Dấu ấn anh hùng Việt ở Thakhek
Thakhek là thủ phủ của tỉnh Khammuane vùng Nam Lào. Đây cũng là nơi mà biểu tượng liên minh chiến đấu Việt - Lào in đậm trong ký ức của hai dân tộc.
Dấu tích Đông Dương thuộc Pháp ở đây vẫn còn những ngôi nhà cổ được xây dựng theo kiến trúc Pháp đã hơn trăm năm tuổi, nằm dọc thị trấn ven sông. Người dân địa phương giải thích Thakhek nghĩa là bến thuyền. Nhưng câu chuyện bến thuyền có chiều sâu hơn liên quan đến người thanh niên Việt Nam đã lấy thân mình che đạn cho Hoàng thân Souphanouvong khi ông vượt sông Mekong dưới làn đạn.
Tả ngạn Mekong
Buổi chiều bên sông Mekong, con đường ngắn trước công viên 21/3/1946 ở thị trấn Thakhek thoảng hương vị của những món ăn vặt bán vỉa hè như: chim, ếch nướng, cá…
Cuộc sống của cư dân Thakhek có gì đó hơi giống ở Việt Nam, với những quầy đồ ăn vặt, bàn vé số dọc đường. Xổ số 12 con giáp “Sibsonglasy” của Lào đang dậy sóng và thu hút người mua, bởi có 2 người dân vừa trúng 1,2 tỷ kíp và 6,6 tỷ kíp (giải thưởng lớn nhất lịch sử Lào).
Mekong với dòng nước đục màu phù sa không ngừng trôi. Hàng cây thốt nốt cao vút ở Thakhek nằm tả ngạn sông Mekong cũng chưa kịp soi bóng xuống đoạn sông nào. Cuộc sống hiện tại với những câu chuyện về xổ số 12 con giáp có thể đẩy con người ở đôi bờ mỗi ngày một dịch chuyển nhanh hơn.
Chiếc xe chở khách 3 bánh Lambetta gắn đủ loại đèn hiệu nhấp nháy của anh Phommachanh dừng lại trước ngôi nhà cổ ở bản Thakhek Cang, huyện Thakhek. Gọi là bản có vẻ khập khiễng, vì dãy phố này đã có vẻ sầm uất, cổ kính so với nhiều con phố dọc tả ngạn Mekong, đồng thời ngay đầu phố đã đặt bảng tên Singkapore Sikhotchounlamany Street.
“Việt Nam?”, những người dân địa phương hỏi. Người phiên dịch cho biết, bà con tự hào vì đây là trái tim của Thakhek và có một người Việt Nam đã gắn với công viên 21/3/1946 nằm gần khách sạn Mekong.
Công viên này đã thu hút người Việt Nam đến thắp hương và tưởng nhớ. Mọi người có thể đến Thakhek qua sân bay Nakhon Phanom và du hành dọc con sông này với câu chuyện lịch sử về Hoàng thân Souphanouvong với đất nước Việt Nam.
Tôi quyết định đi tìm cái tên Lê Thiệu Huy ở thị trấn ven sông Mekong, người thanh niên được cả Lào và Việt Nam vinh danh là anh hùng. Nhưng, chỉ thấy con số 21/3/1946 được đặt trên trảng cây xanh giống như một chiếc huân chương lấp lánh, mãi mãi nhắc nhở người dân Lào nhớ đến mối quan hệ Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào đã bắt rễ từ những câu chuyện đầy bi tráng trong năm tháng chiến tranh.
Lê Thiệu Huy trong tòa tháp
Bờ tả ngạn sông Mekong có một cây cổ thụ có tên là Hay don. Người dân nói, có lẽ nó đã xấp xỉ ngàn năm tuổi. Không biết bao nhiêu lần người Việt Nam đến đứng dưới bóng cây Hay don, lặng im trước ngọn tháp vàng nằm giữa công viên 21/3/1946 rồi ngóng ra sông Mekong để nghe kể chuyện về Lê Thiệu Huy.
Thời đó, viên Toàn quyền Đông Dương là Joseph Jules Brévié đã cho mời người mẹ già của ông Huy là bà Phan Thị Đích (cháu Phan Đình Phùng) tới gặp để xem mặt người đàn bà An Nam này là ai mà lại sinh ra một người quá tài giỏi như vậy.
Lê Thiệu Huy, sinh ngày 6/3/1921 ở xã Trung Lễ (nay là xã Trung Lâm Thủy) huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Cha là Giáo sư Lê Thước, bậc trí giả uyên bác cổ kim Đông Tây, nhà biên khảo, nhà giáo dục lớn đầu thế kỷ 20.
Năm lên 10 tuổi, Lê Thiệu Huy thi vào lớp đệ lục Trường Trung học Albert Sarraut (Lycée Albert Sarraut), ngôi trường này đã đào tạo ra nhiều nhân vật nổi tiếng nhất Đông Dương. Năm 1938, mới 17 tuổi 3 tháng ông thi đậu tú tài toàn phần ban Toán xếp loại giỏi. Kỳ thi lần 2 năm đó, ông thi tiếp bằng tú tài Văn chương, đậu xếp vào loại giỏi.
Cùng năm đó, ông là thủ khoa thi học sinh giỏi môn Toán, học sinh trung học phổ thông toàn nước Pháp và Pháp quốc hải ngoại. Tài năng của Lê Thiệu Huy được mệnh danh “Thần đồng Đông Dương”.
Dù được học tại các trường bảo hộ của Pháp, nhưng trái tim người thanh niên này luôn đồng cảm với nỗi thống khổ của người dân trên toàn liên bang Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia).
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, mọi thứ bị đảo lộn, trường học đóng cửa, Lê Thiệu Huy vào Huế học Trường Võ bị Thanh niên tiền tuyến. Mặt trận liên quân Việt - Lào được thành lập, ông trở thành tham mưu trưởng. Tại Thakhet, Lê Thiệu Huy là Bí thư, phụ tá cho Hoàng thân Souphanouvong lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao, kiêm Tổng Tư lệnh Phathet Lào.
Ngày 21/3/1946, mới mờ sáng quân Pháp huy động 2 tiểu đoàn bộ binh, có 1 trung đội xe tăng, máy bay, pháo binh yểm trợ tấn công nhiều hướng nhằm tái chiếm thị xã Thakhet.
Đến khi trận chiến không còn cân sức, Lê Thiệu Huy tháp tùng Hoàng thân Souphanouvong xuống thuyền vượt sông Mekong sang Thái Lan, khi đến giữa dòng thì ông trúng đạn hy sinh và được chôn bên hữu ngạn sông Mekong.
Ngày 17/7/2011, theo đề nghị của Văn phòng Chủ tịch nước và Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với đồng chí Lê Thiệu Huy - người chiến sĩ tình nguyện đã anh dũng hy sinh trên đất Lào ngày 21/3/1946.
Con đường độc lập
Năm 1885, Lãnh sự quán Pháp được thành lập tại Vương quốc Luang Phrabang (tên cố đô của Lào). Đến năm 1898, đường biên giới được vẽ lại và Lào không còn là thuộc quốc của Thái Lan vì được sáp nhập vào Liên bang Đông Dương.
Giới tinh hoa của Lào đều gởi con sang học tại các trường bảo hộ của Pháp tại Hà Nội là Albert Sarraut (Lycée Albert Sarraut), Lycée du Protectorat (Trường Trung học Bảo hộ, tức trường Bưởi), trong đó có một cái tên nổi bật là Hoàng thân Souphanouvong.
Những biến động chính trị của Lào giống như ở Việt Nam. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính, quân Pháp số bị bắt nhốt, bị hành quyết, còn lại bỏ chạy. Nhưng chỉ hơn 5 tháng sau, ngày 14/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng không điều kiện các nước đồng minh.
Giữa khoảng trống quyền lực đó, Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền, tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Còn tại Lào, chính phủ Lào Issara theo đường lối của Đảng Cộng sản ra đời vào ngày 12/10/1945 và khẳng định nền độc lập, trước đó ở Việt Nam tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào ngày 2/9/1945. Ở Việt Nam, vua Bảo Đại phải thoái vị, còn ở Lào, vị vua Chulalongkorn bị quản thúc.
Thực dân Pháp sau cú ngã choáng váng bởi quân Nhật đã bắt đầu củng cố và đưa binh mã quay trở lại. Đại tá Hans Ìmeld của chính phủ lâm thời Pháp tiến vào thủ đô Viêng Chăn khi quân Tưởng Giới Thạch vào giải giáp vũ khí quân Nhật đã rút đi.
Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào ngày 19/12/1946, sau đó rút lên chiến khu Việt Bắc. Còn tại Lào, vào ngày 21/3/1946, lực lượng Pathet Lào cũng phải rút lui ra khỏi thành phố.
Cuộc chiến không cân sức khi Pháp quay trở lại, có sự giúp sức của hoàng tử Boun Oum của Champasak (từng là vương quốc từ năm 1713-1946 và sáp nhập vào Lào). Hoàng thân Souphanouvong và người anh hùng Lê Thiệu Huy đã phải cùng nhau vượt sông Mekong để bảo toàn lực lượng, chiến đấu lâu dài.
Mộ của Lê Thiệu Huy được chôn tại một gò đất tại km 269 đường Ubon-Nakhon, nhưng ngôi mộ này đã bị nước lũ cuốn trôi. Hoàng thân Souphanouvong, lãnh tụ của Pathet Lào đã kêu gọi nhân dân lấy ngày 21/3 hàng năm, ngày hy sinh của chiến sĩ quân tình nguyện Lê Thiệu Huy làm “Ngày căm thù giặc Pháp xâm lược”.