Văn hóa

Thích ứng từ thành phố sáng tạo

TẤN CHÂU - LÊ QUÂN 05/09/2024 09:43

(VHQN) - Sau gần một năm tính từ ngày được công nhận danh hiệu thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian, những người làm nghề ở Hội An tìm cách thích ứng và phát triển.

z4837515584871_801cefef19820e1975161faf91acbc85.jpg
Hội An - thành phố sáng tạo hướng đến cộng đồng và phát huy vai trò, trách nhiệm của các chủ thể. Ảnh: Q.T

Nghệ nhân Võ Đình Hoàng - chủ cơ sở sản xuất lồng đèn Dé Latana Hội An cho biết, những nghề thủ công ở Hội An hiện phụ thuộc chủ yếu vào thị trường du lịch. Thay đổi mẫu mã và kiểu dáng là điều đặt ra để thích ứng với thị trường.

“Sản phẩm phải đi đôi vừa truyền thống vừa hiện đại. Từ đó mới đưa sản phẩm thủ công đến được nhiều thị trường. Không nên quan niệm những sản phẩm thủ công là sản phẩm cũ xưa, như vậy rất khó hội nhập” - ông Võ Đình Hoàng nói.

Nhìn nhận thách thức không nhỏ đối với người làm nghề truyền thống hiện nay gặp phải ở khâu liên kết, từ liên kết để tìm nguồn cung nguyên vật liệu đến kết nối giữa các cơ sở, đơn vị lữ hành, ông Hoàng cho rằng, chỉ liên kết mới giúp nghề phát triển. Hỗ trợ về kết nối cung cầu cũng là điều người làm nghề mong muốn.

Sản phẩm thủ công đóng vai trò như “chỉ dẫn địa lý” của vùng đất. Đặc biệt, tri thức dân gian trong đó có nghề thủ công truyền thống là điều sống còn tạo nên không gian Hội An.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của Quảng Nam rất đa dạng và mang tính đặc trưng.

Tại Hội An, tính cộng sinh, tương hỗ giữa các làng nghề sẽ góp phần để mở ra cơ hội phát triển cho làng nghề. Việc tổ chức giới thiệu làng nghề truyền thống thông qua các kỳ lễ hội là cách tạo nên nhịp cầu kết nối giữa những vùng đất làm nghề truyền thống.

Từng tham gia Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, nghệ nhân Võ Tấn Tân cho rằng, Hội An được công nhận danh hiệu Thành phố sáng tạo là cơ hội lớn cho những người làm nghề truyền thống. Danh hiệu này tạo nên một sân chơi mới và tạo điều kiện để người làm nghề thủ công giao lưu và quảng bá sản phẩm ra với thế giới.

“Cũng danh hiệu này đặt ra áp lực cho những người làm nghề truyền thống luôn phải tìm tòi đổi mới sáng tạo để những sản phẩm có hơi thở mới hơn và có thiết kế tốt để quảng bá được hình ảnh vùng đất của mình thông qua sản phẩm” - nghệ nhân Võ Tấn Tân nói.

Mỗi địa phương sẽ được sở hữu danh hiệu do UNESCO công nhận trong vòng 4 năm. Sau thời gian này, UNESCO sẽ xem xét các tiêu chí để tiếp tục công nhận danh hiệu cho địa phương.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - chuyên gia về đô thị cho rằng, nếu một ngày nào đó, phần lớn chủ nhân của Hội An là người nhập cư từ nơi khác đến, mang những phong cách kinh doanh, sản xuất, giao tiếp hoàn toàn mới lạ thì danh hiệu thành phố sáng tạo về thủ công và nghệ thuật dân gian không còn nữa.

Mới đây, HĐND TP.Hội An thông qua đề án xây dựng Hội An – Thành phố sáng tạo giai đoạn 2024-2027, định hướng đến năm 2030.

Đây là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện hiệu quả các cam kết khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO cũng như đề xuất và vận dụng các chính sách để biến văn hóa thành nguồn lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương. Các sáng kiến cấp địa phương đã được vạch ra và xây dựng theo lộ trình cụ thể.

Dòng chảy sáng tạo và di sản, bắt đầu từ những dịch chuyển tích cực của mỗi sản phẩm truyền thống, mỗi người thợ, nghệ nhân làng nghề, mới là sự phát triển bền vững.

TẤN CHÂU - LÊ QUÂN