Điện Thọ phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách
(QNO) - Tín dụng chính sách xã hội triển khai trên địa bàn xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn) đã phát huy hiệu quả trong tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, góp sức xây dựng nông thôn mới.
Năm 2020, từ nguồn vốn vay 90 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thị xã Điện Bàn và các nguồn lực khác, ông Phan Quang Tám (thôn Phong Thử 1, xã Điện Thọ) đầu tư mô hình nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch sinh thái trên phạm vi 1,2ha ở thôn Nông Sơn 1 (xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn). Ông Tám trồng 150 gốc bưởi da xanh, 500 gốc ổi ruột đỏ, 100 gốc mít Thái Lan.
Ông Tám dùng phân vi sinh, chế phẩm sinh học bón phân chuồng cho cây trồng chứ không dùng phân hóa học, các loại hóa chất kích thích sinh trưởng. Nhờ đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm và thơm, ngon nên các loại trái cây ổi, mít, bưởi của ông được người tiêu dùng đón nhận dù bán với giá cao hơn khá nhiều so với mặt bằng thị trường.
Cạnh đó, ông Tám cũng đã bố trí một ao sen rộng lớn, trồng thêm các loại hoa để phục vụ du lịch. Ông tính toán, chỉ riêng doanh thu từ bán trái cây ăn quả đem lại mỗi năm gần 500 triệu đồng, lãi hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, ông đầu tư thêm các khu vui chơi, ẩm thực, thưởng ngoạn để phục vụ du lịch sinh thái, kỳ vọng đạt doanh thu cao.
Ở xã Điện Thọ có rất nhiều mô hình làm kinh tế nổi bật từ vốn tín dụng chính sách như chăn nuôi bò 3B, chăn nuôi bò nhốt chuồng, trồng cây ăn quả, kinh tế vườn và trang trại, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là thực hiện dịch vụ nấu ăn cho các đám tiệc trong và ngoài tỉnh.
Tiêu biểu như hộ bà Nguyễn Thị Quý (thôn Châu Lâu) vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Điện Bàn đầu tư dịch vụ nấu ăn hiệu quả lớn. Bà Quý đã tận dụng các nguồn nguyên liệu thực phẩm đa dạng, tươi ngon của địa phương như gà thả vườn, bò thịt, các loại rau quả, hoa màu… cộng với các loại hải sản tươi sống vùng biển ngang để nấu ăn phục vụ cho các tiệc cưới, hỏi, tân gia khắp các vùng Đại Lộc, Hội An, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Chính nhờ dịch vụ nấu ăn uy tín đã đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho bà Quý.
Theo ông Mai Phước Thành - Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Thọ, tổng dư nợ cho vay tín dụng chính sách do đơn vị quản lý hiện nay là 32 tỷ đồng với hơn 500 hộ vay. Hội Nông dân xã phối hợp chặt chẽ với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Điện Bàn tuyên truyền sâu rộng về tín dụng chính sách; bình xét cho vay công khai, dân chủ; đưa vốn đến hộ nghèo, chính sách để người dân đầu tư làm kinh tế; đầu tư công trình nước sạch, vệ sinh; cho con ăn học đại học…
“Cùng với nhận vốn ủy thác của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Điện Bàn để đưa đến hộ có nhu cầu vay, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tổ chức cho người nông dân tham quan học tập các mô hình làm ăn đạt cũng như tập huấn phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt mới mẻ, hiệu quả để người nông dân vận dụng thành công trong thực tiễn” - ông Thành nói.
Bà Phan Thị Thu Sương - Chủ tịch UBND xã Điện Thọ cho biết, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn hiện nay là 60 tỷ đồng. Vốn chính sách đã giúp hộ nghèo, chính sách vay vốn làm ăn góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen ở khu vực nông thôn. Vốn ưu đãi đã giúp nhiều hội viên xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập.
“Tín dụng chính sách đã giúp chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn nâng lên rõ rệt. Diện mạo làng quê Điện Thọ ngày càng khang trang hơn. Nhiều gia đình nghèo đã nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định nhờ tín dụng chính sách” - bà Sương nói.