Giáo dục - Việc làm

Rạng ngời 3 "đóa hoa văn"

QUỐC TUẤN 30/08/2024 16:13

Ba nữ sinh cùng có niềm đam mê văn chương gồm Nguyễn Thị Bích Na, Phan Thị Như Ý (Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) và Nguyễn Thị Thanh Hiền (Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông) còn có một điểm chung thú vị khác là cùng nhau “ẵm” giải Nhì môn Ngữ văn tại kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia năm học 2023 - 2024.

20240825_211017(1).jpg
Từ trái qua phải: Nguyễn Thị Bích Na - Phan Thị Như Ý - Nguyễn Thị Thanh Hiền. Ảnh: NVCC

Nguyễn Thị Bích Na: Làm mới cách tiếp cận của mình qua từng ngày

Mình bắt đầu tiếp xúc và theo đuổi môn Văn khi vào lớp 6. Khi đó, vì một số lý do cá nhân cùng với việc bản thân khá đam mê, hứng thú với sự bay bổng, tưởng tượng mà văn chương mang lại nên quyết định theo đuổi bộ môn này.

bich-na(1).jpg
Nguyễn Thị Bích Na. Ảnh: NVCC

Theo mình, để có thể đạt được thành tích tốt trong môn Văn, chúng ta phải luôn trong tâm thế đổi mới bản thân, đổi mới những quan niệm, đặt mình vào vị trí của vấn đề. Tìm kiếm, khám phá nhiều kiến thức khác nhau để có thông tin toàn diện, từ đó có thể làm mới bài viết của bản thân từng ngày là một giải pháp.

Trong quá trình tiếp thu kiến thức môn Văn, thử thách của bản thân là phải luôn vận động, tiếp cận nhiều vấn đề, kiến thức mới để có thể phù hợp với sự vận động của văn chương. Một thách thức nữa là kết nối lý thuyết với thực tiễn.

Đôi khi, việc áp dụng các lý thuyết văn học vào việc phân tích thực tế các tác phẩm, áp dụng trực tiếp vào bài làm khá khó khăn. Để làm phong phú thêm phân tích và lập luận, cần phải tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác nhau như bình luận văn học, nghiên cứu học thuật và các phân tích chuyên sâu.

Sở thích của mình là đọc và khám phá các thể loại văn học như tiểu thuyết, thơ, kịch, đồng thời cũng khá hứng thú với việc viết lách, chia sẻ những góc nhìn, suy tư của bản thân về đời sống xung quanh, đời sống văn học. Có lẽ sở thích này cũng đã giúp ích cho mình rất nhiều trong việc tiếp cận văn chương.

Phan Thị Như Ý: Học tập trung và học chủ động là “chìa khóa”

Xuất phát trước đây của mình là một học sinh của đội tuyển Toán. Mình đến với môn Văn khá tình cờ khi học và theo đội tuyển cùng bạn.

nhu-y(1).jpg
Phan Thị Như Ý. Ảnh: NVCC

Lúc ấy tình yêu và nhiệt huyết dành cho văn chương vẫn chưa nhiều, nhưng sau một thời gian tiếp xúc, nhận thấy môn học này tạo điều kiện cho bản thân thể hiện nhiều hơn cá tính của mình, nhất là niềm đam mê khi được viết. Việc có được một số thành tích tốt trong môn Ngữ văn đến từ phương châm học tập trung và học chủ động của mình.

Sự tập trung có lẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp mình tiếp nhận lượng lớn kiến thức khó. Việc học tập trung không để bị xao nhãng bởi các yếu tố bên ngoài khác giúp mình nắm chắc và nhớ lâu những nền tảng kiến thức quan trọng, từ đó việc mở rộng ra các vùng kiến thức cao hơn cũng sẽ dễ hiểu hơn.

Bên cạnh đó, mình luôn tìm tòi khai phá những khía cạnh mới trong văn chương đi từ kiến thức lý luận, dẫn chứng… để trau dồi thêm nhiều cách diễn đạt, lập luận chặt chẽ. Học chủ động còn góp phần tạo khả năng tư duy, cởi mở cho bản thân để tránh tình trạng trì hoãn, dồn bài khiến hiệu quả và chất lượng học tập đi xuống.

Vấn đề hóc búa trong quá trình mình tiếp thu kiến thức môn Ngữ văn phải kể đến là việc tiếp thu lượng kiến thức lý luận văn học hàn lâm và vô cùng rộng.

Việc hiểu được những kiến thức đó và vận dụng vào bài viết sao cho vừa có sự sâu sắc, chuẩn xác nhưng lại không khô cứng, rập khuôn đòi hỏi ở nhiều kỹ năng và quá trình rèn luyện lâu dài.

Sau bậc THPT, mình dự định sẽ theo học ngành Luật. Dù không gắn bó nhiều với văn học như trước nữa, nhưng mình vẫn duy trì thói quen đọc sách, tham gia các hoạt động về văn học, cũng như đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm để truyền thêm cảm hứng, niềm yêu thích văn chương đến các bạn khóa sau.

Nguyễn Thị Thanh Hiền: Luôn giữ động lực hoàn thiện bản thân

Chính vì tính chất mở và có lẽ hơi thiên một chút về cảm tính nên khi đến với môn Văn, mình được học trong một môi trường tôn trọng sự khác biệt trong những góc nhìn, cách đánh giá một hiện tượng xã hội hay một tác phẩm văn học. Cũng bởi thế mà mình được thỏa sức sáng tạo trong thế giới ngôn từ.

Nguyễn Thị Thanh Hiền. Ảnh: NVCC
Nguyễn Thị Thanh Hiền. Ảnh: NVCC

Chưa bao giờ mình nghĩ có thể tạo ra được một “cú đúp” khi 2 năm liên tiếp (lớp 10 và lớp 11) đạt giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn. Với mình, thành tích lần thứ nhất vừa là động lực thúc đẩy hoàn thiện bản thân, đồng thời cũng vừa tạo ra một áp lực vô hình trong hành trình của lần thứ hai này.

Đặc biệt, mình rất trân quý khi “không cô đơn” trên chặng đường ấy, bởi góp phần tạo nên được “quả ngọt” này còn có sự đồng hành của thầy cô giáo đã dạy dỗ và gợi nhiều cảm hứng trong quá trình tiếp thu kiến thức. Đó là những ngày tháng cô trò vui buồn cùng con chữ, có khi đến tận tối muộn.

Với mình, hành trình 2 năm liên tiếp đạt giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn là hành trang vô giá trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Nó tựa như “một giấc mơ” nhưng cũng minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của bản thân và những người đồng hành trong suốt thời gian vừa qua.

Hiện tại, mình đang trên hành trình tìm kiếm con đường tương lai rõ ràng về ngành nghề, trường học. Qua từng ngày, mình vẫn luôn trau dồi để có thể hoàn thiện bản thân. Và mình tin rằng, dù học ở bất kỳ lĩnh vực nào đi chăng nữa, Văn cũng sẽ là một phần không thể thiếu và những giá trị của văn chương mang lại sẽ luôn đồng hành và giúp ích cho mình rất nhiều trong tương lai.

QUỐC TUẤN