Văn hóa - Văn nghệ

Tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi xứ Quảng

PHAN VINH - HỒ QUÂN 02/09/2024 08:57

(QNO) - Hơn 50 nghệ nhân, thợ giỏi hội tụ tại Festival Nghề truyền thống Quảng Nam 2024 được UBND tỉnh Quảng Nam tôn vinh vì đã có thành tích xuất sắc trong quá trình gìn giữ, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa làng nghề. Xin giới thiệu đến bạn đọc những gương mặt ấn tượng, có nhiều thành tựu với nghề, là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò nối bước.

NGHE NHAN 2

“Dấu gạch nối” của nghề mộc Nam Phước

Làng Tiệm Rượu, khối phố Bình An, thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) nằm ở phía Nam cầu Câu Lâu cũ. Mấy chục năm trước, địa danh này nức tiếng gần xa về các sản phẩm rượu thì Tiệm Rượu còn được biết đến với nghề mộc mỹ nghệ độc đáo, có truyền thống hơn 200 năm. Nhiều cơ sở làm mộc mọc lên, làm ăn thấm khá, song nói đến độ tinh xảo trong sản phẩm thì chỉ có 7 xưởng thường tấp nập thợ thầy.

NGHE NHAN 4
Hai cha con nghệ nhân Nguyễn Văn Bốn - Nguyễn Văn Hạnh. Ảnh: V.Q

Về sau, máy móc xuất hiện, thị trường bắt đầu ưa chuộng các dòng sản phẩm gỗ theo khuôn mẫu có giá thành rẻ, sản xuất trong thời gian ngắn. Dần dần, làng Tiệm Rượu thưa vắng tiếng cưa, đục, đẽo… Duy chỉ có nhà ông Nguyễn Văn Ký còn trụ lại với nghề. Ông Ký cùng con trai mình là ông Nguyễn Văn Bốn ngày ngày miệt mài ở xưởng mộc, tiếp tục chế tác các mẫu bàn ghế, đồ nội thất, tủ thờ… theo phương pháp thủ công truyền thống để chế tác cho một số khách quen. Anh Nguyễn Văn Hạnh (con ông Bốn) lúc bấy giờ đang học trung học cũng về phụ với gia đình làm nghề sau mỗi buổi tan trường.

“Mỗi lần nhìn ông tỉ mẫn, biến những khúc gỗ sần sùi cục mịch thành những sản phẩm tinh xảo, tôi vô cùng mê mẫn, thán phục. Hai mắt tôi không thể rời đôi tay khéo léo của ông, rồi chẳng biết tôi mê nghề từ lúc nào. Học xong lớp 12, tôi nối nghiệp gia đình, làm nghề cho đến bay giờ” - anh Hạnh nói.

NGHE NHAN 3
Nghệ nhân Nguyễn Văn Hạnh đang chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Ảnh: Q.V

Ông Ký chuyên điêu khắc mỹ nghệ, còn ông Bốn lại có sở trường về mộc gia dụng. Đến đời anh Hạnh là sự kết tinh tay nghề của 2 “người thầy” để làm ra các dòng sản phẩm thực sự đẹp mắt, được nhiều người ưa chuộng.

Để sản phẩm tiếp cận các thị trường lớn hơn, ngoài nâng cao tay nghề, ông còn chịu khó lắng nghe ý kiến khách hàng, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng để liên tục cho ra đời những mẫu mã mới. Năm 2014, anh Hạnh được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận thợ giỏi và đến năm 2018 được công nhận là nghệ nhân.

NGHE NHAN 6
Nghệ nhân Nguyễn văn Hạnh bên tác phẩm quạt Chùa cầu tinh xảo của mình. Ảnh: Q.V

Để giữ nghề truyền thống cho làng, trong những năm qua, anh Hạnh không ngừng truyền dạy nghề mộc cho nhiều thế hệ học trò dù không phải người trong gia đình hoặc địa phương. Tuổi nghề chưa đến 30 năm, song anh đã có hơn 100 học trò, trong số đó có nhiều người nay đã trở thành thợ giỏi, nghệ nhân.

Tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tôi có 1 sản phẩm đạt 4 sao, 1 sản phẩm đạt 3 sao. Đó là cách đưa nghề truyền thống hòa nhịp với xu hướng hiện đại, hướng tới việc bảo tồn, phát triển bền vững làng nghề

Nghệ nhân Nguyễn Văn Hạnh - thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên)

[VIDEO] - Nghệ nhân Nguyễn Văn Hạnh - thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) chia sẻ về niềm vui khi gìn giữ, phát triển nghề truyền thống:

Tỉ mẩn với thổ cẩm Cơ Tu

Rất nhiều người dân, du khách sau khi một vòng các không gian trình diễn tại Festival Nghề truyền thống Quảng Nam 2024, đã dừng chân khá lâu tại gian hàng thổ cẩm của chị Bling Thị Treng - ở làng Đhrồng, thôn Aréh, xã Tà Lu (Đông Giang). Ai nấy trầm trồ, không thể rời mắt khỏi đôi tay chị Treng đang thoăn thoắt dệt từng đường nét, hoa văn. Từng sợi chỉ, hạt cườm đan vào nhau một cách khéo léo là kết tinh của tình yêu với thổ cẩm, là thành quả nhiều năm miệt mài giữ nghề, lao động sáng tạo.

NGHE NHAN 7
Chị Bling Thị Treng (làng Đhrồng, thôn Aréh, xã Tà Lu, Đông Giang) tự hào giới thiệu về các sản phẩm từ thổ cẩm Cơ Tu. Ảnh: Q.V

Chị Treng chia sẻ, bao đời nay, người con gái Cơ Tu đến tuổi lên 10 đã tập làm quen với khung dệt. Đến tuổi trường thành, chị em phải thành thạo việc dệt ra tấm thổ cẩm để làm trang phục truyền thống, như khố, váy, xà lùng, áo adoót… Người xưa quan niệm, giá trị của người phụ nữ Cơ Tu được đánh giá thông qua sự tinh xảo của các đường nét hoa văn trên thổ cẩm.

Nghề này không biết có từ bao giờ, từ hồi bà, đến mẹ và các chị em trong nhà, ai cũng biết dệt thổ cẩm. Sau này, vải hiện đại xuất hiện, người trẻ Cơ Tu chỉ mặc trang phục truyền thống vào mỗi dịp lễ hội. Có nhiều lúc nghề dệt thổ cẩm tưởng chừng như mai một. Vì yêu những tấm thổ cẩm, trân quý văn hóa truyền thống Cơ Tu và lo lớp trẻ không biết đến nghề dệt, tôi đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác, vận động chị em trong làng dệt thổ cẩm để làm các sản phẩm thương mại, phục vụ du lịch

Nghệ nhân Bling Thị Treng - làng Đhrồng, thôn Aréh, xã Tà Lu (Đông Giang)

Hiện nay, để dệt một tấm khố cườm rộng 30cm, dài 4 mét thì ít nhất phải mất 10 ngày công. Một tấm choàng đôi dài 3,5 mét, rộng 1 mét thì làm trong 20 ngày, áo adoót làm 5 ngày, váy ngắn làm 4 ngày, váy dài làm 10 ngày. Chính vì “ngốn” công và khá vất vả, giá thành các sản phẩm cao, dẫn đến việc không cạnh tranh được với sản phẩm vải công nghiệp. Đầu ra sản phẩm trở thành điều chị Treng “đau đầu”.

NGHE NHAN 8
Các sản phẩm thổ cẩm Cơ Tu độc đáo của chị Treng. Ảnh: Q.V

Mất nhiều đêm trằn trọc, chị Treng nảy ra ý tưởng làm những sản phẩm nhỏ hơn trên chất liệu thổ cẩm như các loại túi, ví, khăn choàng, cà vạt… với giá thành dao động từ 100 - 300 nghìn đồng. Dòng sản phẩm này nhanh chóng tìm được thị trường, thông qua các đợt xúc tiến thương mại, các hoạt động du lịch.

“Trong làng đã có 35 chị em phụ nữ tham gia vào Tổ hợp tác dệt thổ cẩm. Một số chị em đã cứng tay nghề, liên tục sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu thị trường. Và đáng mừng là nhiều bạn trẻ bắt đầu có hứng thú với nghề dệt thổ cẩm, nắm bắt những kỹ năng cơ bản của nghề, tự hào giới thiệu văn hóa Cơ Tu đến bạn bè gần xa” - chị Treng chia sẻ.

NGHE NHAN 9
Chị Bling Thị Treng tạo công ăn, việc làm ổn định cho nhiều chị em làng Đhrồng, xã Tà Lu (Đông Giang). Ảnh: Q.V

Năm 2015, chị Bling Thị Treng được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là nghệ nhân dệt thổ cẩm Cơ Tu.

[VIDEO] - Sản phẩm từ thổ cẩm độc đáo của chị Bling Thị Treng và các thành viên trong tổ hợp tác:

Thổi hồn vào gốc tre

Những năm gần đây, xưởng điêu khắc gốc tre của ông Huỳnh Phương Đỏ tại phường Minh An, TP.Hội An đã trở thành địa chỉ lui tới quen thuộc của nhiều khách Tây. Gương mặt của một nghệ nhân lúc nào cũng hóm hỉnh, tươi cười, liên tục tạo dáng bên các sản phẩm điêu khắc chính là nguồn cảm hứng cho nhiều vlogger người nước ngoài. Nhờ vậy, ông Đỏ đã nổi tiếng trên nhiều trang mạng xã hội trong và ngoài nước, thu hút sự tò mò của du khách.

NGHE NHAN 10
Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ lúc nào cũng nhiệt tình, sôi nổi khi chụp hình cùng du khách. Ảnh: Q.V

Ông Đỏ kể, từ năm 15 tuổi ông đã học nghề ở làng mộc Kim Bồng. Dù đã ra nghề, thành thạo các kỹ năng nhưng sản phẩm gỗ mỹ nghệ lúc đó ế ẩm nên ông phải rẽ hướng sang nghề khác để mưu sinh, kiếm sống qua ngày.

Năm 1999, Hội An trải qua cơn lũ lịch sử, bờ tre bụi trúc đều trốc gốc. Với đôi mắt nghệ thuật của mình, ông nhìn cơ hội từ chính những gốc tre trơ trọi nằm ven đường sau cơn lũ. Và những sản phẩm điêu khắc chân dung từ gốc tre đã ra đời.

NGHE NHAN 11
Những sản phẩm điêu khắc gốc tre độc đáo của ông Huỳnh Phương Đỏ. Ảnh: Q.V

Ban đầu, ông chỉ lựa chọn điêu khắc những gương mặt ngộ nghĩnh, hóm hỉnh. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy gốc tre có những chùm rễ dài, có hình dạng như chòm râu, rất phù hợp để chế tác những nhân vật trong tín ngưỡng thờ cúng của người Việt. Do đó ông đã tập trung khai thác, sáng tạo theo hướng này.

Tôi cứ đục đẽo, sáng tạo theo trí tưởng tượng của mình. Thế nên mỗi tác phẩm là độc nhất, không cái nào giống cái nào.

Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ - phường Minh An, TP.Hội An

Sự độc nhất mà ông Đỏ nói đến đó là tác phẩm chân dung nhạc sĩ “Trịnh Công Sơn”, các vị “Phúc - Lộc - Thọ” hay Phật Di Lặc qua từng sản phẩm đều có biểu cảm gương mặt khác nhau. Những chòm râu rễ tre đã tạo nên điểm khác biệt, biểu hiện rõ sự vui, buồn, hờn, giận của các nhân vật… khiến ai nấy đều cảm thấy thích thú.

NGHE NHAN 12
Ông Đỏ miệt mài sáng tạo tác phẩm. Ảnh: Q.V

Hơn 25 năm miệt mài, ông Đỏ đã khẳng định chỗ đứng với hướng đi riêng của mình, được UBND tỉnh công nhận là nghệ nhân, thợ giỏi. Đây là động lực để ông luôn sáng tạo và truyền nghề cho nhiều lứa học trò về nghệ thuật điêu khắc chân dung trên gốc tre.

Anh Nguyễn Thành Rin - ở xã Cẩm Thanh, TP.Hội An là một trong những học trò nhỏ tuổi nhất nhưng thạo nghề. Chàng trai này vừa cùng thầy Đỏ tham gia trình diễn tại Festival Nghề truyền thống Quảng Nam 2024. Anh Rin cho biết, dù tốt nghiệp đại học thiết kế đồ họa ra trường nhưng anh lại bén duyên với nghề điêu khắc gốc tre từ lúc bắt gặp ông Đỏ đang trình diễn nghề trên phố cổ.

Thầy tôi dặn, điêu khắc chân dung khó nhất nằm ở cái tâm người nghệ nhân. Chân dung có hồn được hay không đều phụ thuộc vào sự chân thành và thái độ tích cực của nghệ nhân, còn kỹ thuật chỉ là điều kiện cần. Ở thầy, tôi thấy trọn vẹn cái tâm và cái tài đó.

Anh Nguyễn Thành Rin - xã Cẩm Thanh, TP.Hội An

[VIDEO] - Đông đảo người dân, du khách tham quan không gian trình diễn nghề điêu khắc gốc tre của nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ tại Festival nghề truyền thống Quảng Nam 2024 vừa qua:

Người đưa chổi đót xuất khẩu

Gần 200 năm trước, người làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh (Duy Xuyên) có nghề làm chổi đót nổi tiếng nhất vùng. Từng đoàn người rủ nhau lên núi Hòn Tàu thu hoạch đót rồi về bện làm chổi. Một vài người thợ giỏi, bện đót từ dây mây rất chặt, đều và đẹp. Kỹ thuật được lưu truyền qua nhiều đời, phát triển đến ngày nay, để Chiêm Sơn được công nhận là làng nghề.

NGHE NHAN 13
Ông Nguyễn Nhất Tuấn với chiếc chổi đốt đã cải tiến của mình. Ảnh: Q.V

Ông Nguyễn Nhất Tuấn là truyền nhân đời thứ 4 của nghề làm chổi đót ở Chiêm Sơn. Ông Tuấn kể, ông cố của mình ngày trước cũng mưu sinh bằng việc lên núi cắt đót về bện chổi mang đi bán những lúc nông nhàn. Sau này đến đời ông nội và cha ông Tuấn thì cải tiến dần mẫu mã sản phẩm và sống tốt được với nghề. Những năm 1990, chổi đót của nhà ông Tuấn và nhiều hộ khác ở làng Chiêm Sơn được đưa đi xuất khẩu sang Nga và các nước Đông Âu khác.

Sau này, khi xã hội phát triển, các loại chổi công nghiệp xuất hiện với nhiều tính năng tiện dụng, nghề chổi đót ở làng Chiêm Sơn bị ảnh hưởng khá nhiều. Một số người người bỏ nghề chuyển sang làm công nhân, số còn lại cũng cố gắng ngụp lặn một thời gian, rồi cũng tha hương làm ăn. Duy chỉ có hộ ông Tuấn còn giữ nghề.

NGHE NHAN 14
Chổi đốt của ông Tuấn được nhiều người đón nhận. Ảnh: Q.V

Quyết không để nghề truyền thống bị mai một, ông Tuấn nghĩ cách cải tiến. Vẫn giữ cách bện chổi bằng trụ để đảm bảo chắc chắn, song ông thay đổi nguyên liệu, mẫu mã để sản phẩm bắt mắt, tay cầm nhẹ hơn. Đặc biệt, quy trình phơi đốt được chú trọng hơn để chổi thành phẩm không còn bám bụi.

Hồi trước cái nhà ba gian nhỏ, quét vài đường chổi là sạch, giờ nhà rộng tới 300 - 500m2, cái chổi nặng 2-3kg như trước đây thì không ai cầm nỗi. Cạnh đó, nhà bây giờ hầu hết đều lát gạch men, lát đá chứ không còn nền đất như ngày trước. Để sản phẩm phù hợp với thị trường, nhu cầu sử dụng buộc phải thay đổi và cải tiến.

Ông Nguyễn Nhất Tuấn - Hợp tác xã Nông nghiệp, thương mại chổi đót Nhất Tuấn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên)

NGHE NHAN 15
Truyền nhân của ông Tuấn trình diễn nghề tại tại Festival Nghề truyền thống Quảng Nam 2024. Ảnh: Q.V

Hiện nay chổi đót của ông Tuấn đạt chứng nhận OCOP 3 sao và được nhiều khách hàng đánh giá cao trong các đợt xúc tiến thương mại. Ông thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp, thương mại chổi đót Nhất Tuấn và tuyển dụng người trong làng cùng phát triển lại nghề truyền thống.

“Chổi là vật dụng mà phần lớn gia đình nào cũng cần, cứ đến kỳ lại phải thay cái mới, nên nghề này vẫn còn phát triển được. Phải vận dụng linh hoạt giá trị truyền thống vào sản xuất những sản phẩm hiện đại mới tạo nên sự khác biệt. Chỉ cần sống được với nghề thì làng Chiêm Sơn không sợ thất truyền hay mai một” - ông Tuấn nói.

[VIDEO] - Ông Nguyễn Nhất Tuấn chia sẻ về quá trình thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thị trường:

* * *

Quảng Nam hiện có 54 nghệ nhân, thợ giỏi, tập trung nhiều ở các địa phương Hội An, Điện Bàn và Duy Xuyên. Trong đó, nghệ nhân nhân dân có 2 người: ông Huỳnh Ri ở làng mộc Kim Bồng (TP.Hội An) và ông Nguyễn Văn Tiếp ở làng mộc Đông Khương (thị xã Điện Bàn). Cạnh đó còn có 9 nghệ nhân ưu tú; 23 nghệ nhân và 20 thợ giỏi.

NGHE NHAN 1
UBND tỉnh tổ chức tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi của Quảng Nam. Ảnh: Q.V
NGHE NHAN NGAY 16
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp (áo vàng) thực hiện nghi lễ rước linh vị bách tổ nghệ Quảng Nam trong Festival Nghề truyền thống Quảng Nam 2024. Ảnh: Q.V

Những năm qua, lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành đã rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề, nghề truyền thống. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến yếu tố con người của làng nghề. Ngoài việc tổ chức công nhận, vinh danh, hỗ trợ lập hồ sơ thợ giỏi, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân thì Quảng Nam còn có cơ chế hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho những người đang làm nghề tại các làng nghề truyền thống được công nhận.

Để phát huy hơn nữa tính hiệu quả của các chính sách, đồng thời gìn giữ, phát triển giá trị văn hóa làng nghề, việc công nhận thợ giỏi, nghệ nhân cũng cần có những tiêu chí rõ ràng hơn nữa. Ngoài việc quan tâm đến tài năng của người thợ thì cũng chú ý hơn cái tâm của họ với nghề, với cộng đồng làng xã. Để mỗi người được công nhận nghệ nhân, thợ giỏi nỗ lực phấn đấu vì cái chung của làng nghề xứ Quảng.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp – Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam

[VIDEO] - Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp chia sẻ về tầm quan trọng của việc truyền nghề trong bảo tồn, phát triển làng nghề:

PHAN VINH - HỒ QUÂN thực hiện

PHAN VINH - HỒ QUÂN