Phố có mấy chữ "G"
Thói quen liên lạc của một bộ phận người dân có thể sẽ thay đổi nhiều, khi sóng 2G sắp bị tắt kể từ giữa tháng 9 và điện thoại “cục gạch” rục rịch chuyển đổi. Nhưng cũng từ đó mà nhận ra, lâu nay cộng đồng dân cư, nhất là người ở phố, có nhiều chữ “G” hơn ta tưởng…
Chữ “G” công nghệ
“Tắt sóng 2G đưa người dân lên môi trường số”, bản tin trên báo Quảng Nam đã giúp độc giả hình dung ngắn gọn về sự tiện lợi, cần thiết và xu thế tất yếu chuyển đổi mạng điện thoại. Bởi từ 2G chuyển lên 4G sẽ giúp người dùng có thể truy cập internet tốc độ cao, thuận tiện sử dụng các dịch vụ trực tuyến…
Từ hơn 1 tháng trước, UBND tỉnh Quảng Nam đã họp bàn về công tác chuyển đổi số, xác định toàn tỉnh còn khoảng 66 nghìn thuê bao 2G. Những thông tin về chủ trương tắt sóng 2G hay các chương trình hỗ trợ chuyển đổi được xúc tiến ngày càng khẩn trương hơn, để sớm chạm đích: Mọi người dân sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) để có điều kiện tiếp cận dịch vụ số. Y tế, giáo dục, thanh toán, giải trí, kết nối với người thân và bạn bè, kinh doanh trực tuyến…, tất cả mở toang với nhiều người chỉ với màn hình điện thoại nhỏ gọn xấp xỉ 6 inches.
TP.Đà Nẵng, địa bàn giáp ranh Quảng Nam, là địa phương đầu tiên trên cả nước được chọn thí điểm phổ cập smartphone đến từng hộ gia đình, theo chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Vậy nên, khi 2G sắp bị tắt, thành phố bên bờ sông Hàn bàn ngay đến chuyện hỗ trợ mua smartphone cho hộ nghèo.
Trong số hơn 3.800 hộ gia đình chưa có smartphone ở TP.Đà Nẵng, các doanh nghiệp viễn thông di động hỗ trợ 2.010 suất, còn lại do chính quyền địa phương lo với mức hỗ trợ tối đa 2 triệu đồng/thiết bị. “Đây là chính sách nhân văn nhằm giúp người nghèo trên địa bàn được tiếp cận công nghệ, thông tin nhằm ứng dụng trong sinh hoạt và cuộc sống”, vị lãnh đạo HĐND TP.Đà Nẵng bình luận.
Chữ “G” đang nhắc đến là chữ viết tắt của “Generation” (thế hệ). Mạng di động 1G sử dụng lần đầu tiên từ năm 1981. Sau đó 10 năm, đến lượt 2G, thêm 10 năm nữa đến 3G. Năm 2009, mạng 4G ra đời, năm 2018 mạng 5G được sử dụng lần đầu tiên…
Với những nhịp ngắt tầm 10 năm, các “G” cho thấy sự cải tiến về tính năng kết nối, mã hóa tín hiệu, dịch vụ dữ liệu của điện thoại di động. 2G giờ trở nên quá cũ, nhà cung cấp mạng loại bỏ dần để giúp giải phóng không gian phổ tần số vô tuyến cho các tiêu chuẩn mới. Các chuyên gia công nghệ giải thích vậy. Một khi smartphone, máy tính bảng được lựa chọn, những thiết bị cũ tương thích với 2G ngày càng giảm…
Chữ “G” kết nối
Kể cả khi 2G chưa “nhảy vọt” lên 4G, lâu nay sự kết nối của cộng đồng cũng đã tỏ ra “thông minh” hơn với sự xuất hiện của smartphone, đặc biệt là cư dân ở phố.
hử hình dung, nếu không có smartphone và các mạng xã hội Zalo, Facebook bị nghẽn, người sống ở phố “gặp” nhau khó khăn như thế nào. Thông báo ngày giờ họp tổ dân phố, thu thuế nhà đất, vận động quà cho trẻ dịp Trung thu, hay hóa đơn thu tiền điện thoại, tiền điện… tất thảy đều chuyển qua tin nhắn Zalo, Messenger hoặc email.
Những cảm xúc hỷ nộ ái ố thì có thể gửi theo những dòng trạng thái (status) trên mạng xã hội. Nhiều bà nội trợ cũng trở nên nhàn nhã hơn với chợ online, họ dõi theo các buổi livestream, đặt mua quần áo và thức ăn chỉ qua một vài thao tác. Dịch vụ thuê xe máy, thuê ô tô, dò tìm đường, tìm thân nhân của người bị tai nạn, phát hiện người đi lạc… đều không thể thiếu smartphone.
Các group (nhóm) cũng sáng đèn 24/24h để bàn chuyện chung của tổ dân phố. Thông báo chọn 1 hộ đặc biệt khó khăn đột xuất để tặng phiếu tham gia phiên chợ 0 đồng. Hát karaoke khuya quá, ồn quá liền bị nhắc nhở. Mèo cưng đi khỏi nhà... Thôi thì đủ thứ chuyện.
Tôi vừa dự cuộc họp tổ dân phố, nghe một người mạnh dạn kêu gọi hàng xóm chủ động dùng smartphone chụp hình, quay clip nếu phát hiện ai đó xả rác, đốt rác trộm gây ô nhiễm, làm căn cứ để địa phương xử phạt. Chứ chỉ báo tin mà không kèm chứng cứ, “khẩu thiệt vô bằng”, thì sẽ bị chối bỏ ngay.
Những tiện lợi kiểu ấy, người dân vùng quê hay vùng cao đều khai thác được. Nhưng người ở phố được nhắc đến nhiều hơn, bởi dù thế nào thì không gian phố luôn có những khoảng cách hữu hình lẫn vô hình. Thế giới phẳng sẽ tạo cơ hội cho các hộ dân có thể “gặp” nhau. Dù ở cùng tuyến phố, nhiều người cả năm chỉ gặp mặt nhau vào dịp tất niên, nếu thân thiết thì cũng khu biệt từng nhóm nhỏ. Lúc đó, những kênh ảo đôi khi lại rất thật…
“Nếu không có các kênh giao tiếp ảo này thì chắc chết!”, vị tổ trưởng dân phố từng quán xuyến 3.000 nhân khẩu thốt lên khi nhớ lại những ngày huy động người dân đi xét nghiệm COVID-19 đến 13 lần qua tin nhắn, hay nghe ngóng và giải thích 2 chiều về thắc mắc xung quanh thủ tục cư trú, hành chính công, hòa giải, vệ sinh lòng lề đường… Có khi, 2 giờ sáng tin nhắn Zalo còn đổ về để báo tin chuyện đột xuất nào đó.
Khác xa các xóm, các làng ở thôn quê thường tối lửa tắt đèn có nhau, người ở phố bây giờ “tối lửa tắt đèn có… smartphone”. Chữ “G” ở phố ngày càng trở nên phong phú. Chính chữ “G” công nghệ đã giúp nối dài những chữ “G” khác: gặp gỡ, gần gũi, giúp đỡ, giải tỏa… Để người ở phố xích lại gần hơn.