Y tế

Chủ động ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ

LÊ QUÂN 29/08/2024 14:55

(QNO) - Chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn, không để bệnh đậu mùa khỉ lây lan, bùng phát trên địa bàn tỉnh là yêu cầu đặt ra.

anh-dau-mua-khi(1).jpg
Hình ảnh tổn thương do mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: ST

Tình trạng khẩn cấp

Hiện tại, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với bệnh đậu mùa khỉ (mpox). Trong năm 2024, đặc biệt trong 2 tháng gần đây, WHO ghi nhận sự tăng cao bất thường số trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, nước này đã ghi nhận khoảng 15.600 trường hợp mắc, trong đó có trên 537 trường hợp tử vong. Vi rút mpox nhánh Ib (Clade Ib) đang là nhánh trội trong đợt dịch tại nước này, bước đầu ghi nhận một số đặc điểm dịch tễ của bệnh khác biệt so với trước đây.

Cụ thể, các trường hợp mắc trẻ hơn (khoảng 50% ở độ tuổi dưới 15 tuổi, khoảng 39% trẻ dưới 5 tuổi), có sự lây truyền qua nhóm mại dâm nữ (7,5%) và có sự lây nhiễm trong các thành viên trong hộ gia đình.

Tại Việt Nam, trong 2 năm (2023 - 2024) ghi nhận 199 ca đậu mùa khỉ, trong đó có 8 ca tử vong. TP.Hồ Chí Minh được ghi nhận có số ca mắc cao nhất tại khu vực phía Nam, với 156 ca, 6 ca tử vong. Riêng năm 2024, TP.Hồ Chí Minh có 49 ca, không có ca tử vong.

z5751360431024_26f73e9a8701d64ae7e16cc53a38d01d.jpg
UBND tỉnh yêu cầu ngành y tế sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng, chống dịch. Ảnh: X.H

WHO khẳng định, bất kỳ ai cũng có nguy cơ nhiễm vi rút cũng như mắc bệnh đậu mùa khỉ. Trẻ em, phụ nữ đang mang thai, những người bị suy giảm hệ miễn dịch là nhóm đối tượng có nguy cơ đặc biệt cao. WHO cũng thông báo những ai tiếp xúc gần với người bệnh hoặc nguồn lây nhiễm cũng có thể có khả năng mắc bệnh.

Tăng cường giám sát

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành văn bản yêu cầu ngành y tế và các ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ và hướng dẫn của Bộ Y tế về giám sát, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa lây nhiễm.

Đại diện Sở Y tế cho biết, đơn vị này đã yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường giám sát và phát hiện bệnh, đồng thời lồng ghép lồng ghép giám sát, dự phòng với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tại cơ sở khám chữa bệnh, lưu tâm đến các trường hợp chữa bệnh phụ khoa, da liễu cũng như quản lý các cơ sở y tế công lập và tư nhân cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS.

Sở này cũng cho biết, thời gian tới sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, điều trị, phòng, chống lây nhiễm bệnh mpox. Đặc biệt, ở các địa phương có cửa khẩu, sẽ tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát và phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu.

WHO đưa ra các triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh, bao gồm: Có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (thủy đậu, herpes, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai...). Có một hoặc nhiều triệu chứng sau: Đau đầu, sốt (>38,5°C), nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể, mệt mỏi.

images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2023-9-26-148494-_11.jpg
Khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh từ ngành y tế. Ảnh: HCDC

Cạnh đó, nếu người nghi ngờ xác định có các yếu tố dịch tễ như có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ, hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh cũng có khả năng mắc bệnh.

Vắc xin ngừa đậu mùa được nghiên cứu có nhiều khả năng bảo vệ trước bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, người trẻ tuổi ít có khả năng đã được tiêm phòng bệnh đậu mùa vì tiêm chủng đậu mùa đã chấm dứt trên toàn thế giới sau khi bệnh này đã được thanh toán vào năm 1980. Cạnh đó, ngành y tế khuyến cáo người đã được tiêm phòng đậu mùa vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ bản thân và người khác.

LÊ QUÂN