Học Bác, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đến nay, công tác cán bộ của Quảng Nam tiếp tục được quan tâm thực hiện với nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp hiệu quả.
Đào tạo cán bộ trong thực tiễn
Thực hiện Nghị quyết số 03, ngày 3/11/2021 của Thị ủy về công tác điều động, luân chuyển gắn với bố trí sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2021 - 2025, đến nay Điện Bàn đã điều động, luân chuyển 37 lượt cán bộ. Trong đó, từ thị xã về cơ sở có 13 đồng chí và ngược lại có 3 đồng chí; từ xã này sang xã khác 8 đồng chí; từ phòng ban này sang phòng ban khác 13 đồng chí.
Theo ông Trần Hải Vân - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Điện Bàn, việc thực hiện Nghị quyết số 03 góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng công tác cán bộ; kịp thời tăng cường cán bộ chủ chốt ở một số địa phương và các cơ quan, đơn vị nhằm ổn định tổ chức, đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ, nhất là cán bộ trẻ có triển vọng, trong quy hoạch được rèn luyện, thử thách từ thực tiễn; khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ; chủ động chuẩn bị, bổ sung nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý kế cận.
“Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, công tác cán bộ thực hiện chặt chẽ, đảm bảo quy trình, quy định, dân chủ, khách quan hơn. Công tác đánh giá cán bộ có những chuyển biến tích cực, đổi mới, sát với thực tiễn, khách quan, toàn diện, tạo động lực động viên cán bộ phấn đấu cống hiến; phục vụ cho công tác điều động, bố trí, luân chuyển, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tiếp tục được chú trọng, phù hợp với tình hình thực tiễn và giúp cho việc sử dụng cán bộ của tỉnh đúng theo kế hoạch, đề án được ban hành…”.
(Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết)
“Việc điều động, luân chuyển và bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương bước đầu đạt kết quả. Đa số cán bộ được điều động, luân chuyển đều có bước trưởng thành, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn và có nhiều đổi mới trong phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành góp phần thúc đẩy toàn diện phong trào thi đua tại địa phương” - ông Vân nói.
Ở 3 nhiệm kỳ gần đây, Thăng Bình xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của huyện để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện.
Chia sẻ về cách làm của địa phương, ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho hay, Ban Thường vụ Huyện ủy chú trọng thực hiện việc luân chuyển cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng và qua đó cũng tập trung thay thế một số cán bộ địa phương, ngành mà năng lực còn hạn chế, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đây là giải pháp rất quan trọng để cán bộ chủ chốt các địa phương ý thức được trách nhiệm của mình với công việc, không đùn đẩy, né tránh và dám đối mặt với những khó khăn ở cơ sở.
“Chăm lo công việc gốc của Đảng, qua đánh giá, chất lượng quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy và các chức danh lãnh đạo Đảng, chính quyền nhiệm kỳ 2025 - 2030, nhiệm kỳ 2026 - 2031 cao hơn nhiệm kỳ trước.
Cụ thể, đối với quy hoạch cấp ủy huyện nhiệm kỳ 2025 - 2030, tỷ lệ cán bộ có trình độ cao cấp, cử nhân chính trị đạt 63% và 100% cán bộ có trình độ đại học và trên đại học; tỷ lệ cán bộ nữ đạt 34,1% và tỷ lệ cán bộ trẻ đạt 29,5%” - ông Vỹ cho biết.
Chuẩn bị nhân sự cho đại hội
“Muốn phát triển phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ” - với quan điểm này, ngay mỗi đầu nhiệm kỳ đại hội, Tỉnh ủy Quảng Nam đều có tổng kết đánh giá và ban hành nghị quyết mới về công tác cán bộ, với những giải pháp và nhiệm vụ đột phá, có tính chiến lược, gắn với yêu cầu thực tiễn.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 20, ngày 20/12/2021 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ và kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 21, ngày 10/2/2022 về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, toàn tỉnh tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện.
Đánh giá kết quả thực hiện, theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác cán bộ được thực hiện nền nếp, chặt chẽ. Việc phân cấp quản lý cán bộ ngày càng cụ thể.
Công tác đánh giá cán bộ có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp, thực chất hơn và đảm bảo công khai, minh bạch. Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý đảm bảo phương châm “động” và “mở”, có tính khả thi.
Đáng chú ý, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngày càng mở rộng phạm vi, đối tượng, tập trung đào tạo chuyên môn sâu và bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh ở trong và ngoài nước.
Đến nay, toàn tỉnh đã cử 576 đồng chí đi học cao cấp lý luận chính trị, 647 đồng chí học trung cấp lý luận chính trị và tổ chức bồi dưỡng ở trong và ngoài nước cho 310 lượt cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý…
Để chuẩn bị một bước nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, phân tích cơ cấu, đánh giá cán bộ; căn cứ số lượng, cơ cấu, vị trí, số cấp ủy viên tái cử để bổ sung quy hoạch ngay từ quý IV/2024.
Trong đó, lấy quy hoạch cấp ủy làm cơ sở để quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý; chú trọng quy hoạch chức danh người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số ở các cấp để tạo nguồn cán bộ và thực hiện chủ trương đổi mới cấp ủy.