Kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong mùa tựu trường
(QNO) - Học sinh các cấp đang chuẩn bị bước vào năm học mới. Đây cũng là thời điểm số ca mắc các bệnh truyền nhiễm ở nhiều địa phương tăng vọt. Ngăn chặn dịch bệnh bùng phát cũng như chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh được đặt ra.
Gia tăng các bệnh sởi, ho gà
Ngày 27/8, TP.Hồ Chí Minh công bố bùng phát dịch bệnh sởi với việc ghi nhận hơn 600 ca mắc sởi, trong đó 3 trẻ tử vong có bệnh nền đi kèm.
Cùng với đó, thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã ghi nhận sự gia tăng của các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc sởi tăng hơn 8 lần, số ca mắc ho gà tăng hơn 25 lần.
Ngoài sởi, tay chân miệng cũng là bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao trong trường học. Các chuyên gia y tế dự báo, khi bắt đầu vào năm học mới, nguy cơ số ca mắc bệnh tay chân miệng ở trẻ sẽ gia tăng nếu trường học, cơ sở giáo dục mầm non không thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường…
Tại Quảng Nam, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Quảng Nam), tính đến tháng 8/2024, toàn tỉnh ghi nhận 537 ca mắc sốt xuất huyết ở tất cả các địa phương, giảm 39,5 % so với cùng kỳ năm 2023. Đối với bệnh tay chân miệng, toàn tỉnh ghi nhận 202 ca mắc, tăng 2,24 lần so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên chưa ghi nhận ổ dịch. Quảng Nam cũng đã xuất hiện bệnh nhân mắc ho gà.
Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc CDC Quảng Nam cho biết, các bệnh truyền nhiễm thường rơi vào khoảng tháng 9 và tháng 10 hằng năm, sau thời gian nghỉ hè và thời điểm tựu trường của học sinh. Nguyên nhân do trẻ từ các gia đình, các môi trường sống khác nhau bắt đầu tập trung vào một không gian lớp học, cùng nhau sinh hoạt, ăn uống bán trú… dẫn đến việc dễ xuất hiện mầm bệnh. Với những trẻ chưa có miễn dịch và chưa tiêm phòng vắc xin đầy đủ thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Cạnh đó, thời tiết giao mùa cũng tạo điều kiện để dịch bệnh phát triển.
Chủ động phòng bệnh
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh mùa tựu trường năm học 2024-2025, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp, chỉ đạo Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở giáo dục đào tạo trên cả nước chuẩn bị các điều kiện tốt nhất bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên.
Ngay trước ngày tựu trường, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn yêu cầu các Sở Y tế và Sở GD&ĐT phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Theo đó, yêu cầu cần thiết phải theo dõi chặt chẽ sức khỏe trẻ em, học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý; hướng dẫn thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, phối hợp truyền thông, tuyên truyền vận động các gia đình, phụ huynh học sinh đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Trâm - Cơ sở tư thục mầm non Hoa Trâm (TP.Tam Kỳ) cho biết, vệ sinh phòng học sạch sẽ, thoáng mát, mắc màn cho trẻ khi ngủ cũng như thực hiện vệ sinh tay cho trẻ hằng ngày luôn được các cô giáo tuân thủ.
Đối với các bệnh truyền nhiễm, phòng ngừa bằng vắc xin luôn là giải pháp hữu hiệu nhất. Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, đặc biệt với những địa phương nằm trong chiến dịch tiêm hơn 1 triệu liều vắc xin sởi đợt này, trong đó có Quảng Nam.
Thông tin từ CDC Quảng Nam, từ đầu năm đến nay, Quảng Nam nhận được hơn 33 ngàn liều vắc xin ngừa sởi và hơn 28,5 ngàn liều vắc xin sởi - rubella. Đại diện CDC Quảng Nam khẳng định không thiếu vắc xin ngừa sởi để triển khai chiến dịch tiêm chủng lần này.