Quảng Nam không để tái diễn khủng hoảng rác thải
Nhấn mạnh những nguy cơ về quản lý, bảo vệ môi trường, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu phải đẩy nhanh các giải pháp cấp bách, phòng tránh tái diễn khủng hoảng rác thải.
Nhiều nỗi lo về rác thải, nước thải
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc thông tin, có đến 12/14 cụm công nghiệp do Nhà nước quản lý trên địa bàn huyện Đại Lộc chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Nguồn kinh phí đầu tư quá lớn, hiện trạng các cụm công nghiệp có quy mô nhỏ, nằm phân tán dọc trục quốc lộ 14B, Đại Lộc rất khó đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo hiệu quả.
Theo Quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn, Đại Lộc không được kêu gọi, thu hút dự án đầu tư mới, mở rộng dự án trong các cụm công nghiệp chưa hoàn thiện hạ tầng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tiêu chí môi trường cũng sẽ quyết định đến mục tiêu về đích huyện nông thôn mới vào năm 2025 của huyện Đại Lộc.
“Trong các Cụm công nghiệp của huyện Đại Lộc, thời gian trước đây có thu hút một số dự án đầu tư lĩnh vực ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường (các nhà máy chế biến nguyên liệu phục vụ chăn nuôi), mặc dù các ngành chức năng của huyện thường xuyên kiểm tra, doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý môi trường nhưng vẫn chưa xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, Đại Lộc chưa có điều kiện và khả năng để di dời, bố trí đến vị trí mới cho phù hợp. Một số dự án đã thu hút từ lâu như nhà máy Prime Đại Lộc, nhà máy gạch Tuynel Đại Hiệp nhưng gặp vướng mắc trong quá trình xem xét cấp lại giấy phép môi trường, do không đảm bảo hành lang khoảng cách an toàn từ ranh giới cụm công nghiệp đến khu dân cư nhưng huyện Đại Lộc chưa có điều kiện xử lý để đảm bảo” - ông Quang cho biết.
Câu chuyện phân loại rác thải tại nguồn vẫn còn bỏ lửng ở nhiều đô thị. Theo ông Nguyễn Duy Ân - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, ý thức của một bộ phận cư dân đô thị trong xử lý rác thải, nước thải, chất thải vào môi trường mà không tổ chức thu gom vẫn xảy ra. Điều kiện hạ tầng, kỹ thuật hạn chế nên Tam Kỳ vẫn chưa triển khai tốt công tác phân loại rác thải tại nguồn; tỷ lệ phát sinh rác thải nhựa trên địa bàn khá cao.
Phải xác định lại quyết tâm chính trị cao, giải pháp phải mạnh mẽ, phù hợp hơn từ chính quyền các cấp, đặc biệt là UBND tỉnh. Cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, tập trung xử lý các vấn đề bức xúc hiện nay như đưa cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, nước sạch cho dân, nước thải đô thị, nước thải khu - cụm công nghiệp, làng nghề, bệnh viện. Đồng thời khẩn trương tính toán cho các khu xử lý rác thải tập trung, có phương án xử lý rác thải phát sinh trong trường hợp các cơ sở xử lý rác thải tạm dừng.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết
“Trên địa bàn thành phố không có quỹ đất phù hợp để đầu tư bãi xử lý rác thải. Rác thải được đưa về xử lý tại bãi rác Tam Xuân 2, nên khi bãi rác này gặp sự cố, thành phố bị động trong việc vận chuyển, xử lý rác thải phát sinh.
Ngoài ra, nước thải sau xử lý của Khu công nghiệp Tam Thăng 1, 2 đang được xả vào sông Đầm, gây áp lực, tiềm ẩn các nguy cơ sự cố môi trường làm tổn thương đến hệ sinh thái. Việc đấu nối trực tiếp nước thải sinh hoạt từ khu dân cư vào các hồ điều hòa cũng gây ra ô nhiễm.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư gây khó khăn cho công tác quản lý, dễ phát sinh khiếu kiện, phản ánh về vệ sinh môi trường, trong khi thành phố chưa có khu sản xuất tập trung để di dời các cơ sở này” - ông Ân đề cập
Sẽ tăng cường quản lý
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng , các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường, các nguồn thải lớn (khu - cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ lớn, cơ sở tiềm ẩn nguy cơ) tiếp tục được kiểm soát, không xảy ra sự cố môi trường lớn, không làm phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tuy nhiên, theo đánh giá, công tác đầu tư hạ tầng thu gom xử lý nước thải ở khu - cụm công nghiệp, làng nghề, hạ tầng cấp nước sạch đô thị, khu vực nông thôn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Tỷ lệ nước thải được thu gom, xử lý tại các khu vực đô thị còn thấp.
“Nhìn chung, hạn chế hiện nay là chưa có phương án xử lý dứt điểm đối với một số cơ sở, nhà máy đang hoạt động trong khu dân cư không đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường. Trên địa bàn còn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động của các nhà máy, cơ sở sản xuất; tại các cơ sở giết mổ tập trung” - ông Trần Nam Hưng nói.
Ông Trần Nam Hưng cho biết, các địa phương gồm Tiên Phước, Phú Ninh, Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn, Hiệp Đức và thị xã Điện Bàn có lượng rác thải phát sinh cao, đang được xử lý tại khu xử lý chung của tỉnh.
Các địa phương chưa tích cực, chủ động trong công tác xử lý rác thải phát sinh trên địa bàn, ứng phó khi có sự cố xảy ra tại các khu xử lý rác tập trung của tỉnh. Các địa phương này cũng chưa thực hiện thỏa thuận, chia sẻ trách nhiệm, chi phí với địa phương khác có khu xử lý rác thải cho địa phương mình.
Trong tình hình khó khăn của các dự án xử lý rác thải tại 2 khu xử lý cấp tỉnh và dự án đầu tư tại các địa phương Hội An, Bắc Trà My, việc thiếu trách nhiệm của một số địa phương nêu trên gia tăng nguy cơ cao xảy ra sự cố rác thải - sự cố môi trường, mất an ninh trật tự và nguy cơ tạo điểm nóng trên địa bàn tỉnh.
Lưu ý nhiều vấn đề cần quan tâm trong quản lý, bảo vệ môi trường, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nói, ô nhiễm ở khu - cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất trong khu dân cư và thực trạng nước thải đô thị phải được đặc biệt chú trọng.
Phân loại rác thải tại nguồn chưa đồng bộ, mới dừng lại ở làm cho biết, cho quen, cho có ý thức chứ chưa có hiệu quả. Trong khi đó, Quảng Nam đã từng xuất hiện nguy cơ về an ninh rác thải. Nguy cơ vẫn hiển hiện và còn có khả năng nặng nề hơn, trong khi sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp chưa có chuyển biến mạnh.