Ký ức mùa thu độc lập
Sau khởi nghĩa thành công, Tỉnh ủy Quảng Nam, Ủy ban Việt Minh tỉnh quyết định tổ chức buổi mít tinh mừng thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa và tổ chức Lễ ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam. Và đã 79 năm trôi qua, ký ức về mùa thu độc lập vẫn còn vang vọng.
Chuẩn bị lễ mít tinh
Với sự kiện khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã tỉnh lỵ Hội An sáng ngày 18/8/1945, Quảng Nam là một trong những tỉnh khởi nghĩa sớm nhất và thắng lợi trọn vẹn, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 trên toàn quốc.
Sau khởi nghĩa thành công, tất cả phủ, huyện đến tổng, xã đều tổ chức mít tinh quần chúng, thành lập Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời các cấp. Tại Đà Nẵng, sáng ngày 28/8/1945, một cuộc miting lớn ở sân vận động Chi Lăng được tổ chức để mừng thắng lợi.
Cuối tháng 8/1945, Tỉnh ủy Quảng Nam, Ủy ban Việt Minh tỉnh quyết định tổ chức buổi mít tinh mừng thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa và tổ chức Lễ ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam.
Trong hồi ký “Những năm tháng không quên”, đồng chí Nguyễn Văn Tấn (Nguyễn Văn Ưng), Ủy viên Ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh Quảng Nam, thành viên Ban tổ chức Lễ mít tinh có ghi: “Kết thúc cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Tỉnh ủy và Ban bạo động tỉnh quyết định tổ chức cuộc mít tinh lớn, huy động lực lượng toàn tỉnh tham gia vào ngày 2/9/1945, tại sân vận động thị xã Hội An để biểu dương lực lượng cách mạng và ra mắt Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam.
Anh Chu Huy Mân và tôi (Nguyễn Văn Ưng) được phân công phụ trách công việc tổ chức buổi Lễ. Sau đó mới biết tin, không ngờ quyết định ngày miting trùng lặp - cùng ngày 2/9 này, ở Hà Nội cũng ra mắt Quốc dân đồng bào Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam; do đó công tác tổ chức phải làm thế nào bố trí loa đài tiếp âm tốt, để quần chúng và toàn cuộc mít tinh nghe được Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập”.
Bên cạnh việc chuẩn bị lễ đài, tiếp âm, Tỉnh ủy yêu cầu phải huy động đông đảo quần chúng nhân dân toàn tỉnh tham gia.
“Chúng tôi hướng dẫn cho các huyện tổ chức các đoàn đi phải đủ thành phần Đảng, mặt trận, đoàn thể của các xã trong huyện và của huyện. Số lượng tùy từng nơi, không hạn chế. Đoàn đi để biểu dương lực lượng của huyện mình phải đầy đủ băng cờ cầm tay, khẩu hiệu… Tất cả phải có mặt trong đêm 1/9 và đúng 7 giờ sáng 2/9 có mặt tại sân vận động Hội An.
Chúng tôi đi trước, nhìn lại các đoàn quần chúng phía sau, và hai bên đường nhân dân ra đứng chật đường với tiếng vỗ tay, cờ xí náo động rợp trời. Vào nội thị Hội An, tiếng kèn, tiếng trống, tiếng vỗ tay chào đón rầm rộ khắp các khu phố, ước tính hàng chục vạn người với khẩu hiệu băng cờ phấp phới” – theo Hồi ký của đồng chí Nguyễn Văn Tấn (Nguyễn Văn Ưng).
Ký ức vẹn nguyên
Ngày 1/9/1945, đông đảo bà con nhân dân các phủ, huyện trong toàn tỉnh được huy động tập trung về thị xã Hội An chuẩn bị tham dự Lễ Độc lập của nước nhà. Khắp làng quê, phố xá ngập tràn trong niềm hân hoan.
Sáng ngày 2/9/1945, hàng vạn đồng bào chia thành từng đoàn mang theo cờ băng, khẩu hiệu và ảnh Bác Hồ lần lượt tiến về sân vận động Hội An tham dự buổi lễ. Lễ đài được Ban tổ chức trang trí uy nghiêm với khẩu hiệu trên cao “Việt Nam độc lập muôn năm”, phía dưới là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh và bàn thờ Tổ quốc. Trong không khí trang trọng đó, dường như mỗi người có mặt đều cảm nhận được giây phút thiêng liêng, giây phút của đất nước độc lập, tự do.
Giờ phút thiêng liêng đã đến, đồng chí Chu Huy Mân, Trưởng ban Tổ chức buổi lễ trịnh trọng giới thiệu mấy lời trước đồng bào rồi bước xuống lễ đài. Mọi người nôn nao chờ đợi.
Từ loa phóng thanh, qua hệ thống thu thanh và tăng âm, tiếng Bác Hồ vang lên: “Hỡi đồng bào cả nước! Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”...
Ban tổ chức buổi Lễ đã tổ chức tiếp âm lời Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), nhưng do phương tiện kỹ thuật tiếp âm của ta lúc mới giành chính quyền chưa đảm bảo, tiếng nghe rõ tiếng không, nhưng cán bộ, chiến sĩ và đồng bào tham dự mít tinh đều biết đó là tiếng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên rất phấn khởi” - đó là ký ức không phai mờ trong cuộc đời hoạt động của Đại tướng Chu Huy Mân trong những ngày Cách mạng tháng Tám sôi động ở Quảng Nam.
Sau buổi tiếp âm, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam ra mắt gồm 9 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ làm Chủ tịch; đồng chí Nguyễn Thúy, Phó Chủ tịch.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt chính quyền Cách mạng lâm thời, đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ tuyên bố xóa bỏ chế độ thuộc địa, phong kiến trong tỉnh, tuyên bố xóa bỏ chính sách phản động hiện hành của chúng; ban bố chương trình hành động của chính quyền cách mạng và 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi đồng bào đoàn kết, kiên quyết bảo vệ nền độc lập vừa giành được, bảo vệ chế độ mới…
Hàng vạn quần chúng và đại biểu các phủ, huyện về dự lễ reo hò hưởng ứng, hô vang các khẩu hiệu: “Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Buổi mít tinh kết thúc, từng đoàn người có đội tự vệ vũ trang dẫn đầu nối nhau mở cuộc tuần hành thị uy quanh các đường phố, hô vang khẩu hiệu ủng hộ cách mạng, ủng hộ chính quyền nhân dân.