Ăn nửa buổi giữa cánh đồng
Dường như chỉ có người Quảng mới nói “ăn nửa buổi” để chỉ bữa ăn đệm giữa hai bữa sáng và trưa. Bữa nửa buổi thường dành cho những người làm việc trên đồng nắng gắt...
Nét ẩm thực thú vị
Dân Quảng cũng phân biệt rất rạch ròi rằng: “ăn nửa buổi” là bữa ăn thuộc buổi sáng, tầm khoảng 9h đến 10h sáng. Còn bữa ăn từ 3h chiều thì gọi là “ăn bửa xế”. Trong khi đó ở Huế, người ta gọi chung là “ăn bữa lỡ/lợ”.
Cũng là Quảng Nam nhưng có nhiều nơi thay vì gọi là “ăn nửa buổi” để chỉ thời gian bữa ăn thì lại dùng cụm từ “ăn uống nước”.
Nhiều khi ngồi nghĩ vẩn vơ, thì đằng nào ăn xong cũng phải uống nước, sao ông bà mình lại gọi bữa ăn phụ là “ăn uống nước”? Thôi thì ngôn ngữ đôi khi chỉ là thói quen sử dụng mà thành, chỉ còn cách ráng học lời ăn tiếng nói người Quảng để hiểu thấu sự tình.
Mà kể cũng lạ, trong hai buổi ăn lúc “nửa buổi” và “xế” cũng có phân lượng rạch ròi. Bữa “ăn nửa buổi” thường cả chất và lượng đều hoành tráng hơn bữa xế rất nhiều.
Ví như bữa nửa buổi thường các món mặn như mỳ Quảng, bánh bèo, bánh đúc, bánh gói… thì bữa xế lại thiên về món ngọt như chè, khoai sắn, khoai chà…
Thậm chí bữa xế đối với người lao động, có thì tốt, mà không cũng chẳng sao… Sự có mặt không thể thiếu được bữa ăn phụ này trong đời sống nông thôn đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực khá thú vị của người dân xứ Quảng.
Ngày trước, bữa cơm chỉ có rau với mắm nên người đi làm thuê, thậm chí cả người trong nhà cũng trông ngóng đến ngày đi làm đồng để được ăn nửa buổi cho thỏa cái dạ.
Cứ tưởng tượng, khoảng tầm lưng buổi sáng, mặt trời lên quá ngọn tre, mấy củ khoai sắn vừa ăn lót dạ lúc sáng đã bay vèo theo công việc làm đồng.
Tay chân bắt đầu bải hoải, cơ thể cần nạp thêm năng lượng để hoạt động… thì kia rồi. Từ đằng xa đã thấy bóng người gánh hai đầu hai cái thúng được đậy bằng lá chuối đang dò dẫm bước trên bờ ruộng nhỏ hẹp. Đó là tín hiệu chủ nhà đang đem đồ ăn nửa buổi cho thợ.
Đẫm sắc đồng quê
Những bữa ăn trên ruộng, ai đã từng một lần nếm thử sẽ chẳng thể nào quên hương vị đẫm sắc màu đồng quê. Cảm giác ngồi giữa cánh đồng hây hây gió, dậy mùi lúa chín và bùn đất ăn tô mỳ Quảng, đôi chén bánh bèo hay vài ba cái bánh gói, bánh nậm… cùng đám thợ gặt trong làng mới thú vị làm sao.
Thời ấy nghèo nên các món nước nhưn mỳ Quảng được nấu bằng cá chuồn, một loại cá “quốc dân” ngon, bổ, rẻ, hay cá tràu (cá lóc) vừa mới câu được hôm qua. Nhà nào khá khẩm thì làm mỳ nhưn tôm thịt. Nhưng tựu trung mỳ nhiều, nhưn ít, chủ yếu là lấp đầy cái dạ dày đang “biểu tình” của những lực điền vốn sức vóc vật trâu cũng ngã.
Ăn ngoài đồng, sướng nhất là chẳng có nghi thức chào mời kiểu cách, chẳng cần giữ ý hay khách sáo. Chân tay lấm lem bùn đất chỉ cần lội xuống mương nước rửa sơ qua, thậm chí quẹt vào quần vài lần là có thể cầm đũa.
Ăn xong làm bát nước chè xanh, nghỉ một chút cho “xuống cơm” hay quây quần nghe các cây tiếu lâm cấp làng xã kể chuyện rồi mới xuống ruộng làm tiếp..
Người ta nói, bây giờ nông dân làm ruộng nhàn nhã lắm. Nông thôn mới về tận ngõ làng quê. Cày, cuốc, sạ, gặt hái đều có máy móc lo tất tần tật nên nông dân chỉ làm những việc lặt vặt. Chính vì vậy, thợ cày, thợ cấy, thợ gặt cũng không còn đất sống.
Ngay cả tập quán “vần công” cũng dần mất hẳn nên chủ ruộng cũng không cần đãi thợ ăn nửa buổi, hay bữa xế nữa. Còn mấy bác lái máy cày, máy gặt đập liên hợp thì nghỉ giải lao là phóng xe máy ra hàng quán đầu làng ăn bún bò, bánh canh… chớ mấy ai đem theo đồ ăn cho phiền phức.
Đó là lý do mà những bữa ăn nửa buổi giữa đồng nay chỉ còn là ký ức quê nhà. Mà nếu ước muốn ăn lại một bữa hao hao như thế cũng khó có không khí như xưa.
Những nhớ thương khắc khoải ấy khiến “con người nhà quê” trong mỗi chúng ta cựa quậy, muốn rời bỏ những quán ăn bí bách, nhà hàng sang trọng, máy lạnh mà tìm lại chút hương xưa…
Xu hướng tạm rời bỏ thị thành chật hẹp tìm về chốn quê với những món ăn mẹ nấu đã kích cầu cho du lịch và ẩm thực đồng quê. Chỉ riêng ở mảnh đất Hội An thôi đã có rất nhiều quán cà phê, nhà hàng lấy view là ruộng lúa mênh mông.
Tại đây khách có thể vừa nhâm nhi ly cà phê, thưởng thức những món ăn Quảng Nam đậm mùi quê kiểng giữa đồng ruộng mênh mông mà ngỡ mình ngược thời gian trở về thời xa vắng. Ở đó mẹ già thức đêm tráng mỳ, gói bánh để chuẩn bị bửa ăn nửa buổi cho thợ gặt, thợ cấy ngày mai…