Văn hóa - Văn nghệ

“Hội ngộ” nhạc sĩ tài hoa xứ Quảng

TÂY BÌNH 27/08/2024 10:15

(QNO) - “Nhạc sĩ Quảng Nam” là liveshow âm nhạc đầu tiên “hội ngộ” 6 nhạc sĩ xứ Quảng nổi tiếng gắn liền với các tác phẩm vượt thời gian…

Sáu nhạc sĩ trong chương trình “Nhạc sĩ Quảng Nam” gồm: Lê Trọng Nguyễn, Trầm Tử Thiêng, Phan Huỳnh Điểu, Đynh Trầm Ca, Vũ Đức Sao Biển, Trần Quảng Nam. Chương trình dự kiến diễn ra tối 29/8 tại Quảng trường 24/3 (TP.Tam Kỳ), trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống - Quảng Nam năm 2024.

tqs.jpg
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn thực hiện chương trình "Nhạc sĩ Quảng Nam".

Không gian âm nhạc đặc biệt

Liveshow âm nhạc “Nhạc sĩ Quảng Nam” lần đầu tiên tổ chức nhằm tri ân nhạc sĩ Quảng Nam có những đóng góp cho nền âm nhạc Việt. Theo đó, chương trình giới thiệu các ca khúc gắn liền với tên tuổi 6 nhạc sĩ xứ Quảng. Đó là, Lê Trọng Nguyễn với “Nắng chiều” - một hiện tượng giai đoạn sau năm 1952 và đã được nhiều quốc gia dịch ra ngôn ngữ của họ để hát như: Nhật, Anh, Trung Hoa, Pháp…; Trầm Tử Thiêng với “Mười năm yêu em”, “Mộng sầu”, “Trộm

nhìn nhau”, “Tưởng Niệm”. Phan Huỳnh Điểu là một nhạc sĩ lớn của âm nhạc Việt Nam, các sáng tác mang giai điệu ngọt ngào với những luyến láy mang âm hưởng dân ca Việt. Chương trình đã chọn các ca khúc trở thành “thương hiệu” Phan Huỳnh Điểu để chuyển tài đến khán giả gồm: “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Thư tình cuối mùa thu”, “Thuyền và biển”, “Ở hai đầu nỗi nhớ”.

Nhạc sĩ Đynh Trầm Ca với “Ru con tình cũ”; Vũ Đức Sao Biển với “Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang” và Trần Quảng Nam với “Mười năm tình cũ”.

Nhạc sĩ Trần Quế Sơn - Giám đốc âm nhạc, đạo diễn liveshow âm nhạc “Nhạc sĩ Quảng Nam” chia sẻ, chương trình là dịp “hội ngộ” của các nhạc sĩ tài hoa xứ Quảng trong một không gian đặc biệt - không gian làng nghề truyền thống Quảng Nam. Sân khấu được dàn dựng với hệ thống mái nhà tranh và câu chuyện dòng sông gắn với hệ thống làng nghề trăm năm, càng bật lên “chất Quảng” trong từng lời ca, giai điệu. Đặc biệt, dẫn chương trình là nhà nghiên cứu nghệ thuật Lý Đợi và Thanh Tình sẽ có phần dẫn chuyện bằng giọng Quảng.

“Một chương trình rặt Quảng từ nhạc sĩ đến người dẫn chuyện, không gian trình diễn và cả khán giả… được xâu chuỗi, kết nối một cách tự nhiên. Hy vọng “Nhạc sĩ Quảng Nam” để lại dấu ấn đẹp trong lòng người nghe và tương lai sẽ có thêm nhiều chương trình được dàn dựng, góp phần giới thiệu thêm những tên tuổi tài hoa khác” - nhạc sĩ Trần Quế Sơn chia sẻ.

Dàn dựng công phu

Quá trình dựng bối cảnh chương trình cũng được chú trọng, tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ. Bà Dasein Diễm - Chỉ đạo nghệ thuật Festival Nghề truyền thống Quảng Nam - năm 2024 luôn nhắc cộng sự bố trí từ chiếc võng, đôi quang gánh, dải thổ cẩm, chum vại, thi công mô hình dòng sông với chiếc thuyền, lưới chài…

“Làm sao để bật được yếu tố Quảng trong từng chi tiết được đội ngũ chúng tôi luôn quan tâm thực hiện. Còn gì tuyệt vời hơn khi được thưởng thức giai điệu của nhạc sĩ Quảng Nam trong một không gian làng nghề truyền thống của xứ sở” - bà Diễm nói.

âm nhạc
Poster giới thiệu chương trình "Nhạc sĩ Quảng Nam".

Hát ca khúc vượt thời gian của nhạc sĩ Quảng Nam, theo nhạc sĩ Trần Quế Sơn, tiêu chí trước tiên không nhất thiết phải là ca sĩ nổi tiếng, mà chọn ca sĩ đúng chất liệu ca khúc, thể hiện được nét riêng mỗi tác phẩm. Như nhạc của Lê Trọng Nguyễn mang tính thính phòng giao hưởng, nên cần có chất giọng phù hợp với “Nắng chiều”. Với Phan Huỳnh Điểu, ca sĩ phải đẩy được yếu tố luyến láy mang âm hưởng dân ca. “Nhạc sĩ Quảng Nam” được thể hiện bởi các giọng ca: Khắc Huy, Anna, Hồ Quang, Hoài Nga, Thanh Trâm, An Lành, Cẩm Hiền, Phương Phương, Anh Dũng, Hồ Đạo.

“Ví như với ca khúc “Mười năm yêu em” của Trầm Tử Thiêng phù hợp chất giọng mạnh, dày và cảm xúc của Khắc Huy. Hay như ca sĩ Thanh Trâm, Anh Dũng có chất giọng rất hợp với nhạc Phan Huỳnh Điểu, Vũ Đức Sao Biển… Đặc biệt, tất cả ca sĩ, ban nhạc không hát “nhép” và phải biểu diễn trực tiếp trong một sân khấu thực cảnh đầy chất thơ” - nhạc sĩ Trần Quế Sơn nói thêm.

Nhà nghiên cứu Lý Đợi cho biết thêm, vì nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật hiện đại Quảng Nam giai đoạn 1945 - 1954, nhận thấy có sự giao thoa về các đóng góp của văn nghệ sĩ xứ Quảng vào việc mở ra thời kỳ mới, trong đó có âm nhạc nên tham gia chương trình “Nhạc sĩ Quảng Nam”. Trong đó, nhấn nhá các khía cạnh đóng góp vào lịch sử âm nhạc của nhạc sĩ xứ Quảng.

“Đây chỉ là kỳ đầu tiên của chương trình này, các kỳ tiếp theo sẽ đi vào nhiều khía cạnh khác của âm nhạc xứ Quảng, vốn thú vị và đa dạng hơn ta tưởng rất nhiều” - nhà nghiên cứu Lý Đợi nói.

TÂY BÌNH