Giáo dục - Việc làm

Nhiều nỗi lo trước năm học mới

HỒ QUÂN - HOÀNG ĐẠO 02/09/2024 16:30

(QNO) – Chỉ còn ít ngày nữa là bước vào năm học mới 2024 - 2025, song vẫn còn đó không ít nỗi lo về cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên và sự học nói chung đối với học sinh, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

NAM HOC MOI 1
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới ở Bắc Trà My. Ảnh: H.Q

Nhiều hạng mục trường lớp chưa hoàn thiện

1. Sau nhiều năm sử dụng, chịu ảnh hưởng các đợt mưa bão, Trường Mẫu giáo Bình Phú (ở xã Bình Phú, Thăng Bình) xuống cấp trầm trọng. Cô giáo Nguyễn Thị Lợi - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhiều phòng học bị mối mọt làm hư hại, mái che xuống cấp nhiều phần, sân trường bị bong tróc. Những lần sửa chữa nhỏ thời gian qua chỉ là giải pháp tạm thời, đáp ứng trước mắt nhu cầu học tập và an toàn cho học sinh. Về lâu dài cần được đầu tư xây mới.

NAM HOC MOI 2
Phần mái của Trường Mẫu giáo Bình Phú (ở xã Bình Phú, Thăng Bình) nhìn từ trên cao đã xuống cấp và chắp vá. Ảnh: H.Đ

Đã nhiều lần kiến nghị đến chính quyền các cấp, song vì nhiều lý do nên từ năm 2020 đến nay, ngôi trường mẫu giáo duy nhất ở xã Bình Phú này vẫn chưa được đầu tư như mong muốn. Do đó, suốt nhiều năm qua, khi mùa mưa đến, cô trò lại nơm nớp lo sợ mái ngói bị thủng sẽ đổ nước xuống; tường ẩm mốc ảnh hưởng môi trường học tập, sức khỏe của trẻ.

Điều đáng buồn là phụ huynh không tin tưởng cơ sở vật chất nhà trường sẽ đảm bảo an toàn, nên họ đã tìm cách gửi con đến học ở các địa phương lân cận có điều kiện an toàn hơn.

Cô giáo Nguyễn Thị Lợi - Trường Mẫu giáo Bình Phú (ở xã Bình Phú, Thăng Bình)

Toàn huyện Thăng Bình có 70 trường công lập và 5 trường mầm non tư thục, với mạng lưới trường lớp được phân bố hợp lý. Theo ông Lê Cao Lan - Trưởng phòng GD-ĐT huyện, thực tế có rất nhiều trường học đang trong tình cảnh thiếu bàn ghế; tường rào, cổng ngõ xuống cấp không được sửa chữa kịp thời. Một số trường chưa đủ phòng học để tổ chức các lớp dạy 2 buổi/ngày, tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học, tổ chức dạy trên 6 buổi/tuần cho học sinh khối THCS.

Ông Lan nhận định, khó khăn này là do quy mô trường lớp lớn, địa bàn quản lý rộng, trong khi nguồn lực đầu tư chưa theo kịp yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đã dẫn đến việc hạ tầng xuống cấp, thiết bị dạy và học thiếu thốn.

[VIDEO] - Cô giáo Nguyễn Thị Lợi – Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Bình Phú (xã Bình Phú, Thăng Bình) chia sẻ về tình trạng xuống cấp của cơ sở vật chất nhà trường:

2. Tại Bắc Trà My, năm học 2024 – 2025, toàn huyện có 41 đơn vị trường học, với tổng số học sinh là 11.603 em. Ngoài ra, huyện còn có 112 điểm trường, trong đó còn nhiều điểm trường lẻ, học sinh ít do giao thông đi lại khó khăn, khu dân cư xa so với trường chính, học sinh nhỏ tuổi.

NAM HOC MOI 3
Ngành giáo dục Bắc Trà My đang tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới. Ảnh: H.Q

Để đảm bảo việc dạy và học trong năm học mới, vừa qua huyện Bắc Trà My đã bàn giao, đưa vào 17 công trình trường học; khởi công xây dựng thêm 4 công trình khác; tiến hành sơn sửa lại một số trường học. Tuy nhiên, tiến độ một số công trình còn chậm, chưa kịp bàn giao cho năm học mới.

NAM HOC MOI 4
Nhiều hạng mục Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nước Oa (Bắc Trà My) đã xuống cấp, song việc đầu tư, sửa chữa không kịp thời trước thềm năm học mới 2024 - 2025. Ảnh: H.Q

Theo ông Nguyễn Thanh Tú - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bắc Trà My, kinh phí sửa chữa trường lớp học trên 100 triệu đồng phải qua thủ tục đấu thầu, quy trình thực hiện thời gian dài, không kịp cho năm học mới. Nhiều trường học chưa đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, nhất là thiếu phòng làm việc, phòng thí nghiệm thực hành, phòng thư viện… Thiết bị dạy học tối thiểu chưa đảm bảo do UBND tỉnh mới cấp kinh phí mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu đối với lớp 2 và lớp 6; còn thiết bị dạy học tối thiểu lớp 3, 4, 5 và 7, 8, 9 chưa được cấp kinh phí.

Ghi nhận tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nước Oa (Bắc Trà My) thì cơ sở vật chất đã xuống cấp khá nhiều, song việc sửa chữa chậm trễ so với những năm trước. Trường vẫn đang trong quá trình hoàn thiện quy trình để tổ chức đấu thầu xây dựng, sửa chữa. Nguyên nhân, do thầy cô chưa có kinh nghiệm, chuyên môn trong việc xây dựng hồ sơ đấu thầu. Trường hợp hoàn thiện các thủ tục theo quy định thì đã vào mùa mưa, việc thi công khó khăn, ảnh hưởng việc dạy và học.

[VIDEO] - Thầy Nguyễn Xuân Ảnh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nước Oa (Bắc Trà My) chia sẻ về chậm sửa chữa cơ sở vật chất:

Theo ông Thái Viết Tường – Giám đốc Sở GD-ĐT, việc giải ngân các khoản đầu tư ở các trường hiện đang được phân cấp. Cụ thể, ở cấp mầm non, tiểu học, THCS do UBND cấp huyện quản lý; còn cấp THPT do Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Song tỉ lệ giải ngân các dự án đang thấp.

“Dù đầu tư, xây dựng, sửa chữa trường lớp không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Sở GD-ĐT, nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên kiểm tra, đồng hành, làm việc với chủ đầu tư. Qua đó, đảm bảo thực hiện các dự án theo đúng quy trình, quy định và tạo điều kiện tốt nhất để đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao tỉ lệ giải ngân. Về vấn đề đấu thầu sửa chữa, xây dựng, mua sắm trang thiết bị trong ngành giáo dục, chúng tôi đang chỉ đạo các trường phải làm việc thận trọng, chặt chẽ đúng quy định và sớm khắc phục tình trạng chậm trễ, đảm bảo chất lượng dạy và học” – ông Tường cho biết.

Bài toán thiếu giáo viên

HĐND tỉnh vừa ban hành Nghị quyết 21 về quyết định số lượng hợp đồng trong đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên năm học 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên chỉ tiêu được giao này chỉ dựa trên số liệu của ngành giáo dục cuối năm học 2023-2024, chưa tính số giáo viên chuyển đi trong đầu năm học này.

NAM HOC MOI 7
Thiếu giáo viên ở vùng cao vẫn là bài toán nan giải. Ảnh: H.Q

Như huyện miền núi Bắc Trà My được giao 52 chỉ tiêu, song vừa có 13 giáo viên chuyển đi ngoài huyện và có 3 giáo viên chuyển đến. Chưa kể, số lớp bán trú ở bậc học mầm non lên 19 lớp (tương đương với thiếu 19 giáo viên). Như vậy, ngành giáo dục Bắc Trà My thiếu tổng cộng 75 giáo viên, song chỉ tiêu giao chỉ đáp ứng khoảng 70%. Điều này gây khó khăn trong phân công giảng dạy năm học 2024-2025.

Ngoài ra, Bắc Trà My còn thiếu nhiều giáo viên ở bậc học mầm non, tiểu học, nhất là giáo viên Anh văn dạy tự chọn cho lớp 1, lớp 2; xuất hiện tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các trường học.

NAM HOC MOI 8
Điều động giáo viên giữa trường thừa và trường thiếu là giải pháp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cục bộ. Ảnh: H.Đ

Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, huyện đã điều động giáo viên giữa trường thừa và trường thiếu; xây dựng kế hoạch việc dạy liên trường; vận động giáo viên dạy tăng tiết để chi trả chế độ tăng thay cho giáo viên. Đáng chú ý, huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức thi tuyển viên chức ngành giáo dục và đào tạo năm 2024, với số lượng đăng ký thi tuyển là 99 chỉ tiêu.

Hiện số biên chế cấp có thẩm quyền giao chưa đủ so với số lượng người làm việc theo Quyết định 2428 ngày 4/9/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học gắn với việc bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục tỉnh đến năm học 2024 - 2025. Đề nghị UBND tỉnh bố trí số lượng biên chế đảm bảo tỉ lệ giáo viên giảng dạy 2 buổi/ngày và đảm bảo số lượng người làm việc cho các đơn vị.

Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My

Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, năm học 2024 - 2025 toàn ngành có 27.165 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó, số lượng giáo viên là 20.158 người. Để có con số này, vừa qua 13/18 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức phương án thi tuyển, tuyển dụng giáo viên. Đáng mừng 4 địa phương là Đại Lộc, Điện Bàn, Phước Sơn, Duy Xuyên đã tuyển dụng được 506 giáo viên, nhân viên.

Riêng khối THPT, Sở GD-ĐT đã tuyển dụng 232 giáo viên và nhân viên. Trong đó có nhiều giáo viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi. Đây là điều kiện quan trọng để Sở GD-ĐT phân bổ về các địa phương miền núi, từng bước hiện thực hóa mục tiêu địa phương hóa giáo viên miền núi để giảm thiểu tình trạng thiếu giáo viên ở khu vực này.

Dù vậy đội ngũ giáo viên còn thiếu khá nhiều, nhất là ở các huyện miền núi cao, chủ yếu là các môn tin học, mỹ thuật, âm nhạc và giáo viên cấp cấp tiểu học.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT trao quyết định tuyển dụng và phân công công tác cho GV trúng tuyển năm 2022. Ảnh: X.P
Sở GD-ĐT Quảng Nam trao quyết định tuyển dụng và phân công công tác cho giáo viên trúng tuyển. Ảnh: X.P

Bằng các giải pháp tuyển dụng, hợp đồng, tăng tiết dạy, thậm chí là dạy liên trường, chúng tôi đang chuẩn bị các điều kiện đội ngũ một cách tốt nhất cho năm học mới 2024-2025, cơ bản đảm bảo công tác tổ chức dạy và học.

Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam

[VIDEO] - Ông Thái Viết Tường kiến nghị về giải pháp xử lý tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh:

Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho năm học mới

Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh có 725 trường công lập, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên, với tổng số học sinh là 354.403 em; 70 trường ngoài công lập với 27.260 học sinh. Các đơn vị đã đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học, sửa chữa cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng cho năm học mới. Theo đó, đã sửa chữa 558 phòng học với kinh phí hơn 73,1 tỷ đồng, xây mới 407 phòng học với kinh phí hơn 363 tỷ đồng và mua sắm trang thiết bị dạy học hơn 98,5 tỷ đồng.

NAM HOC MOI 10
Các trường chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: H.Q

Năm học 2024 - 2025 là năm rất quan trọng khi toàn ngành thực hiện việc giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, quan trọng nhất là các lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Đáng chú ý, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều điểm mới. Bên cạnh 2 môn Toán và Văn bắt buộc thì học sinh có thể chọn 2 môn tự chọn.

NAM HOC MOI 9

Vừa qua, Sở GD-ĐT đã tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT theo chương trình mới ngay từ đầu năm. Trong đó tập trung định hướng cho học sinh lớp 12 chọn môn thi phù hợp năng lực, từ đó xây dựng kế hoạch giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh phù hợp và tạo tâm thế tốt nhất, hướng tới một kỳ thi đạt kết quả tốt nhất.

Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam:

Cùng với công tác dạy và học, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện tốt chương trình sữa học đường; tăng cường văn hóa công vụ đối với đội ngũ giáo viên; kiểm soát chặt chẽ các khoản thu - chi đầu năm học. Đồng thời kiến nghị các cấp tiếp tục quan tâm đầu tư hơn nữa cho ngành giáo dục, nhất là việc xóa các điểm trường tạm, sắm sửa thiết bị dạy học và sớm thông qua chủ trương miễn học phí cho học sinh trong năm học này.

[VIDEO] - Ông Thái Viết Tường chia sẻ về việc chấn chỉnh các khoản thu đầu năm, tránh gây dư luận không tốt đối với ngành giáo dục:

NAM HOC MOI 12
Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới ở Bắc Trà My. Ảnh: H.Q

Trong chuyến kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới vừa qua, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành giáo dục rà soát, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện chuẩn bị cho năm học mới. Trong đó tập trung tổ chức lễ khai giảng chu đáo, ấn tượng, tươi vui để tạo động lực cho giáo viên, học sinh có một năm học mới gặt hái nhiều thành công.

NAM HOC MOI 11
Các trường chuẩn bị chu đáo cho năm học mới. Ảnh: H.Q

Đồng thời, yêu cầu các địa phương tập trung công tác vận động, đảm bảo không xảy ra trường hợp học sinh bỏ học vì lý do kinh tế; linh hoạt bố trí nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia để sửa chữa các điểm trường. Đề nghị UBND sớm hoàn thành Đề án xây dựng, sửa chữa trường lớp định hướng đến năm 2030.

[VIDEO] - Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới ở Bắc Trà My:

Nội dung: HỒ QUÂN - HOÀNG ĐẠO

Trình bày: LÊ MỸ

HỒ QUÂN - HOÀNG ĐẠO