Thể thao

Thể thao "chữa lành" người khiếm thị

Anh Sắc 07/09/2024 07:30

Với người khiếm thị, thể thao như liều thuốc “chữa lành” cuộc đời vốn nhiều thiệt thòi của họ. Đây cũng là tinh thần Hội thi TD-TT người mù tỉnh Quảng Nam lần thứ I năm 2024 vừa tổ chức.

dsc_1353.jpg
Các vận động viên khiếm thị thi chạy 100m có người hỗ trợ dẫn đường. Ảnh: A.S

Vượt qua 100m trên đường chạy sân Tam Kỳ để về đích đầu tiên, Nguyễn Thị Hữu Truyền được các đồng đội ôm lấy chúc mừng. Ngay sau đó, cô gái 30 tuổi người Thăng Bình nhờ người dẫn đường đi tìm đôi dép mà cô để đâu đó trong quá trình khởi động chuẩn bị thi đấu.

Nở nụ cười khá tươi khi được hỏi về việc tập luyện và thi đấu, chị Truyền cho biết từng học ở Trường mù Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) nên có làm quen môn chạy bộ. Tuy nhiên, để có thể định hình bước chạy và giữ được thăng bằng cho khỏi vấp ngã là một khó khăn.

Để khỏi chạy vào đường chạy đối thủ, trong quá trình thi đấu vận động viên (VĐV) được một người sáng mắt dẫn đường bằng cách cột dây vào tay.

“Mình tham gia cho vui thôi chứ người khiếm thị đi bộ còn phải dò dẫm từng bước thì làm sao thi chạy cho nhanh được. Qua đây giúp mọi người yêu đời hơn, có thêm bạn bè và sức khỏe để sống, lao động”, Hữu Truyền chia sẻ.

Cũng với tinh thần “vui là chính”, anh Nguyễn Tấn Thông (Núi Thành) đến với hội thi cùng nụ cười nhẹ nhàng. Năm 14 tuổi, anh Thông bị tai nạn do kíp nổ khiến đôi mắt bị mù và mất mấy ngón tay. Tham gia hội thi và giành được hai giải nhì môn vật tay và đẩy gậy được coi là thành công bất ngờ với người đàn ông đã gần 60 tuổi.

Lần đầu tiên tổ chức, Hội thi TD-TT người mù tỉnh Quảng Nam năm 2024 (diễn ra trong hai ngày 26 và 27/8 tại Tam Kỳ) đã để lại nhiều cảm xúc cho người xem. Sự nỗ lực, tinh thần vượt qua chính mình cũng như không bỏ cuộc của họ khiến khán giả xúc động.

dsc_1419.jpg
Anh Nguyễn Tấn Thông (bên phải) tham gia thi đấu môn đẩy gậy và vật tay. Ảnh: A.S

Người khuyết tật chơi thể thao đã khó, người khiếm thị chơi thể thao càng khó hơn. Nhưng họ đã chứng minh, những gì người bình thường làm được, người khiếm thị cũng làm được!

Thật nể phục khi chứng kiến các VĐV mò mẫm từng quân cờ tướng, hay những bước chạy vừa nhanh, vừa giữ thăng bằng không bị vấp ngã, hoặc đẩy tạ không bị rơi ra ngoài sân.

Tất cả đều nở nụ cười tươi rói dù thắng hoặc thua, hay từng tốp VĐV cầm tay nhau được hỗ trợ dẫn ra sân. Các trọng tài, ngoài việc điều hành trận đấu còn kiêm thêm nhiệm vụ hướng dẫn chuyên môn, hỗ trợ dẫn VĐV vào sân thi đấu.

Với họ, việc được chơi các môn thể thao, có dịp gặp gỡ, giao lưu, thấu hiểu với nhiều người cùng hoàn cảnh là ý nghĩa nhất. Tham gia hoạt động thể thao là một cách “chữa lành” tốt nhất những vết thương tinh thần và thể xác mà họ trải qua trong cuộc đời.

Lần đầu tiên tổ chức nhưng đến 12 môn thi đấu, hội thi đã thu hút 94 VĐV nam và nữ của 12 địa phương tham gia. Có những môn tương đối dễ chơi như nhảy dây, vật tay, kéo co, đua thuyền trên cạn, hít đất nhưng cũng có các môn rất khó đối với người khiếm thị như nhảy bao bố, chạy 100m, bước chạy đoàn kết, bóng ném, cờ tướng, đẩy tạ, đẩy gậy.

Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Quảng Nam - ông Lê Văn Xin nói việc tổ chức hội thi là hoạt động hướng tới mục tiêu phát triển phong trào TD-TT trong toàn hội, góp phần xây dựng hình ảnh người khiếm thị năng động, tự tin hòa nhập cộng đồng. Đây cũng là dịp để hội tuyển chọn VĐV tham gia thi đấu tại hội thi thể thao người mù toàn quốc sắp tới.

Anh Sắc