Theo bước chân người Quảng

Lưu luyến vùng đất HIỆP

NGUYỄN ĐIỆN NAM01/09/2024 07:22

(QNO) - Ông Phạm Đức Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) từng ví von Hiệp Đức là huyện được “hiệp” thành từ “3 khúc xương” của Thăng Bình, Quế Sơn, Phước Sơn. Nhưng từ những mảnh đất khó nghèo gộp lại ấy, lấy chữ HIỆP làm động lực, chữ ĐỨC làm cội rễ, “cơ thể” Hiệp Đức ngày càng nở nang, khang trang…

hd1(1).jpg
Cổng chào vào trung tâm thị trấn Tân Bình, Hiệp Đức.
Ký ức... gọi về

Năm 1997 - 1998 vừa tái lập tỉnh, tôi đã có dịp lên Hiệp Đức, chạy xe máy đường xa vời vợi, qua nhiều ổ gà, ổ voi. Nhưng trong lòng như có con thoi gõ nhịp để được gặp những mênh mang đầu nguồn, nơi mà người mẹ đất Quảng đã ru hời từ thuở xa xưa bên khung cửi, rằng “ngó lên hòn Kẽm Đá Dừng…”.

Hơn một tuần tôi lang thang nơi đó, qua nhiều bến sông, bến đò, từ Quế Thọ lên Tân An, rẽ xuống Hiệp Hòa, rồi quay lại Quế Bình, Quế Lưu, ngược lên tới Phước Gia, Phước Trà… Như người đi nhặt ký ức, tôi chắt chiu gom những huyền tích, chuyện kể về núi rừng, tên đất, tên sông. Sau này có dịp trở lại vào các dịp huyện tổ chức kỷ niệm sinh nhật năm tròn, lại ghi vào sổ tay những chiến tích một thời kháng chiến, từ ánh lửa Trà Nô, khởi nghĩa làng Ông Tía, rồi tiếp đến những Liệt Kiểm, Chư Gan, núi Ngang, Cao Lao, Trà Linh, Đồng Làng…

Đi qua bao mênh mang ký ức vùng đất, điều đọng lại trong tôi đầu tiên, là như mối tình đầu dù qua lâu còn nhớ. Đó là sự suy nghiệm về tên đất, tên làng. Trong hành trình mấy trăm năm kinh dinh mở đất mở nước, các bậc tiền nhân lớp trước phải lên thác xuống ghềnh, trải sơn lam chướng khí, TỤ HIỆP lại nơi đây mà dựng xây cơ đồ làng xã. Và như mong ước cháy bỏng ngàn đời của con người là được PHƯỚC, được THỌ, được THUẬN, được HÒA… nên nhiều danh xưng của làng xã đều gắn các mỹ tự ấy. Đặc biệt nơi đây, không chỉ có người Kinh từ miền Bắc hay dưới xuôi lên lập nghiệp, dựng làng, xây đình, mà đồng bào miền ngược trải bao biến thiên lịch sử vẫn cùng chung sống hòa thuận trong phước lành vùng đất tụ những ngõ nguồn.

hd2.jpg
Đua thuyền trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 4. Ảnh: V.A

Vậy nên trong khoảng 500 cây số vuông, với hơn 47 nghìn người sinh sống, Hiệp Đức còn có khoảng 4,5 nghìn đồng bào dân tộc Ca Dong, Bh'noong. Những dòng sông, từ Trà Nô, sông Khang, sông Tranh, sông Trầu… cũng hiệp lại để bắt đầu cho ngõ nguồn Thu Bồn trước khi mang phù sa về bù đắp cho châu thổ đồng bằng dưới xuôi. Theo sông, con đường trao đổi hàng hóa giữa miền xuôi và miền ngược, giao thương từ sớm đã hình thành Vạn Phước Sơn, rồi về sau có thêm các bến đò như Tân An, kết nối xuống chợ Việt An tụ họp bên giao lộ đường bộ, tạo nên một vùng sôi động. Thiên tạo cùng nhân tạo đã làm nên những chữ HIỆP cho cuộc sống như thế!

Hiệp lực những ngọn lửa

Đi qua Hiệp Đức còn nhiều dấu tích thời kháng chiến kiến quốc, gợi lên nỗi nhớ rưng rức kỷ niệm ở các bậc lão thành. Hẳn sẽ khó quên “Giếng Quốc Hội” đã được tạo nên bởi các đại biểu của dân được hiệp vần thành câu vè đối: “Hiến, Bôi, Tống, Nhĩ, Tri, Thanh, Viện/Thự Huệ Diêu Thao Kỷ Sạ Bằng”. Trong cuộc vận động tranh cử tham gia Quốc hội khóa đầu tiên năm 1946, 14 đại biểu ấy đã về Bình Lâm để cùng giúp sức dựng nên giếng nước trong mà mạch chảy vẫn thấm đầy cùng năm tháng đời người.

hd5.jpg
Ngày hội văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Hiệp Đức. Ảnh: V.A

Mà đời người ai cũng ước mong cuộc sống bình an, phước lành với thế núi hình sông đẹp đẽ nhưng khi giặc cướp kéo đến mảnh đất này, mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều khiến lòng người Hiệp Đức chín chiều ruột đau. Và ngọn lửa trong cuộc kháng chiến vệ quốc đã âm ỉ rồi bùng cháy vào ngày 13/3/1960 trên dòng Trà Nô, làm nên khởi nghĩa làng Ông Tía, với sự hợp lực của đội tự vệ 11 người cùng 30 gia đình.

Sau khi diệt tiểu đội địch, thu đạn được vũ khí, dân làng đã nổi lửa đốt nhà và vào rừng lập làng chiến đấu. Sử sách còn ghi dấu ngọn lửa ấy, với đánh giá đây là cuộc nổi dậy đầu tiên của quần chúng kết hợp với đấu tranh vũ trang ở miền núi Quảng Nam, đã giành thắng lợi và có ảnh hưởng to lớn khi nhen lên ngọn lửa kháng chiến ở các địa phương khác trong tỉnh. Đến giờ, người Ca Dong dưới chân núi Vin hẳn sẽ còn nhớ mãi những người con dũng mãnh của núi rừng như Hồ Văn Loan, Hồ Văn Xem,… cùng với di tích “ngọn lửa Trà Nô”, nhớ cây rựa ánh lên khí sắc người vùng cao Phước Trà.

Trải qua nhiều thời kỳ bom cày đạn xới, nhưng người Hiệp Đức đã hiệp sức bảo vệ từng tấc đất quê hương. Chiến trường ghi những chiến công Cao Lao, Liệt Kiểm, Chư Gan,… nhưng sâu thẳm hơn là những bà mẹ Hiệp Đức đã không tiếc bao nhiêu của cải và cả sinh mạng để đùm bọc những đứa con du kích, bộ đội.

70c28721378299dcc093.jpg
Khách tham quan Khu ủy Khu 5 (xã Sông Trà, Hiệp Đức). Ảnh: KL

Nhớ hồi kỷ niệm 50 năm giải phóng Hiệp Đức (30/4/1972 - 30/4/2022), diễn ra lễ đầy xúc động, nhắc lại câu chuyện nửa thế kỷ mà không khỏi tự hào rằng đây là một trong số ít khu vực được giải phóng đầu tiên ở miền Nam lúc bấy giờ. Sự kiện này đã làm thay đổi cục diện chiến trường khi đập tan cánh cửa phòng thủ của địch ở tây Quảng Nam, tạo điều kiện củng cố và mở rộng vùng giải phóng. Đặc biệt, từ đây Hiệp Đức trở thành căn cứ vững chắc cho cả chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà, khi căn cứ kháng chiến sau cùng của Khu ủy 5 được chuyển từ Nước Oa (Trà My) về Phước Trà (Hiệp Đức), đầu não chỉ huy suốt giai đoạn 1973 – 1975, cho đến giải phóng Tam Kỳ và Đà Nẵng.

Chỉ vài dòng tổng kết ngắn ngủi trong diễn văn lễ kỷ niệm đã kể rằng huyện có 421 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 1.578 liệt sĩ, 461 thương bệnh binh, hàng ngàn gia đình có công, và còn nhiều người con ở quê xứ khác nằm rải rác trên núi rừng Hiệp Đức… đã làm nhiều người rơi nước mắt, mà ngọn lửa nào không đốt cháy tâm can trong cuộc kháng chiến đầy anh dũng và bi tráng!

Chính nhờ lòng dân và núi rừng chở che nên mới có những chiến công, vì vậy Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí, người chỉ huy bộ đội Trung đoàn 38 năm xưa chiến đấu ở Hiệp Đức đã từng kể lại cảm nhận với nhà báo Võ Văn Trường (quê Quế Thọ), rằng: “Tôi may mắn cùng những người đồng chí của mình sát cánh với nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Quế Tiên (lúc đó) tham gia chiến đấu giải phóng Chi khu quận lỵ Hiệp Đức. Tuy thời gian không dài nhưng những tháng ngày gắn bó mảnh đất này làm sao quên được. Để được sống, chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ của người lính không thể không nhắc đến biết bao tấm lòng sâu nặng nghĩa tình của những mẹ, những chị, những người em… đã cưu mang chúng tôi, đã cơm đùm cơm gói, che chở, chỉ đường”.

2.png

Những thanh âm chiến trường đã lùi xa và mong ước là đừng bao giờ trở lại, để mảnh đất này được an vui như chợ Việt An, bình lặng như hồ Việt An, để sông Tranh, sông Khang, Thu Bồn, Bà Chầu, sông Trầu… nối những nhịp cầu cuộc sống mới.

hd4.jpg
Đồng bào Ca Dong ở Hiệp Đức vui hội. Ảnh: V.A

Đã reo vui những Trà Nhan, nơi cháy bùng ngọn lửa Trà Nô năm xưa, bước vào xây dựng nông thôn mới với những nét sáng hơn. Đặc biệt đồng bào Bhnong, Kinh và Ca Dong ở 3 xã vùng cao Sông Trà, Phước Trà và Phước Gia, giữ vững tình đoàn kết, hiệp lực vượt khó xây dựng vùng căn cứ cách mạng đổi thay, từ chỗ hơn phân nửa là hộ nghèo trong ngày mới thành lập huyện, nay giảm còn dưới 12%. Đời sống được nâng lên, người dân không còn du canh, du cư, các phong tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi.

Đến nay thu nhập bình quân đầu người/năm của huyện Hiệp Đức đạt hơn 44,8 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 6,43%. Từ thuần nông, nay Hiệp Đức đã có 7 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút 12 doanh nghiệp vào đầu tư, qua đó giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương và các huyện lân cận. Chuyển động của ngành chế biến nông lâm sản đã xây nên hàng chục sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao, đơn cử như nhà báo Minh Nga “bỏ phố về rừng” dựng lên thương hiệu gạo lứt cô gái Bhnong cùng nhiều sản phẩm trà, bánh, hạt dinh dưỡng… đưa ra thị trường gần xa.

Nhưng người Hiệp Đức muốn đi xa hơn nữa thì sẽ còn cần nhiều nguồn hiệp lực giúp sức. Tỉnh đã định hướng cho Hiệp Đức trở thành một trung tâm công nghiệp chế biến sâu về ngành gỗ. Mà đó là cần gỗ rừng trồng, nhưng không nên trồng keo ăn xổi làm nghèo sinh thái mà cần vươn đến trồng rừng gỗ lớn. Đâu khoảng 1998, thời anh Nguyễn Duy Phúc, nguyên Phó Chủ tịch huyện qua làm công ty cao su, đã đưa cây “vàng trắng” này về Hiệp Đức, làm đổi đời nhiều gia đình lao động nông dân. Nhà máy chế biến mủ cao su cũng đã được dựng trên vùng đất này. Tuy vậy trải qua những bấp bênh thị trường và thiên tai, cao su cũng không nên mở rộng quá sức tải mà chỉ cần củng cố bổ sung vùng nguyên liệu cho cây trụ vững đồng thời chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, làm gia tăng giá trị.

Những ước mơ thường hằng khác là hạ tầng giao thông được nối kết hoàn thiện, nối Hiệp Đức với đồng bằng ven biển, lên tận Đông Trường Sơn, lên Phước Sơn và Tây Nguyên. Cho những nhân duyên của phố thị gắn kết thôn quê, trở về nguồn cội vùng sinh thái nhiều tiềm năng khai mở. Nói riêng câu chuyện du lịch, nếu biết phát huy di tích Căn cứ khu ủy khu 5, cùng các khe suối như Diên Diên, Khe Mưa, Khe Cái, Gành Tiên, Nước Mắt và sông hồ sẽ tạo ra sức hút cho khách lãng du tìm đến. Du lịch cũng cần hiệp sức với văn hóa để đi xa, đi sâu vào những giá trị vật thể, phi vật thể. Bởi chỉ kể truyền tích về cây xoài 200 tuổi, Dinh Bà Trà Linh, mái đình Bình Huề, ngôi nhà tộc Lê gần một thế kỷ… đã là thú vị cho những ý tưởng mới, gọi mời khách phương xa.

Thay lời kết

Đi về Hiệp Đức nhiều lần trong tôi vẫn lưu luyến một chữ HIỆP. Hỏi các vị túc Nho thì có nhiều chữ với nhiều nghĩa, chữ nào cũng ngụ ý sinh tình về một miền quê đẹp, chẳng hạn là hào hiệp, nghĩa hiệp, hiệp sĩ, hiệp khách… Nói chữ đức cần hiệp là giữ lấy giá trị nhân văn của vùng đất, con người, là cái tình, cái nghĩa.

hd6.jpg
Hiệp Đức phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến gỗ. Ảnh:V.A

Nhưng cũng như bất cứ nơi nào, muốn cuộc sống tiến triển thì đều cần hiệp cả đức và tài. Mà tài thì trong huyền sử dân gian từng kể những người Hiệp Đức đầy nghĩa khí võ hiệp đả hổ như Trần Bình, một người bình thường mà thuần dưỡng được cả hổ cái như Bà Mụ… Còn sử sách vẫn lưu lại đấy những tên tuổi như Nguyễn Mậu Hoán, người làng Phú Cốc nay thuộc xã Quế Thọ, là một trong tứ vị phó bảng người Quảng Nam cùng một khoa thi triều Nguyễn, gồm Nguyễn Đình Hiến (1872 - 1947), Võ Vỹ (1866 - 1907), Nguyễn Mậu Hoán (1877 - 1910), Phan Châu Trinh (1872 - 1926). Đặc biệt ông từng là một trong số 17 đốc học Quảng Nam có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Hay sau này có Giáo sư - Kỹ sư hóa học Phạm Đình Ái, quê làng Tây An (Quế Thọ). Ông tốt nghiệp cử nhân khoa học lý hóa tại Paris 1931 loại giỏi và trở về nước dạy học tại Trường Đồng Khánh (Huế). Năm 1945, GS. Phạm Đình Ái được đề cử làm Hiệu trưởng Trường Quốc học kiêm Giám đốc Nha học chánh Trung bộ, đã cho tiến hành áp dụng một chương giáo dục với tiếng Việt làm chuyển ngữ tại các trường trung học ở Huế và sau đó cho cả miền Trung, đó là đóng góp to lớn của GS. Phạm Đình Ái cho nền giáo dục Việt Nam. Kỳ vọng từ truyền thống đất học ấy, Hiệp Đức sẽ tiếp nối đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trở lại góp phần xây dựng, phát triển quê hương.

Rồi thời gian vẫn trôi đi, chỉ luôn mong hội tụ và hiệp lực sao đó cho được thiên thời – địa lợi– nhân hòa, thì đất và người Hiệp Đức sẽ có đời sống ấm no, hạnh phúc. Đó là lời cầu chúc và niềm mơ ước trong tôi với mảnh đất mến yêu này!

Ký sự của NGUYỄN ĐIỆN NAM

Trình bày: MINH TẠO

NGUYỄN ĐIỆN NAM