Đời sống

Di sản của người kể chuyện

Ký của XUÂN HIỀN 02/09/2024 09:10

Tôi quan sát Ân khi anh trở về từ Trường Đại học Mỹ thuật Huế, cùng cha mình tay đục tay bào, chạm trổ trên những thớ gỗ. Nhiều sản phẩm điêu khắc gỗ mang dấu ấn của Nguyễn Văn Ân trình làng và định danh ở nhiều cuộc thi.

TRONG2-7 (1)
Nghệ nhân Nguyễn Văn Ân. Ảnh: PHAN VŨ TRỌNG

Ân lành hiền như cha mình - nghệ nhân nhân dân (NNND) Nguyễn Văn Tiếp (cơ sở tại xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn). Những người thợ mộc ven sông Thu Bồn cứ lặng lẽ sống trong thế giới thơm mùi gỗ mộc, và xem chừng thế cuộc chưa bao giờ chạm được vào miền riêng tư ấy.

Nối kết

Một người học mỹ thuật ở thời của Ân, dĩ nhiên có nhiều con đường lựa chọn hơn là về làm mộc với cha. Đi khắp nơi thì dễ, nhưng với tuổi trẻ, quay về quê chắc chắn phải là những cuộc đấu tranh, lẫn dấn thân.

Gần 15 năm trước, tôi chứng kiến cảnh hai cha con người thợ mộc say sưa làm cho ra một bức phù điêu từ gỗ. Giữa nắng chiều lấp loáng ven sông, trên doi đất phù sa xứ dinh trấn ấy, có hai thế hệ mê kể chuyện gỗ mộc.

Hình như vì cảm được lòng thành của cha - người ở đời thứ 5 nối nghề mộc mỹ nghệ của dòng tộc, mà Nguyễn Văn Ân đã không ngại ngần lựa chọn trở về.

Nếu ông Tiếp nổi danh với tủ thờ cùng những hoa văn cũ, cổ nhưng sắc, hay những nét chữ Nho nghiêm cẩn khắc trên các bài vị, thì đường nét chạm trổ của Nguyễn Văn Ân lại mang nhiều suy tưởng hơn. Nó khiến người ta hình dung đến sự tự do ẩn sâu dưới tầng tầng những lớp gỗ, mang đến cảm thức vừa thực vừa mộng.

Nhưng dẫu thế nào, tôi vẫn nhìn thấy một nối kết sâu thẳm từ tác phẩm của họ. Dĩ nhiên, dòng máu chảy trong người là thứ sẽ làm nên những cuộc bắt đầu từ tiếp nối.

Nhưng sâu trong bộ gene của những người đã dấn thân với nghề truyền thống, đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn và tỉ mỉ chắt lọc suốt chiều dài cuộc đời. Ở NNND Nguyễn Văn Tiếp đã thấy điều đó.

Và đến Ân, anh đang bền bỉ để ván cờ định danh mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp mang tính đa diện và chạm sâu vào nghệ thuật sáng tạo nhiều hơn.

trong2-10(1).jpg
Những tác phẩm điêu khắc gỗ từ cơ sở mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp. Ảnh: VŨ TRỌNG

Dòng sản phẩm mộc mỹ nghệ của NNND Nguyễn Văn Tiếp từ bao nhiêu năm nay chú trọng tính truyền thống, phong thủy. Những sản phẩm từ người nghệ nhân này luôn được đặt ở chốn trang trọng trong gia đình.

Xuất thân người thợ được truyền nghề từ chính cha ông, những suy tưởng của một người đàn ông trung chính biểu hiện trong từng đường chạm trổ, từng nét khắc nét chạm đậm sắc màu cổ truyền.

“Nếu để tâm và thành tâm, thì mỗi hoa văn nên hình dáng và đến với người nhận sẽ chứa trong đó những khẩn nguyện tốt lành của người làm nghề.

Nguyễn Văn Tiếp học ông nội mình từ việc đóng số lượng đinh chẵn lẻ đến ý nghĩa của mỗi hoa văn chạm khắc trong từng loại gỗ. Biến hung thành cát. Biến cái thô mộc nên những thanh mảnh…

Từ một thớ gỗ thành vóc hình theo cái tâm của người làm. Cứ làm bằng nghĩa nhân, sẽ nhận được nhân nghĩa” - tôi đã từng viết về ông như vậy khi đôi lần chứng kiến người thợ già say nghề.

Lòng thành với nghề

Dấu ấn của Ân trong giới thủ công mỹ nghệ xứ Quảng, bắt đầu từ “Bộ tách trà Trúc Quảng”. Sản phẩm này đoạt giải A trong cuộc chấm chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2017 của Quảng Nam.

trong2-5.jpg
Hai cha con NNND Nguyễn Văn Tiếp và nghệ nhân Nguyễn Văn Ân. Ảnh: VŨ TRỌNG

Ân nói, anh mất 2 tuần để vừa lên mẫu tạo hình và điêu khắc cho bộ sản phẩm. “Bộ tách trà Trúc Quảng” được làm khá tinh xảo từ gỗ xá xị, có mùi thơm, là dòng sản phẩm lưu niệm nhưng có thể sử dụng được.

Bây giờ, xưởng mộc mỹ nghệ của NNND Nguyễn Văn Tiếp trở thành không gian vừa làm nghề vừa làm du lịch. Âu đó cũng là cách để nghề truyền thống đứng được giữa vòng xoáy thị trường.

Cơ sở này vẫn luôn vang tiếng cưa đục mỗi ngày, vì nhu cầu thị trường với dòng sản phẩm thủ công ứng dụng luôn tồn tại. Những người thợ trẻ trong cuộc “chiêu mộ” hơn 10 năm trước, giờ đã cứng tay nghề. Có người ra riêng, có người vẫn gắn với xưởng mộc để cùng làm nên giá trị mới cho mộc mỹ nghệ Điện Phương.

Và điều những người ra đi hay còn ở lại, là họ đều quý tính cách thật thà và lòng thành với nghề truyền thống của cả hai cha con nghệ nhân.

Ông Tiếp và Ân đã không lựa chọn mua sắm máy móc đủ sức “nhân bản” những phiên bản sản phẩm truyền thống.

“Một mặt hàng, nếu máy làm thì y như nhau, nhưng nếu là người thợ, thì kinh nghiệm và hồn họ phả vào đó, chắc chắn sẽ sinh động và khác nhau. Máy làm gọn, sắc, nhưng vô hồn, nó không thể tinh xảo và thể hiện cảm xúc như người yêu nghề. Mình vẽ sản phẩm, đục, chạm, theo ý mình, làm mới nhưng không bỏ cái cũ” - Ân xác quyết. Và nếu máy đủ sức làm thay con người, thì nghề và làng nghề truyền thống, còn lại gì?

Cảm xúc theo mạch gỗ, là điều không thể sao chép. Đó cũng là điều làm nên linh hồn của sản phẩm truyền thống. Ân nói ở xưởng gỗ của mình, không sản phẩm nào giống nhau. Mỗi thứ đều là độc bản. Có thể về bố cục, kết cấu sản phẩm là như nhau, nhưng ngó thật lâu, mỗi nét chạm nét khắc, sẽ có nét thanh nét đậm.

Tôi hình dung người làm nghề truyền thống ở thời đoạn này gần giống những người đi trên dây vậy. Sợi dây chùng sẽ khó đi mà căng thì càng dễ ngã. Giữ thăng bằng làm sao để vẫn thản nhiên làm nghề nhưng vẫn không bị đẩy ra khỏi cuộc xiếc xáo động của bao nhiêu giá trị khác nhau.

Thể nghiệm mới dành cho nghề truyền thống

Đã có những người thợ thủ công sống tốt bằng việc làm du lịch. Khắp nơi trên thế giới, sản phẩm thủ công và công đoạn làm nghề đều có thể trở thành “sản phẩm du lịch”, nếu biết cách khai thác.

trong2-22.jpg
Những tác phẩm điêu khắc gỗ từ cơ sở mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp. Ảnh: Vũ Trọng

Ở Chiang Mai, Thái Lan, cách tổ chức du lịch bài bản từ những làng nghề thủ công, đã giúp người thợ sống được với nghề. Những sản phẩm thủ công được định giá rất cao và du khách tới Thái sẵn sàng chi trả để sở hữu nó.

Điều sống còn với nghề truyền thống, bên cạnh thu nhập, còn là yếu tố trao truyền. Năm 2018, khi JICA vẫn còn dự án hỗ trợ các làng nghề truyền thống của Quảng Nam, khi ấy, những người Nhật đã định vị về vai trò của người trẻ trong tiến trình phục hưng làng nghề.

Họ cho rằng, cần tạo ra niềm tin cho lớp trẻ - những người vốn đã có mặc cảm về nông thôn và thu nhập của nghề truyền thống. Và phải có những người truyền cảm hứng, để từ đó, chính họ sẽ tìm ra những giải pháp khả thi để phát triển dựa trên nguồn lực bản địa.

Lần này, trong lễ tôn vinh nghệ nhân tại Festival làng nghề truyền thống của Quảng Nam, có nhiều người là cha con, họ hàng. Mối nối kết tất yếu để những nghề cũ còn tiếp nối đến mai sau, có dòng máu của tình thân.

Nhưng trên hết, cuộc hành trình tìm kiếm những giá trị nguyên bản, gìn giữ và phát huy để những giá trị đó không bị lung lay, mai một mới là thứ mã gene văn hóa để người ta bền bỉ làm nghề.

Với Nguyễn Văn Ân, nghề đó còn là cội nguồn. Theo nghề, cũng là cách để anh tiếp nối di sản của người kể chuyện từ gỗ mộc - NNND Nguyễn Văn Tiếp.

Tác phẩm dự thi "Cuộc thi báo chí lan tỏa năng lượng tích cực Vì khát vọng Quảng Nam"

Ký của XUÂN HIỀN