Thủy sản

Triển khai Luật Thủy sản: Tiến tới xóa sổ tàu cá “3 không”

NGUYỄN QUANG 31/08/2024 09:38

(QNO) - Quảng Nam đang khẩn trương triển khai Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực năm 2019 để cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản và xa hơn là phát triển nghề cá bền vững.

nd3.jpg
Tàu cá của ngư dân Quảng Nam cập bờ bán hải sản sau chuyến biển. Ảnh: Q.VIỆT

Khẩn trương vào cuộc

Thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, số tàu cá toàn tỉnh được cấp 1.043 giấy phép khai thác thủy sản theo quy định Luật Thủy sản, với 2.220 tàu cá (chiếm 47% số lượng tàu cá phải cấp phép). Trong đó, vùng khơi là 588 giấy phép/636 tàu cá (92,5%); vùng lộng là 187 giấy phép/631 tàu cá (29,6%); vùng bờ là 268 giấy phép/953 tàu cá (28,1%).

Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, nguyên nhân các tàu cá chưa được cấp phép là do tàu cá đã thực hiện mua bán nhưng không làm thủ tục sang tên đổi chủ; chủ tàu đã tự ý thay máy, cải hoán tàu nên không đủ điều kiện đăng kiểm; tàu cá đã bị hỏng nhưng chủ tàu không làm thủ tục xóa đăng ký theo đúng quy định.

Đáng nói, có nhiều tàu cá đậu ở bãi ngang đi khai thác không qua trạm kiểm soát biên phòng nên người dân lơ là các thủ tục đăng ký cho tàu cá. Đặc biệt, không ít tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên không lắp đặt giám sát hành trình, không được cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động trái quy định của Luật Thủy sản.

Báo động trong triển khai Luật Thủy sản là Quảng Nam còn quá nhiều tàu cá “3 không” (không đăng ký, không được cấp phép, không đăng kiểm). Tại hội nghị sơ kết công tác chống khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định) toàn tỉnh vào ngày 1/8, UBND tỉnh công bố Quảng Nam còn 1.169 tàu cá “3 không”. Đến ngày 30/8, ngành chức năng đã cấp thêm được 211 giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và giấy phép khai thác thủy sản cho 1.169 tàu cá.

nd2.jpg
Quảng Nam còn nhiều tàu cá "3 không". Ảnh: Q.VIỆT

Những ngày qua, các ngành chức năng, các địa phương khẩn trương vào cuộc gỡ khó cho tàu cá “3 không”. Bộ đội Biên phòng tỉnh huy động toàn lực kiểm tra nghiêm ngặt tại các trạm kiểm soát biên phòng, không cho các tàu cá không đảm bảo các quy định ra vào cửa và yêu cầu chủ phương tiện đến UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện tục đăng ký, cấp phép. Chi cục Thủy sản phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh đến trực tiếp các xã, phường có nghề cá để hướng dẫn, triển khai công tác đăng ký, cấp phép tàu cá “3 không”.

Cơ quan thuế tại các địa phương bỏ quy định về hóa đơn tài chính đối với máy chính, vỏ tàu tạo thuận lợi để chủ tàu thực hiện thủ tục lệ phí trước bạ. UBND các huyện, thị xã, thành phố có tàu cá “3 không” đã tập trung nguồn nhân lực thực hiện kiểm tra tàu cá, hướng dẫn các chủ tàu thực hiện đầy đủ các hồ sơ, thủ tục có liên quan để được đăng ký, cấp phép.

Không để phát sinh thêm tàu cá “3 không”

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh, trong tháng 9, đoàn công tác của Ủy ban châu Âu sẽ đến nước ta để kiểm tra các khuyến cáo về gỡ “thẻ vàng” thủy sản, Quảng Nam bước vào cao điểm quản lý, kiểm soát chặt đội tàu cá. Đồng chí Hồ Quang Bửu yêu cầu các sở, ngành, địa phương bố trí đủ nguồn lực, khẩn trương giải quyết tàu cá “3 không”.

Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy sản khẩn trương thực hiện đăng ký, cấp phép đối với tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên, cập nhật thông tin đăng ký, cấp phép tàu cá trên hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNfisbase. UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển nhanh chóng thực hiện đăng ký, cấp phép đối với tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m và báo kết quả về Sở NN&PTNT cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Vnfisbase.

“Tuyệt đối không để phát sinh thêm tàu cá “3 không” trên địa bàn. Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã phải chịu trách nhiệm nếu để tàu cá không đủ điều kiện đăng ký, cấp phép phát sinh mới trên địa bàn mình quản lý” - đồng chí Hồ Quang Bửu lưu ý.

nd.jpg
Quảng Nam tiến tới phát triển nghề cá bền vững. Ảnh: Q.VIỆT

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Quảng Nam từng bước xóa sổ tàu cá “3 không” để phát triển nghề cá bền vững. Để chuyển từ nghề cá nhân dân bấy lâu nay sang nghề cá có trách nhiệm, ngư dân bắt buộc phải thực hiện các bước để được đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá.

Theo ông Tích, Chi cục Thủy sản đã lập danh sách tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên chưa thực hiện đăng kiểm, hết hạn giấy phép khai thác thủy sản gửi các địa phương để thông báo đến từng chủ tàu, yêu cầu chủ tàu khẩn trương hoàn thành các thủ tục đăng kiểm, cấp giấp phép đúng theo quy định.

Ông Lê Đình Tường - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết, địa phương đang khẩn trương hoàn thành cấp đăng ký, giấy phép đối với tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m để báo kết quả về Sở NN&PTNT cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNfisbase. Theo ông Tường, đơn vị xác định rõ nguyên nhân tàu cá chưa thực hiện đăng ký, cấp phép; xác định vị trí neo đậu cụ thể của từng tàu, lên phương án quản lý, giám sát chặt và vận động chủ tàu thực hiện các thủ tục đăng ký, cấp phép. Hội An cũng đang lập danh sách các tàu cá đã giải bản, chìm, hư hỏng không thể hoạt động… gửi Chi cục Thủy sản để thực hiện xóa đăng ký tàu cá theo quy định.

Khó khăn trong giải quyết tàu cá “3 không” trên địa bàn tỉnh là do nhiều chủ tàu mua máy chính không có hóa đơn, không có giấy chứng nhận chất lượng máy, không có giấy chứng nhận kiểm định máy hoặc một số tàu cá có máy chính đẩy tàu không phải là máy thủy nên không được cơ quan đăng kiểm cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật. Do đó không đáp ứng đầy đủ thành phần hồ sơ đăng ký tàu cá, không được cấp giấy phép khai thác thủy sản và không được đăng kiểm tàu cá.

NGUYỄN QUANG