Về nơi phát tích nhà Tây Sơn
(QNO) - Đến thăm Khu bảo tàng Quang Trung (Bình Định) nơi vườn nhà cũ của gia đình nhà Tây Sơn, du khách hiểu rõ hơn về người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ và “Tây Sơn tam kiệt”. Đây chắc chắn sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ trong hành trình khám phá văn hóa và lịch sử Việt Nam của mỗi người.
Khu bảo tàng Quang Trung rộng gần 18ha nằm bên cạnh bờ bắc Sông Côn, thuộc làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cách TP.Quy Nhơn 45km. Đây cũng chính là quê hương “Tây Sơn tam kiệt” Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ, còn lưu giữ những yếu tố gốc như vườn nhà cũ, giếng nước xưa, cây me cổ thụ hơn 200 năm tuổi...
Tất cả hài hòa trong tổng thể không gian văn hóa Di tích đền thờ Tây Sơn tam kiệt, Tượng đài Hoàng đế Quang Trung, Nhà trưng bày hiện vật, Nhà biểu diễn nhạc võ Tây Sơn, Nhà rông văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.
Khu bảo tàng Quang Trung được xây dựng và khánh thành vào ngày 24/12/1977, nhằm tưởng nhớ và vinh danh công lao to lớn của Hoàng đế Quang Trung trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Nguyễn Huệ, với tài năng quân sự xuất chúng và tư duy chiến lược sáng suốt đã trở thành một trong những vị tướng kiệt xuất nhất trong lịch sử Việt Nam. Chiến thắng lẫy lừng của ông trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa vào năm Kỷ Dậu (1789) đã đánh tan 29 vạn quân Thanh, bảo vệ vững chắc nền độc lập của Đại Việt trước nguy cơ bị xâm lược.
Khu bảo tàng được thiết kế theo kiến trúc truyền thống Việt Nam với những mái ngói cong, những cột kèo bằng gỗ chắc chắn, vừa cổ kính vừa thiêng liêng, hài hòa với không gian cây cối xanh mát và tĩnh lặng.
Bên trong bảo tàng, các hiện vật được trưng bày một cách khoa học, theo từng chủ đề và thời kỳ lịch sử, giúp khách tham quan dễ dàng hiểu rõ hơn về những chiến công và sự nghiệp của nhà Tây Sơn.
Hệ thống trưng bày theo tiến trình lịch sử của phong trào Tây Sơn thế kỷ 18 với các chủ đề: bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam trước khởi nghĩa Tây Sơn; nguồn gốc quê hương, gia tộc; giai đoạn chuẩn bị khởi nghĩa; chống các thế lực phong kiến Lê, Trịnh, Nguyễn thống nhất đất nước; chống ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc, trọng tâm là chiến thắng quân Xiêm và đại phá quân Thanh; công cuộc xây dựng đất nước của vương triều Tây Sơn; vua Quang Trung trong lòng dân tộc.
Khu trưng bày chính bao gồm nhiều hiện vật quý giá như kiếm, áo giáp, cờ lệnh của Quang Trung, các bản đồ, chiến lược quân sự và những tài liệu liên quan đến các trận đánh lớn của ông.
Ngoài ra, bảo tàng còn có khu vực trưng bày các hiện vật về đời sống sinh hoạt, văn hóa của nhân dân thời kỳ Tây Sơn, giúp tái hiện một cách sinh động cuộc sống và tinh thần của người dân trong giai đoạn lịch sử này.
Đến thăm bảo tàng, du khách có thể viếng hương tưởng niệm những người anh hùng áo vải nhà Tây Sơn tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Tây Sơn tam kiệt, tọa lạc ngay vườn nhà cũ của anh em Tây Sơn cùng Đền thờ song thân Tây Sơn tam kiệt, với giếng nước xưa, cây me cổ thụ hiện vẫn còn.
Tại đây còn có đền thờ các danh tướng Đô đốc Bùi Thị Xuân, Đại Tư đồ Võ Văn Dũng…
Khu đền thờ này cũng là nơi tổ chức các lễ hội, nghi thức tưởng nhớ và tôn vinh những người anh hùng đã cống hiến cho đất nước. Mỗi năm vào dịp tết nguyên đán, khu đền thờ này trở thành nơi tổ chức lễ hội Đống Đa - một lễ hội truyền thống thu hút hàng nghìn du khách từ khắp nơi đổ về tham dự, tưởng nhớ chiến thắng lịch sử và tôn vinh tinh thần dân tộc.
Đến khu bảo tàng, thưởng thức chương trình biểu diễn nhạc võ cổ truyền Tây Sơn - Bình Định là điều du khách không thể bỏ qua. Đây là nét văn hóa đặc sắc, di sản văn hóa phi vật thể thời Tây Sơn được lưu truyền và phát huy giá trị.
Đó là nhạc lễ trống trận Tây Sơn, ra đời từ phong trào Tây Sơn, mang khí phách hào hùng của dân tộc. Bộ trống sử dụng 12 chiếc tượng trưng thập nhị can chi với tiết tấu chia làm ba hồi: xuất quân, xung trận hãm thành và khúc khải hoàn mừng chiến thắng. Đi cùng với nền nhạc trống là phần biểu diễn võ thuật cổ truyền Tây Sơn rất mãn nhãn.
Khu bảo tàng Quang Trung không chỉ là một điểm tham quan lịch sử mà còn là một trung tâm giáo dục văn hóa quan trọng. Bảo tàng thường xuyên tổ chức các chương trình giáo dục lịch sử, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về quá khứ hào hùng của dân tộc, từ đó khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc.
Hằng năm, Bảo tàng Quang Trung đón tiếp và phục vụ hơn 150.000 lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Đặc biệt là Lễ hội Đống Đa có năm đón đến 30.000 lượt khách về dự hội.