Quảng Nam tìm giải pháp phát triển bền vững nghề chăn nuôi heo
Trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang hoành hành trên địa bàn tỉnh, việc chăn nuôi heo theo hướng bền vững để gia tăng giá trị đặt ra cấp thiết.
Dịch bệnh trên diện rộng
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện Quảng Nam có 15 xã của 7 huyện vẫn còn bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày, gồm Hiệp Đức, Bắc Trà My, Đại Lộc, Quế Sơn, Nam Giang, Núi Thành, Phú Ninh.
Tổng số hộ đang có dịch bệnh trên đàn heo là 46, với tổng số heo bị nhiễm bệnh chết phải tiêu hủy là 331 con, gồm 68 heo nái, 3 heo đực giống, 190 heo thịt, 70 heo con.
Tính lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng số heo bị nhiễm bệnh chết phải tiêu hủy là 1.371 con, gồm 509 heo nái, 29 heo đực giống, 687 heo thịt, 146 heo con.
Tổng trọng lượng đã tiêu hủy heo bị bệnh dịch tả lợn châu Phi là 76,876 tấn, ở 46 xã/10 huyện, gồm Hiệp Đức, Bắc Trà My, Đại Lộc, Quế Sơn, Nam Giang, Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình, Tiên Phước, Đông Giang.
Bà Hoàng Thị Kim Yến - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho biết, nguyên nhân của bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn liên tục xảy ra từ đầu năm đến nay là chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún.
Các hộ chăn nuôi phần lớn chưa đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn, chưa tuân thủ khai báo thú y theo quy định. Đặc biệt, khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy đến thì các hộ tự xử lý dẫn đến dịch lây lan nhanh.
Ngoài ra, nhiều địa phương của tỉnh vẫn chưa có cơ sở giết mổ heo tập trung mà phân tán giết mổ nhỏ lẻ nên nguy cơ lây lan mầm bệnh cao. Tình trạng vận chuyển heo và thịt heo từ tỉnh khác qua Quảng Nam chưa được kiểm soát nghiêm ngặt.
“Đáng nói là không ít hộ chăn nuôi heo có tâm lý lo heo chết, thiệt hại về kinh tế nên không thông báo, tranh thủ bán với giá rẻ rất dễ khiến bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh. Trong khi đó, lực lượng thú y ở cơ sở thiếu và chủ yếu hoạt động kiêm nghiệm nên không thể kiểm soát hết tình hình, không thể dập dịch ngay tại cơ sở” - bà Yến nói.
Theo Bộ NN&PTNT, chăn nuôi heo đang là lĩnh vực chủ lực, chiếm hơn 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi trong nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khuyến cáo, để thích ứng trước biến động của bệnh dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi heo phải nâng cao chất lượng và quy mô chăn nuôi. Để tồn tại và tăng lợi nhuận, cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn sinh học và áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất.
Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh nói chung, bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng gây ra, mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường, nhất là xuất khẩu.
Để nuôi heo an toàn
Bàn về giải pháp phát triển bền vững nghề chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học là yêu cầu cấp thiết.
Việc này bao gồm đảm bảo an toàn từ vật tư đầu vào, thức ăn, giống, giết mổ, chế biến, bảo quản đến phân phối. Tín hiệu vui là ngành chăn nuôi heo Quảng Nam đang chuyển mình từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô lớn và chuyên nghiệp hơn.
Đơn cử, hộ ông Nguyễn Đình Hồng (thôn Nông Sơn 2, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn) đang nuôi 4 con heo nái và 40 con heo thịt. Nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn, trang trại không bị ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Trang trại của ông Hồng thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp bảo vệ, từ hệ thống thu gom chất thải đến khử trùng liên tục, nhất là hạn chế người lạ vào trang trại. Ông Hồng và người khác phải khử trùng 3 lần mỗi khi ở bên ngoài đi vào trang trại nuôi heo.
“Khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay, tôi sử dụng nguồn nguyên liệu tự canh tác như sắn, bắp, gạo, các loại rau để phối hợp khẩu phần cho heo ăn, qua đó giảm giá thành, tăng lợi nhuận kinh tế” - ông Hồng chia sẻ.
Bà Hoàng Thị Kim Yến cho biết, để giảm thiệt hại của bệnh dịch tả lợn châu Phi, đơn vị đang tiếp tục tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tình hình và tính chất nguy hiểm của bệnh dịch này. Người chăn nuôi heo cần biết rõ lợi ích của việc tiêm vắc xin để chủ động phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi cho heo nuôi.
“Cốt lõi là tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, mua con giống có nguồn gốc, kiểm dịch, thực hiện cách ly trước khi nhập đàn… Các cơ quan cần tăng cường kiểm soát vận chuyển heo nuôi, sản phẩm thịt heo thương phẩm trên địa bàn tỉnh” - bà Yến nói.
Ông Nguyễn Xuân Vũ nói, ngoài tuyên truyền người dân áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, ngành nông nghiệp tỉnh đang khẩn trương kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Quan trọng là các cơ quan, đơn vị tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh để có cơ sở nhận định tình hình, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh phát sinh lây lan diện rộng. Nhiệm vụ của ngành chức năng, các địa phương là đôn đốc tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ bảo đảm đạt tỷ lệ theo quy định.
Cấp đủ lượng hóa chất từ nguồn dự trữ của trung ương và tỉnh cho các địa phương tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại vùng dịch, các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt mầm bệnh.