Góc suy ngẫm

Để làng nghề là thực thể sống

NGUYỄN ĐIỆN NAM 01/09/2024 07:30

Tuần qua trải nhiều điều vui với những nghệ nhân làng nghề xứ Quảng, tề tựu trong ngày hội ở Quảng trường 24/3 Tam Kỳ. Lang thang cuộc đi với bao ưu tư cùng thăng trầm của làng nghề, vọng về một khát vọng khôn nguôi…

Ngồi đàm đạo với nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp, nhắc chuyện 40 năm trước ông đã từng làm căn nhà gỗ ba gian cho gia đình tôi mà không khỏi bùi ngùi.

Tay thợ mộc nổi tiếng khắp vùng sau nhiều năm vẫn còn bận lòng cùng cuộc phục sinh một cái nghề đã lưu hương ký ức trong tôi và bao người khác nữa.

May mắn là giữa ba đào sóng gió cuộc sống chừ ông Tiếp đã có con trai là Ân nối nghiệp, nhưng nghề mộc có tiếp tục phát triển hưng thịnh hay không, sẽ phụ thuộc nhiều thứ.

Như bây chừ, cụm làng nghề Đông Khương đó mong ước quần tụ nhiều nghề của Điện Phương, Điện Bàn, song vẫn miên man câu hỏi mai kia mốt nọ thực thể sống với nghề trong không gian sinh tồn ở thì tương lai thế nào.

Mà đâu thể chỉ viết ca dao trên gỗ như Trần Thu, bạn tôi, nghệ nhân mộc ở Âu Lạc mà cư bần lạc đạo, và tạo nên nghiệp lớn cho sự hồi sinh làng nghề xứ Quảng? Thu tìm kiếm sự nối tiếp ở con trai là Duy, với những gì mình kỳ vọng về cõi thênh thang của tri thức và văn hóa nghề trao truyền đến thế hệ mai sau.

Nhưng nếu chỉ sống bó hẹp với nghề mộc không thôi thì còn lâu mới dựng được cơ đồ lớn, nên mới có cuộc kiến tạo không gian du lịch trải nghiệm, khám phá văn hóa, và Âu Lạc mong đợi tạo nên điểm đến ấn tượng của xứ đất phù sa Gò Nổi.

Cũng như ông Tiếp, rồi Huỳnh Sướng của mộc Kim Bồng, những kỳ vọng như dòng sông không bao giờ ngơi nghỉ, song cuộc đi của tất cả họ phải đối diện với nhiều thử thách sống còn.

Dẫu có hoài niệm vàng son một thuở với hai phường thợ Kim Bồng và Văn Hà, để lại bao nhiêu ngôi nhà cổ đẹp đẽ ở xứ Quảng, bây chừ thành di sản, mà đại lộ thênh thang nào dễ mở ra cho nghề mộc hiện tại hay tương lai?

Muốn là thực thể sống, làng nghề phải bắt đầu lại, kiến tạo lại, đầu tiên từ kinh tế. Một cơ thể sống phải được nuôi dưỡng bằng giá trị vật chất đo đếm được, từ chính chuyển đổi của nghề để làm ra các sản phẩm phù hợp với xu thế thực dụng hơn. Rồi từ cái trớn đó, phục sinh không gian văn hóa nghề, tức là nghĩ về và bảo tồn, phát huy những giá trị tinh thần – phi vật thể.

Tôi đã từng tham gia phản biện cho việc xây dựng một từ điển làng nghề xứ Quảng, đã phải gợi nhắc cho các em thế hệ sinh viên hiện tại giúp việc điền dã, cần đến và ở lại các làng nghề để ghi chép trên thực địa những “tiếng nói” của nghệ nhân trong lớp áo ngữ nghĩa thường dùng.

Chỉ có cùng ăn cùng ở cùng thở trong không gian làng nghề thật sự mới biết giữ lại vốn văn hóa và từ ngữ người Quảng diễn đạt về tinh hoa phường thợ “đất trăm nghề” thế nào.

Ví như đừng xáo xào gọi con mỳ, sợi mỳ Quảng như bánh phở, đừng dở hơi gọi cái liếp phơi bánh tráng là vách tre, đừng nghe những từ rổ rá nong nia… mà gọi chung chung là vật dụng một cách vô hồn.

Trong những gì còn mất của sự sống, ngôn ngữ là thứ thường bảo tồn lâu hơn cả, thể hiện “tiếng nói” đặc thù của nghề nghiệp, của vùng đất và con người.

Mấy mươi năm, mấy trăm năm, cuộc thế vần xoay để giờ đây còn lại trong tay người Quảng không nhiều làng nghề như xưa. Những nghề trong câu ca xưa cũng nửa còn nửa mất như “Quảng Nam có lụa Phú Bông, có khoai Trà Đõa, có sông Thu Bồn”, hay “Kim Bồng thợ mộc, Ô Da thợ rừng”, hoặc những nghề thủ công tinh xảo từng nhắc trong “Quảng Nam tỉnh phú” của Đốc học Trần Đình Phong, giờ chỉ còn hình bóng hoài niệm.

Vậy nên tổ chức một lễ hội quần tụ làng nghề xứ Quảng là chuyện cần nhằm cố giữ lại di sản của cha ông. Song để nghề là thực thể sống còn cần không gian sinh tồn, cả vật chất và tinh thần, chứ không thể chỉ là “sân chơi” gióng lên hồi trống hội rồi thôi.

NGUYỄN ĐIỆN NAM