Kinh tế

Quảng Nam khó giải ngân vốn hỗ trợ giảm nghèo

NHÃ PHƯƠNG 30/08/2024 08:30

Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở một số địa phương của tỉnh gặp khó khăn trong hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển mô hình giảm nghèo.

1.jpg
Những năm gần đây, người dân Hiệp Đức tập trung đầu tư phát triển mạnh mô hình nuôi bò lai thâm canh để nâng cao nguồn thu nhập, giảm nghèo bền vững. Ảnh: PV

Khó giải ngân

Ông Võ Văn Toan - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Duy Xuyên cho biết, toàn huyện còn 1.156 hộ nghèo và cận nghèo, trong đó có 49 hộ nghèo có khả năng tác động thoát nghèo.

Chủ trương của huyện là phấn đấu đến hết năm 2024 không còn hộ nghèo có khả năng tác động thoát nghèo. Tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững của huyện Duy Xuyên năm 2024 (bao gồm vốn năm 2022 - 2023 được phép kéo dài) là gần 17,4 tỷ đồng.

Tổng số vốn đã phân bổ hơn 2,1 tỷ đồng, đạt 12,2%; số vốn còn lại sẽ được UBND huyện phân bổ chi tiết khi đảm bảo điều kiện. Đáng chú ý, tính đến giữa tháng 7/2024, trong số gần 17,4 tỷ đồng thì Duy Xuyên chỉ giải ngân được 62 triệu đồng.

Theo lãnh đạo huyện Duy Xuyên, khó khăn nhất là vấn đề hỗ trợ sản xuất, phát triển mô hình giảm nghèo. “Thực tế cho thấy, một bộ phận người nghèo có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, không muốn thoát nghèo để được hưởng các chế độ; một số hộ còn ngại vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh để cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo” - ông Toan nói.

2.jpg
Thời gian qua, nhiều địa phương khó nhân rộng mô hình giảm nghèo, nhất là khu vực miền núi. Ảnh: PV

Trong khi đó, ông Mạc Như Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang thông tin, đối với nguồn vốn đầu tư, năm 2024 tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của địa phương hơn 86 tỷ đồng; đến ngày 23/7/2024 huyện giải ngân được hơn 23,7 tỷ đồng, đạt 27,58%.

Còn đối với nguồn vốn sự nghiệp, năm nay tổng kế hoạch vốn thực hiện chương trình giảm nghèo của Tây Giang hơn 38,1 tỷ đồng; đến gần cuối tháng 7/2024 mới chỉ giải ngân được hơn 2,9 tỷ đồng (7,65%).

Theo ông Phương, sở dĩ nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững chưa phân bổ hết và có tỷ lệ giải ngân đạt thấp là do qua khảo sát, đánh giá một số mô hình hỗ trợ sản xuất đã triển khai cho thấy chưa phát huy hiệu quả đầu tư nên cần khảo sát, đánh giá cụ thể mô hình thực hiện trước khi phân bổ nguồn vốn sự nghiệp.

Đáng chú ý, việc liên kết trong hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn do thiếu hợp tác xã đủ năng lực và các doanh nghiệp tham gia liên kết ít…

3.jpg
Cần tích cực vận động và hỗ trợ người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất để nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững. Ảnh: PV

Không đủ điều kiện

Vấn đề đáng quan tâm nữa là, tiến độ triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Đối với Duy Xuyên, nguyên nhân là mô hình giảm nghèo theo dự án 2 và dự án 3 phải có ít nhất là 10 hộ tham gia. Tuy nhiên, qua rà soát, thống kê và đánh giá số hộ có đủ điều kiện để tham gia dự án là rất ít (có địa phương không đủ số lượng 10 hộ) nên việc triển khai còn chậm và khó thực hiện được dự án.

“Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành và địa phương có lúc, có nơi chưa chặt chẽ và chưa đồng bộ trong triển khai thực hiện. Cán bộ theo dõi công tác giảm nghèo ở huyện, xã, thị trấn kiêm nhiệm nhiều việc, thường thay đổi nên có phần ảnh hưởng đến công tác tham mưu thực hiện chương trình giảm nghèo tại cơ sở” - ông Võ Văn Toan nhìn nhận.

Trong các cuộc làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng mới đây, lãnh đạo nhiều địa phương và các sở, ban ngành của tỉnh cho rằng, thời gian qua công tác hỗ trợ giảm nghèo gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, việc triển khai thực hiện dự án 2 về đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và tiểu dự án 1 của dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp có một số hạn chế.

Cụ thể, các dự án nêu trên thực hiện theo phương thức cộng đồng, hầu hết đối tượng tham gia dự án là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người khuyết tật chưa có sinh kế. Tuy nhiên, các đối tượng này đa số là người già cả, neo đơn, hết khả năng lao động nên không tham gia dự án.

Một số địa bàn hộ nghèo còn nhiều, đủ điều kiện tham gia dự án nhưng không đăng ký tham gia dự án do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân thu hồi một phần vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ và Quyết định số 01 (ngày 28/2/2023) của UBND tỉnh Quảng Nam; hoặc sợ tham gia dự án sẽ thoát nghèo, không còn được hưởng chính sách giảm nghèo của Nhà nước sau khi ra khỏi danh sách hộ nghèo…

NHÃ PHƯƠNG