Quy hoạch - Đầu tư

Chuyện quy hoạch ven biển Đà Nẵng - Hội An

KTS. HOÀNG SỪ 08/09/2024 08:29

Định dạng, định hướng cho sự phát triển trên vùng đất ven biển và liên kết giữa TP.Đà Nẵng - Đô thị cổ Hội An đã cho thấy tầm nhìn xa khi thực hiện quy hoạch.

Cung đường chạy ven biển qua góc nhìn Flycam. Ảnh: PHAN VINH
Cung đường chạy ven biển qua góc quay Flycam. Ảnh: PHAN VINH

Mối liên kết

Năm 1999, tôi vừa phụ trách Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quảng Nam vừa là chủ nhiệm đồ án Quy hoạch chung vệt ven biển từ Đà Nẵng - Hội An.

Thời điểm 1997-1999, TP.Đà Nẵng còn chưa phát triển mạnh và thị xã Hội An chưa được thức dậy sau vài trăm năm quên lãng. Nhưng tôi đã hình dung được sự phát triển mạnh mẽ tất yếu sẽ xảy ra giữa hai đô thị này. Cũng như hình dung, trong tương lai sẽ xuất hiện mối liên kết xuyên Việt của các thành phố ven biển Việt Nam.

Chúng tôi đã phác thảo ra một đồ án quy hoạch với mục tiêu lớn là hướng tới phát triển bền vững cho toàn khu vực. Ý tưởng quy hoạch toàn tuyến gồm 7 nội dung chính, trong đó tuyến giao thông Đà Nẵng - Hội An là trục tổ chức không gian, phía đông dành cho phát triển du lịch và các khu công viên biển phục vụ du lịch và sinh hoạt cộng đồng. Phía tây là các khu dân cư đô thị.

Việc bảo đảm giao thông kết nối Đà Nẵng - Hội An phát triển bền vững cũng được đặt ra khi dự báo trong tương lai lượng giao thông trên tuyến Đà Nẵng - Hội An sẽ gia tăng nhanh chóng.

Chúng tôi đề xuất giải pháp vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt vừa dự phòng cho phát triển giao thông trong tương lai gồm mặt cắt đường 4 làn xe, dải phân cách giữa 2m và vỉa hè 5m mỗi bên, đồng thời dành 20m mỗi bên để dự phòng phát triển.

Phần đất còn lại trong lộ giới sẽ trồng nhiều loại cây được phối kết theo nhiều lớp nhiều tầng, nhiều màu theo mùa... biến con đường này thành tuyến đường cảnh quan du lịch.

Việc phát triển không gian ven biển Quảng Nam vẫn còn nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: H.Q
Việc phát triển không gian ven biển Quảng Nam vẫn còn nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: H.Q

Sự dự phòng đất này càng có ý nghĩa to lớn khi tuyến xuyên Việt nối các đô thị ven biển hình thành trong tương lai không xa.

Câu chuyện bảo vệ môi trường và chống biển lấn cũng được nghĩ tới. Tôi đề xuất dành ít nhất 50m tính từ mép cát vào để trồng phi lao, dừa... vừa tạo vệt cây xanh dọc bờ biển vừa chắn gió.

Vệt cây xanh này không giao cho doanh nghiệp mà do địa phương quản lý, người dân, du khách tự do tản bộ, tắm biển và thể thao bãi biển.

Cạnh đó, giữ lại, bảo tồn 3 làng chài truyền thống vừa khai thác biển vừa phục vụ du lịch cũng được đặt ra. Một khu quảng trường biển trung tâm dài 2km dọc theo bờ biển nhằm đón đầu hướng phát triển từ trung tâm thị xã Điện Bàn thông ra biển được đề cập.

Giữ công viên ven biển

Trên chiều dài 25km bờ biển được quy hoạch cho phát triển du lịch nhưng chúng tôi đề ra giải pháp dành 12 khu công viên biển, trung bình 2km có 1 công viên cho người dân thoải mái hưởng thụ thiên nhiên, đồng thời bảo tồn thiên nhiên và ưu tiên cho người dân ven biển và du lịch cộng đồng.

Ý tưởng này hết sức quan trọng vì nếu bít khu này bằng các resort thì tựa như chặn dòng chảy từ nội địa ra biển, sẽ khiến mất động lực phát triển cho toàn khu vực.

Hiện các khu công viên biển chưa hình thành do nhiều yếu tố gồm cả nhu cầu và tài chính , nhưng cơ bản là đất đã được giữ lại, quản lý chặt cho tương lai.

Nước thải toàn tuyến gồm các khu resort, khu dân cư không được thải xả ra biển mà được thu gom về khu xử lý tập trung, đạt tiêu chuẩn mới được xả ra sông Cổ Cò.

Quy hoạch này đã được chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lúc này là ông Lê Trí Tập phê duyệt năm 1999 - cùng thời điểm phố cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Như vậy, về cơ bản quy hoạch tuyến ven biển đã đáp ứng các nhu cầu phát triển trước mắt, phù hợp với nguồn lực thời điểm đó và phù hợp với phát triển trong tương lai.

Quy hoạch như vậy thực sự đảm bảo cho phát triển bền vững trong ít nhất 50 năm.

Cầu Đế Võng tạo điểm nhấn hạ tầng giao thông cho vùng cửa ngõ phía đông Hội An, đồng thời tạo ra sự thông suốt cho tuyến đường huyết mạch ven biển của tỉnh. Ảnh: Q.T
Cầu Đế Võng tạo điểm nhấn hạ tầng giao thông cho vùng cửa ngõ phía đông Hội An, đồng thời tạo ra sự thông suốt cho tuyến đường huyết mạch ven biển của tỉnh. Ảnh: Q.T

Đúng như định hướng của đồ án quy hoạch, hơn 20 năm qua khu vực này đã đột phá phát triển mạnh. Hàng loạt khách sạn, resort mang tầm khu vực mọc lên và nhiều khu đô thị khang trang được xây dựng, đem lại sức sống mãnh liệt cho vùng đất cát hoang hóa cằn cỗi này.

Trong hơn 20 năm qua, tỉnh Quảng Nam đã cơ bản thực hiện đầu tư và quản lý phát triển theo quy hoạch được duyệt.

Tuy nhiên, đáng tiếc nhất là việc quản lý vệt cây xanh 20m mỗi bên đường đã bị đổ bể, nguyên nhân là các địa phương Điện Bàn, TP.Hội An và UBND tỉnh đã không đủ cương quyết giữ đất, giữ cho được quỹ đất dự phòng dọc hai bên đường.

Nếu thời đó giải tỏa được dân cư theo đúng quy hoạch thì bây giờ Quảng Nam đã có tuyến đường ven biển hiện đại và cảnh quan tuyệt đẹp. Hiện nhiều đoạn trên tuyến này dân đã xây dựng lấn hết phần đất dự trữ phát triển.

Tình trạng giao thông trên tuyến ven biển Đà Nẵng - Hội An đang bắt đầu quá tải. Để giải quyết tình trạng nghẽn giao thông, Quảng Nam đã đồng ý giải pháp cho thu hẹp dải phân cách, thu hẹp vỉa hè xuống còn 1,5m nhằm mở rộng thêm lòng đường ở một số đoạn.

Với tôi, điều này thật buồn vì một cái nhìn đi trước thời gian 20 năm, thậm chí 50 năm, mang tầm chiến lược cho kết nối phát triển Đà Nẵng - Hội An và liên kết xuyên Việt ven biển đã không được kiên trì theo đuổi.

May thay cho tương lai, là tuyến ven biển còn giữ nguyên 12 công viên, bờ biển không bị bít kín như Mũi Né, Đà Nẵng và các làng chài vẫn được bảo tồn, phát huy giá trị, cảnh quan môi trường vẫn được gìn giữ...

KTS. HOÀNG SỪ