Diện mạo một vùng bản sắc Ca Dong
TS. Nguyễn Đăng Vũ là nhà nghiên cứu nặng lòng với di sản văn hóa Ca Dong. Hơn 30 năm lặn lội đến với các plây (làng) của người Ca Dong, ông là một trong những người am hiểu về văn hóa của tộc người có địa bàn cư trú chủ yếu tại miền núi phía tây Quảng Ngãi.
Đầu tháng 8 nay, TS. Nguyễn Đăng Vũ tiếp tục cho ra mắt tác phẩm “Dấu xưa lưng chừng núi – một vùng bản sắc Ca Dong”. Sách dày gần 600 trang, do NXB Khoa học xã hội ấn hành.
Căn tính một tộc người
Tập sách chính là tâm huyết của mấy mươi năm đi nhặt nhạnh những dấu xưa còn lại của vùng văn hóa đặc sắc đang dần mai một. Đây cũng là chuyên khảo đầu tiên nghiên cứu một cách tổng thể và chuyên sâu về văn hóa Ca Dong.
Ngoài các phần Lời giới thiệu, Lời tựa, Lời tác giả, Dẫn nhập, Lời bạt, Phụ lục và Tài liệu tham khảo, tập sách được cấu trúc thành 10 chương. Từ việc Định danh một tộc người và vùng cư trú, tác giả đưa người đọc cùng làm cuộc lãng du vào truyền thống văn hóa Ca Dong qua những nẻo đường của “sự trường tồn đầy thử thách”.
Từ “Thế giới huyền diệu và bí ẩn” (chương 3) cho đến “Vòng đời người nhiều ràng buộc (chương 4, 5); Chu kỳ nông lịch với nhiều lễ thức (chương 6, 7) và “Những câu chuyện cổ và đời sống văn nghệ dân gian (chương 8), Chuyện ăn mặc và những thực hành khác trong đời sống (chương 9) cho đến những trăn trở về “Giá trị, biển đổi, thách thức và sứ mệnh” (chương 10), tác phẩm mở ra một vùng bản sắc Ca Dong đặc biệt cùng những di sản văn hóa đồ sộ mà người Ca Dong đã kiến tạo trong suốt chiều dài lịch sử tộc người. Theo chân nhà du khảo, vùng bản sắc Ca Dong hiển hiện một cách đầy đủ, sống động, đầy mê hoặc.
Khác với nhiều nhà nghiên cứu tiếp cận văn hóa tộc người miền núi bằng cái nhìn về phía ngoại vi, TS. Nguyễn Đăng Vũ chọn tâm thế bên trong, hướng về trung tâm. Ông đặt mình ở vị trí của một người Ca Dong để cảm nhận hết chiều sâu căn tính tộc người.
Lựa chọn tâm thế này, tác giả phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí tiền của để thâm nhập, trải nghiệm sâu sắc đời sống văn hóa của người Ca Dong.
Nhưng bù lại, mỗi trang biên khảo trong tập sách không chỉ đầy ắp giá trị thông tin với những luận giải sâu sắc mà còn hết sức thuyết phục bởi tiếng nói của người trong cuộc. Nhưng trên hết, mỗi trang sách còn là tấm lòng yêu quý, trân trọng của nhà nghiên cứu đối với văn hóa Ca Dong và những lo lắng trước sự mai một của di sản quý giá ấy.
Cuộc du khảo văn hóa
Đến với tập sách, độc giả sẽ nhận ra người Ca Dong ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Kon Tum không chỉ có những câu chuyện lập làng bằng tiếng hát của người thiếu nữ xinh đẹp, mà còn là những chòm lúa cho chim, hồn tổ tiên qua sắc cầu vồng, đàn brook jeang nhớ vợ, ống nứa kiếp người, dây linh hồn buộc chặt con người với núi rừng từ tiền kiếp, talok kring ning kỷ vật dành cho con gái, cây nêu ba tầng và lễ ăn trâu…
Họ có cả truyền thống văn hóa lâu đời, đa dạng và đậm đà bản sắc. Đó là nền văn hóa huyền diệu, thấm đẫm tinh thần nhân văn khi luôn coi trọng sự sống, đề cao con người, tôn trọng thiên nhiên cây cỏ… Tất cả đều được thể hiện một cách sinh động, hấp dẫn trong chuyên khảo này.
Tập sách còn hấp dẫn bởi tư liệu ngồn ngộn, hệ thống phụ lục (hình ảnh, truyện cổ, làn điệu dân ca, bảng tra từ vựng) phong phú, kiến giải mới mẻ cùng những trang viết giàu cảm xúc như những khúc tản văn. Đó là lối viết của những tùy bút khoa học, du khảo văn hóa vốn không dễ để viết.
Xem văn hóa Ca Dong là một phần đời, dành hơn nửa đời người đến với từng ngôi làng Ca Dong để điền dã, nghiên cứu, đến nay TS. Nguyễn Đăng Vũ đã thu được quả ngọt là công trình “Dấu xưa lừng chừng núi – một vùng bản sắc Ca Dong”. Với chuyên khảo này, ông đã xác lập được cho mình vị thế của một chuyên gia hàng đầu về văn hóa Ca Dong, một nhà dân tộc học thực thụ.