Thương mại - Dịch vụ

Tìm lối ra cho nghề truyền thống đất Quảng

QUỐC TUẤN 30/08/2024 13:03

Ngày 29/8, trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống - Quảng Nam 2024 diễn ra tọa đàm “Những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề truyền thống trong thời kỳ hội nhập”.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: S.V
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Q.T

Các ý kiến tại tọa đàm có chung nhìn nhận: Nghề truyền thống Quảng Nam đang đứng trước nhiều thách thức để tồn tại, phát triển trong bối cảnh mới, do đó rất cần được tiếp sức để giữ “lửa nghề”.

Đau đáu trao truyền nghề

Theo Sở NN&PTNT, trong số 30 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, có 16 làng nghề hoạt động duy trì ở mức độ ổn định, chủ yếu tập trung ở những làng nghề như mộc mỹ nghệ, chổi đót, làm hương, chế biến nước mắm, chế biến hải sản… Còn lại có 14 làng nghề hoạt động sản xuất cầm chừng, không duy trì thường xuyên, một số làng nghề khả năng mai một là rất lớn.

Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Thu (huyện Phú Ninh) chia sẻ, bản thân may mắn được cố nghệ nhân Đinh Thạch của làng mộc Văn Hà truyền nghề nhưng hiện nay ngày càng thưa dần những lao động trẻ tâm huyết theo nghề khiến làng mộc Văn Hà đứng trước nguy cơ lụi tàn.

20230619_161834.jpg
Trao truyền nghề cho lao động trẻ là vấn đề then chốt để giữ nghề truyền thống trước khi muốn phát triển làng nghề. Ảnh: Q.T

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, dù giải pháp gì đi nữa thì yếu tố con người phải đặt trên hết. Con người làm ra nghề và chỉ có con người mới duy trì, tiếp nối nghề truyền thống. Do đó, muốn giữ nghề trước hết phải hỗ trợ cho các nghệ nhân tâm huyết, đào tạo truyền nghề cho lớp sau.

Còn bà Phan Thị Á Kim - Phó Giám đốc Sở KH-CN nói: “Vốn tri thức bản địa trong nghệ nhân nếu không trao truyền cho thế hệ mai sau thì nhiều làng nghề chắc chắn sẽ suy thoái trong tương lai gần”.

Là một điểm sáng trong công tác bảo tồn, phát triển nghề truyền thống nhờ gắn kết với hoạt động du lịch, đội ngũ nhân lực thủ công mỹ nghệ tại Hội An hiện có 1 Nghệ nhân nhân dân, 2 Nghệ nhân ưu tú, 7 nghệ nhân cấp tỉnh và 13 thợ giỏi cấp tỉnh, cùng gần 1.000 lao động, thợ thủ công đang hoạt động tại các nghề, làng nghề truyền thống.

Ông Đinh Hùng - Trưởng phòng Kinh tế Hội An cho rằng, yếu tố con người đóng vai trò then chốt trong việc gìn giữ nghề, trong bối cảnh nhiều ngành nghề về dịch vụ - du lịch tại địa phương đang phát triển mạnh, đãi ngộ cao như hiện nay, công tác đào tạo nghề, truyền nghề đối với nghề truyền thống phải ưu tiên đặt lên hàng đầu.

Cần vào cuộc đồng bộ

Nhiều ý kiến tại tọa đàm cùng chung nhận định, muốn tạo ra sức sống mới cho làng nghề cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bên chứ một mình ngành nông nghiệp là không đủ. Trong đó đáng chú ý cần sự đồng hành, tiếp sức của Sở Công Thương, Sở KH-CN…

lồng đèn
Tiếp cận du lịch để phát triển du lịch làng nghề, xuất khẩu tại chỗ là hướng đi để làng nghề phát triển bền vững. Ảnh: Q.T

Ông Nguyễn Út - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn với nguyên tắc cơ bản là gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, phát huy thế mạnh từng vùng và bảo vệ môi trường.

Tổ chức lại sản xuất ngành nghề theo hướng hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ vùng nguyên liệu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Phát triển, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia theo chuỗi giá trị để cung cấp các dịch vụ cho cơ sở sản xuất, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm.

Sở KH-CN cho biết, thời gian qua sở đã hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 26 làng nghề, các làng nghề còn lại cũng cần sớm có giải pháp tính toán tiếp cận vấn đề này chứ không thể để bỏ ngỏ.

Bà Phan Thị Á Kim - Phó Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, nhiều nghề truyền thống hiện rất chật vật trong việc xoay xở nguồn nguyên liệu, vùng nguyên liệu để sản xuất nên cần đánh giá mức độ đáp ứng nguyên liệu, từ đó đề ra cơ chế chính sách phù hợp. Đồng thời cần nghiên cứu đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường làng nghề để tăng tính cạnh tranh.

Ông Võ Nguyên Tùng - Trưởng ban Làng nghề nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương, Thăng Bình) nói: “Chỉ khi giọt nước mắm bán ra thì làng nghề mới tồn tại, nhưng muốn làng nghề Cửa Khe phát triển thì phải gắn với du lịch” đồng thời đề xuất cơ quan chức năng giúp làng hoàn thiện, xuất bản câu chuyện làng nghề Cửa Khe để kết hợp câu chuyện du lịch làng nghề.

Bên cạnh đó, vị trí làng Cửa Khe khá thuận lợi khi gần các khu du lịch lớn nhưng chưa thuận tiện vì từ đường lớn Võ Chí Công vào làng nghề khoảng cây số nhưng lối vào lại rất vòng vèo, khó khăn, cần xem xét hỗ trợ.

Ông Phạm Viết Tích cho biết, các ý kiến giá trị tại tọa đàm cung cấp thêm góc nhìn, cơ sở để tiếp sức căn cơ cho nghề truyền thống. Sở sẽ tiếp thu, tổng hợp để kiến nghị cơ quan thẩm quyền sớm cập nhật, điều chỉnh các nội dung của Nghị quyết số 38 về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025 trong thời gian tới.

Tổng doanh thu năm 2022 của các làng nghề ước đạt hơn 150 tỷ đồng. Lao động tham gia sản xuất lĩnh vực nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh chủ yếu là người lớn tuổi, trung niên, lao động nông nhàn, lao động thời vụ và lao động nữ. Độ tuổi phần lớn đều hơn 45 tuổi. Sản xuất tại các làng nghề theo hướng thủ công là chính, chiếm hơn 65%, với quy mô nhỏ lẻ, hạ tầng chưa được đầu tư hoàn thiện.

QUỐC TUẤN