - xã hội của tỉnh. Festival Nghề truyền thống - Quảng Nam 2024 cũng là dịp tôn vinh nét đẹp và trình diễn nghề thủ công truyền thống, nơi hội tụ của những bàn tay nghệ thuật tài hoa, nghiên cứu phương thức đổi mới sáng tạo đương đại… được tổ chức trong không gian cảnh quan, văn hóa - nghệ thuật đặc trưng thể hiện văn hóa tỉnh Quảng Nam qua việc tái hiện các nghề, làng nghề bên dòng sông mẹ Thu Bồn.

Ban tổ chức festival kỳ vọng, lễ hội là cuộc hội tụ để các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tham gia giữ gìn, phát huy giá trị nghề truyền thống.

Cùng với chuỗi sự kiện, chương trình văn hóa - nghệ thuật đặc sắc, không khí lễ hội sôi động, đa sắc màu… sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ - du lịch, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn; tiếp tục khẳng định thương hiệu Quảng Nam một điểm đến thú vị.

Động lực phát triển nghề truyền thống

Làng nghề, nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh có lịch sử hình thành, phát triển từ lâu đời gắn liền với sự hình thành của vùng đất Quảng Nam hơn 550 năm.

img_3713.jpeg
Dệt thổ cẩm của đồng bào vùng cao tham dự Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022. Ảnh: Q.T

Đây là khu vực sản xuất có vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân lao động nông thôn, đặc biệt là lao động ở độ tuổi trung niên, lớn tuổi, lao động nữ…

Đồng thời góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, đặc sắc của mỗi miền quê, hồn quê, tạo cơ hội giao lưu văn hóa thông qua du lịch.

Theo Sở NN&PT-NT, xuyên suốt thời gian qua Quảng Nam đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị của nghề truyền thống; trong đó nổi bật là phát triển làng nghề gắn với sản phẩm OCOP và phát triển du lịch làng nghề.

Do đó, Festival Nghề truyền thống cũng là một cơ hội để Quảng Nam lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa các giá trị tinh hoa của nghề truyền thống gắn với đặc trưng vùng đất đến với cộng đồng, du khách, đối tác khách hàng.

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PT-NT cho biết, ngành nông nghiệp Quảng Nam đã phân loại thực trạng các làng nghề thành 3 nhóm để có chiến lược tiếp cận hợp lý, hiệu quả.

Đối với những nghề, làng nghề đang bị mai một và có khả năng mất đi thì xác định bảo tồn là chính; tiến hành điều tra, xây dựng dự án để duy trì các hộ hoặc nhóm hộ nghề, nghệ nhân hoạt động “trình diễn” nhằm lưu giữ, truyền nghề và phục vụ nhu cầu du lịch, văn hóa.

img_0685.jpeg
Điêu khắc mộc ở làng mộc Đông Khương (Điện Phương, Điện Bàn). Ảnh: Q.T

Đối với những nghề, làng nghề có khó khăn thì hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ có tay nghề cao và cơ sở trong làng nghề duy trì ổn định sản xuất các sản phẩm độc đáo phục vụ sinh hoạt, các lễ hội của cộng đồng, từng bước phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

“Còn với các làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả và làng nghề mới sẽ tập trung phát triển các làng nghề sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế, hàm lượng văn hóa cao, có tiềm năng xuất khẩu lớn.

Hỗ trợ thúc đẩy du nhập, gây dựng, phát triển làng nghề mới; phổ biến, nhân rộng nghề truyền thống ra các làng nghề mới; đẩy mạnh hỗ trợ sáng tạo phát triển sản phẩm, hình thành các cơ sở sản xuất mới tại địa phương. Xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề…” - ông Tích nói.

Đến nay, Quảng Nam có tổng cộng 10 nghề truyền thống, 30 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Trong số các làng nghề được công nhận, có 11 làng nghề thuộc nhóm ngành chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; 4 làng nghề thuộc nhóm ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 15 làng nghề thuộc nhóm ngành sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ.

QUỐC TUẤN