Thương mại - Dịch vụ

Sản phẩm làng nghề xứ Quảng thích ứng thị trường

KHÁNH LINH 06/09/2024 10:15

Thiết kế, cải tiến mẫu mã; ứng dụng nguyên liệu bản địa vào sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên nền tảng sáng tạo... được xem là những điều sống còn giúp làng nghề hội nhập, phát triển.

n5.jpg
Sản phẩm làng mộc Kim Bồng phát triển thêm sản phẩm lưu niệm làm từ rễ tre. Ảnh: K.L

Đa dạng mẫu mã

Đầu năm 2022, Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc (xã Điện Phong, Điện Bàn) chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm gỗ mỹ nghệ tinh xảo với mẫu là những nhân vật hoạt hình, hướng tới đối tượng khách hàng trẻ tuổi.

Ông Trần Thu - Giám đốc Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc cho rằng đa dạng mẫu mã là điều cần thiết và phù hợp thị hiếu khách hàng.

Con trai ông Thu từng học đại học chuyên ngành mỹ thuật. Để chế tác những sản phẩm mới lạ, con trai ông Thu đã tham khảo, tìm hiểu để biết nhân vật hoạt hình nào đang được giới trẻ hâm mộ. Đến nay, thị trường sản phẩm Âu Lạc đã mở rộng đến nhiều khách hàng trẻ tuổi trên thế giới như Mỹ, Pháp, Úc, Đài Loan…

Đa dạng mẫu mã sản phẩm đang được nhiều cơ sở sản xuất làng nghề Quảng Nam thực hiện. Ông Lê Đức Hạ - chủ cơ sở đất nung Lê Đức Hạ khẳng định, việc thay đổi mẫu mã đóng vai trò quyết định đối với doanh nghiệp, làng nghề.

Trung bình mỗi tháng, cơ sở Đất nung Lê Đức Hạ giới thiệu thêm khoảng 10 mẫu sản phẩm mới. Hiện tổng số mẫu của cơ sở đạt gần 500, con số này không ngừng được bổ sung, thay đổi theo yêu cầu, thị hiếu khách hàng.

ng.jpg
Sự linh hoạt thích ứng thị trường giúp nghề đèn lồng Hội An phát triển tốt. Ảnh: K.L

“Sản phẩm bây giờ phải nhỏ gọn để giúp khách dễ vận chuyển vừa đỡ tốn nguyên liệu. Đặc biệt, phải áp dụng máy móc vào sản xuất như khuôn đúc, máy nghiền đất nhằm tăng số lượng hàng hóa và mỹ thuật chứ không thể thủ công đơn thuần như trước…” - ông Hạ chia sẻ.

Bảo tồn làng nghề cũng không phải khu trú trong những cách làm cũ, chế tác thủ công hàng trăm năm qua mà cần gắn kết với tiến bộ công nghệ.

Theo ông Nguyễn Văn Tiếp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ tỉnh Quảng Nam, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất phải tái cấu trúc sản phẩm trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu thị trường, soát xét lại danh mục sản phẩm hiện có, cần xác định những sản phẩm chủ lực, kiên quyết loại bỏ những sản phẩm không có thị trường.

Ứng dụng công nghệ mới, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu đổi mới mẫu mã, khai thác thị trường đa kênh để tiêu thụ sản phẩm.

Không ngừng sáng tạo

Quảng Nam có 45 làng nghề, trong đó 34 nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Tổng số cơ sở sản xuất tham gia hoạt động tại các làng nghề khoảng 2.200 cơ sở. Bên cạnh cải tiến công nghệ, phương thức sản xuất, việc đa dạng mẫu mã sản phẩm luôn được các doanh nghiệp, chủ thể làng nghề quan tâm.

ng2.jpg
Các sản phẩm làng Củi Lũ được chế tác trên nền tảng sáng tạo không ngừng. Ảnh: K.L

Tại làng Củi Lũ (Hội An), việc tận dụng nguồn nguyên liệu địa phương cùng tay nghề những người thợ mộc làng Kim Bồng đã tạo nên những sản phẩm độc đáo mang đậm bản sắc xứ Quảng. Khai trương đầu tháng 3/2023, đây là không gian trình diễn và trưng bày hàng trăm tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ tái chế độc đáo.

Điều làm nên sự khác biệt của làng Củi Lũ chính là tất cả vật liệu chế tác được tận dụng từ những thanh củi lũ trôi theo dòng nước lụt từ thượng nguồn về và gỗ rừng trồng nhằm truyền tải thông điệp về nghệ thuật tái sinh, phát triển bền vững đến du khách.

Ông Lê Ngọc Thuận (chủ không gian trưng bày làng Củi Lũ) nhìn nhận, trong bối cảnh thị trường sản phẩm cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, để tồn tại, sản phẩm làng nghề không chỉ đa dạng mẫu mã, tăng cường sáng tạo mà còn phải chuyển tải được các giá trị văn hóa bản địa. Đây là yêu cầu bắt buộc của mọi làng nghề.

Các sản phẩm làng Củi Lũ chính là bộ sưu tập, giới thiệu các loài vật, kiến trúc, cuộc sống văn hóa cộng đồng dân cư mọi miền xứ Quảng.

Khảo sát một số làng nghề trên địa bàn tỉnh nhận thấy, sự thích ứng nhu cầu thị trường chính là chìa khóa để các làng nghề sống được. Đơn cử làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, Hội An), hơn 20 năm trước sản phẩm làng nghề đã chuyển dịch từ các công trình nhà cổ, đình chùa, bàn ghế… sang những sản phẩm dân dụng và lưu niệm khi du lịch Hội An bùng nổ. Thậm chí, chất liệu sản phẩm cũng đa dạng hơn dựa trên kỹ thuật chạm khắc tài hoa của người thợ Kim Bồng.

Ông Huỳnh Sướng - nghệ nhân làng mộc Kim Bồng quan niệm, nếu sản phẩm hàm chứa các giá trị văn hóa sẽ chạm tới cảm xúc của khách hàng. Đó cũng là cách giúp bảo tồn làng nghề. Và các sản phẩm mộc Kim Bồng đang hướng tới điều này.

KHÁNH LINH