Giáo dục - Việc làm

Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam - Thái Viết Tường: Tập trung xây dựng trường chuẩn và nâng cao chất lượng giáo dục

XUÂN PHÚ 29/08/2024 09:24

Trước thềm năm học mới, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ về các nhiệm vụ, giải pháp của ngành trong việc đầu tư xây dựng trường chuẩn, nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng đội ngũ trong năm học 2024 - 2025.

dsc_8464.jpg
Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường trao quyết định tuyển dụng giáo viên THPT trúng tuyển qua đợt thi tuyển viên chức hồi đầu năm 2024. Ảnh: X.P

Đầu tư cơ sở vật chất

Về công tác chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025, ông Thái Viết Tường cho biết, thời gian qua, để chuẩn bị bước vào năm học mới, các địa phương, trường học đã tích cực đầu tư sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, sắp xếp đội ngũ, tổ chức tuyển sinh đầu cấp. Đối với bậc THPT, UBND tỉnh đã phê duyệt đầu tư gần 55 tỷ đồng sửa chữa 41 trường THPT năm 2024.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã phân bổ 20 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học cho các trường THPT. Toàn ngành cũng đã tổ chức bồi dưỡng chính trị, chuyên môn hè cho đội ngũ cán bộ, giáo viên (GV) theo quy định. Có thể nói, đến nay cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ GV đã sẵn sàng, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học cho năm học mới.

Tuy nhiên, một số trường THPT xây mới chậm tiến độ, ảnh hưởng đến việc dạy học như Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Quế Sơn) không thể kịp hoàn thành cho năm học mới; THPT Quế Sơn có thể đưa vào sử dụng khối phòng học, còn các phòng bộ môn và cơ sở chức năng khác chưa xong. Riêng Trường THPT Võ Chí Công (Tây Giang) vẫn đang chờ để có giải pháp đầu tư xây dựng an toàn.

* Thưa ông, công tác xây dựng trường chuẩn thời gian qua chững lại, thậm chí nhiều trường bị rớt chuẩn khiến tỷ lệ trường chuẩn sụt giảm. Vậy ngành có kế hoạch, giải pháp đột phá nào trong thời gian tới để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy?

* Ông Thái Viết Tường: Đầu năm học 2023 - 2024, theo số liệu, tỷ lệ trường được công nhận đạt chuẩn của tỉnh là gần 79%, nhưng qua kiểm tra, rà soát lại chỉ đạt 56%, số còn lại là rớt chuẩn. Sau hội nghị toàn ngành về trường chuẩn, các địa phương, đơn vị đã tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt nên đến thời điểm hiện nay tỷ lệ trường đạt chuẩn tăng lên 59%.

Có mấy nguyên nhân như cơ sở vật chất xuống cấp không đáp ứng nên rớt chuẩn hay trường hết hạn 5 năm nhưng chậm đề nghị kiểm tra, đánh giá lại. Sở đang chỉ đạo cho các trường học đẩy nhanh việc rà soát, đề xuất kiểm tra đánh giá để công nhận đạt chuẩn, song để đạt được các chỉ tiêu Nghị quyết 11 trong thời gian tới chắc chắn là không. Tuy nhiên, chúng tôi chấp nhận và không chạy theo thành tích mà phải thực chất, chất lượng.

dsc_8428.jpg
Ngành GD-ĐT Quảng Nam đang nghiên cứu, tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng điểm thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: X.P

Nâng chất lượng dạy và học

* Chất lượng giáo dục mũi nhọn Quảng Nam tiếp tục có sự đột phá với thành tích cao ở các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế nhưng chất lượng đại trà chưa có sự phát triển tương xứng và còn thấp so với mặt bằng chung cả nước. Vậy giải pháp trọng tâm của ngành trong năm học tới là gì để nâng cao chất lượng giáo dục?

* Ông Thái Viết Tường: Chất lượng giáo dục là trăn trở của toàn ngành trong thời gian qua và làm thế nào để nâng cao chất lượng là vấn đề được quan tâm. Hiện nay, chất lượng giữa đồng bằng và miền núi của tỉnh có sự chênh lệch rất cao, kể cả chất lượng mũi nhọn Quảng Nam ở tốp đầu cả nước còn chất lượng đại trà (điểm bình quân thi tốt nghiệp THPT) lại ở tốp cuối.

Sở đã tổ chức đánh giá, phân tích chỉ số từng môn thi tốt nghiệp THPT và đề nghị các trường học, GV tìm giải pháp nâng cao chất lượng. Thời gian tới, sở tiếp tục thành lập các đoàn tăng cường hỗ trợ chuyên môn cho các trường miền núi để cải thiện chất lượng giảng dạy; đồng thời xây dựng kế hoạch, chương trình giảng dạy, phát động thi đua dạy tốt học tốt trong nhà trường.

Đặc biệt năm học 2024 - 2025 thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới (2 môn bắt buộc Toán, Văn và 2 môn tự chọn), nhà trường cần chủ động phương án cho học sinh lựa chọn môn thi phù hợp.

Trên cơ sở đó có kế hoạch tập trung giảng dạy, chuẩn bị tâm thế cho các em bước vào kỳ thi đạt kết quả tốt. Năm học này cũng bắt đầu chuẩn bị cho việc thi kết hợp xét trong tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026, hy vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

* Một trong những bài toán nan giải đối với ngành hiện nay là thiếu đội ngũ GV, theo thống kê toàn tỉnh thiếu khoảng 2.000 GV. Để khắc phục tình trạng này, xin ông cho biết giải pháp trước mắt và lâu dài của ngành là gì, nhất là cơ chế chính sách nào để thu hút GV cho miền núi?

* Ông Thái Viết Tường: Chuẩn bị cho năm học mới, ngành chỉ đạo các phòng GD-ĐT, trường học rà soát, sắp xếp đội ngũ. Đối với bậc THPT, đã tuyển bổ sung 232 người, trong đó 191 GV và 41 nhân viên, nhiều nhất từ trước đến nay.

UBND tỉnh đã phân cấp về cho các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyển dụng GV mầm non, tiểu học, THCS và thời gian qua, một số địa phương thực hiện tổ chức thi tuyển. Thế nhưng thực tế số người đăng ký, nhất là các môn cần như cấp tiểu học, môn Tin học, Tiếng Anh không nhiều.

dsc_0210.jpg
Đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc được ngành quan tâm đẩy mạnh nhưng không chạy theo thành tích. Ảnh: X.P

Theo thống kê, cả tỉnh thiếu 2.000 GV so với chỉ tiêu giao do tuyển không hết chỉ tiêu. Sở chỉ đạo các địa phương tiếp tục tổ chức thi tuyển để bổ sung đội ngũ còn thiếu và hiện có một số huyện như Duy Xuyên, Núi Thành đang chuẩn bị tổ chức thi.

Nếu vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thì thực hiện điều động, điều hòa GV, phân công GV dạy thêm giờ hoặc dạy liên trường để đảm bảo yêu cầu cho năm học mới; trường hợp vẫn chưa đủ thì hợp đồng GV để giảng dạy.

Để giải quyết bài toán thiếu GV, Sở GD-ĐT cũng đã đề xuất cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ đối với GV công tác miền núi và được Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng thống nhất, giao Sở Nội vụ xây dựng đề án.

Cạnh đó, việc thiếu GV các bộ môn như Tin học, Tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc hoặc một số môn mà học sinh lựa chọn học nhiều như Lịch sử, Địa lý, sở đề nghị UBND tỉnh đặt hàng đào tạo GV theo Nghị định 116. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là đặt hàng đào tạo nhưng tuyển dụng cũng phải qua thi tuyển, nếu không trúng tuyển thì giải quyết ra sao là bài toán nan giải.

* Xin cám ơn ông!

XUÂN PHÚ