Chắp cánh ý tưởng khởi nghiệp từ giảng đường
“Làn sóng mới” từ hệ sinh thái khởi nghiệp của học sinh, sinh viên ngày càng mạnh mẽ. Ngay khi Quyết định 1665 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” có hiệu lực, nhiều địa phương đã tạo điều kiện để người trẻ khởi nghiệp, sáng tạo. Mạng lưới câu lạc bộ sinh viên khởi nghiệp được hình thành và kết nối, vừa tạo sân chơi vừa góp phần giúp người trẻ phát triển nghề nghiệp tương lai...
Kết nối từ thành phố đổi mới sáng tạo
Với thương hiệu thành phố đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên đang phát triển ngày càng mạnh mẽ tại TP. Đà Nẵng.
Nắm bắt xu thế thị trường
Tháng 4/2023, Trần Nhân Kiệt – sinh viên năm 3 ngành Khoa học vi sinh và kỹ thuật hóa học, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh (Đại học Đà Nẵng) cùng nhóm bạn bắt tay vào nghiên cứu phát triển dự án BINKS – Mực thực vật, sản xuất mực viết và màu vẽ từ nguồn nguyên liệu tự nhiên.
Ưu điểm giá thành rẻ, tốc độ khô nhanh gấp 6 lần và khả năng chống phai màu cao gấp 3 lần so với sản phẩm thông thường trên thị trường, gần 1 năm nghiên cứu, sản phẩm hiện đã phát triển hoàn thiện.
“Việt Nam lãng phí khoảng 8,8 triệu tấn thực phẩm mỗi năm, trong đó có 7,3 triệu tấn rau củ quả. Riêng tại TP.Đà Nẵng, mỗi ngày có khoảng 400 ký rau củ quả bị bỏ đi nên dự án muốn tận dụng nguồn rau củ quả phế phẩm này để sản xuất mực và màu vẽ, giúp giảm thiểu lượng rác thải hữu cơ” - Trần Nhân Kiệt chia sẻ.
Hiện tại, nhóm của Nhân Kiệt đã hợp tác với Labroom - một công ty giải trí dành cho trẻ em được sáng lập bởi người Nga, mở ra bước tiến quan trọng đối với dự án.
Tại cuộc thi Chung kết Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.Đà Nẵng – SURF 2024 mới đây, dự án BINKS – Mực thực vật được ban giám khảo đánh giá cao và trao giải nhì. Trước đó, dự án cũng đã giành giải Nhất tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VI - năm 2024” diễn ra vào tháng 5/2024.
Mới nhất, vào ngày 15/8, dự án “Chân giả chủ động” của nhóm sinh viên Trung tâm cơ khí, Trường Đại học công nghệ, Đại học Duy Tân đoạt giải Nhì tại cuộc thi khởi nghiệp quốc gia năm 2023. Sản phẩm này cũng đoạt giải Nhất trong cuộc thi khởi nghiệp Cộng đồng liên minh các trường đại học Đông Nam Á.
Những năm gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp sinh viên tại các trường đại học của Đà Nẵng phát triển khá mạnh mẽ. Trong số gần 30 dự án tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.Đà Nẵng 2024, rất nhiều dự án của sinh viên đã được giới thiệu. Hầu hết nghiên cứu dựa trên các lợi thế về công nghệ như AI, Block chain, Công nghệ thực tế ảo, tự động hóa…
Khả năng nắm bắt xu thế thị trường cùng sự đổi mới, sáng tạo trên những ứng dụng kiến thức và sự năng động của tuổi trẻ là điểm chung của các dự án khởi nghiệp từ sinh viên.
Quảng Nam tạo điều kiện để sinh viên khởi nghiệp
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tập trung phát triển khởi nghiệp ở các trường đại học - cao đẳng - nghề là một trong những hoạt động quan trọng của Ban Điều hành khởi nghiệp cấp tỉnh.
Sau khi Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665) được Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã phối hợp cùng Ban điều hành và các trường đại học/cao đẳng – nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thường xuyên tổ chức nhiều sự kiện, chương trình nhằm tạo sân chơi vừa là bệ phóng, chắp cánh cho những ước mơ sáng tạo khởi nghiệp của sinh viên. Có thể thấy trong thời gian qua đã có nhiều chương trình như Hội thảo khoa học sinh viên lần thứ 7 “Sinh viên khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số” được tổ chức tại Trường Đại học Quảng Nam, “Sinh viên Quảng Nam tại Huế với Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
L.Q
Tạo điều kiện cho sinh viên khởi nghiệp
TP.Đà Nẵng có khoảng 22 trường đại học, cao đẳng với hơn 110 nghìn sinh viên (chiếm khoảng 10% dân số Đà Nẵng). So với mật độ dân số, Đà Nẵng hiện là đô thị có mật độ trường đại học và sinh viên cao so với cả nước.
Ông Nguyễn Công Duy Khôi - Phó trưởng phòng Hợp tác doanh nghiệp và khởi nghiệp, Phụ trách hoạt động khởi nghiệp Trường Đại học Duy Tân cho biết, từ năm 2016 hoạt động khởi nghiệp của trường đã diễn ra sôi nổi. Từ các cuộc thi khởi nghiệp, tọa đàm, trao đổi, tiếp cận, giao lưu với doanh nghiệp, nhà trường góp phần giúp các em nâng cao kiến thức, nhận thức về tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng như khuyến khích động viên sinh viên có tinh thần tự làm chủ sau khi ra trường.
TS. Nguyễn Quang Như Quỳnh – Giảng viên Đại học Đà Nẵng, Phó trưởng Ban Đào tạo mạng lưới giáo dục đại học doanh nghiệp chia sẻ, không chỉ sinh viên mà bất kỳ dự án khởi nghiệp nào cũng cần 3 yếu tố để thành công gồm nguồn nhân lực, công nghệ và tài chính.
“Thời gian qua, các trường Đại học Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp. Chúng tôi muốn tạo môi trường cho các bạn sinh viên rèn luyện và thực tế những bạn tham gia các cuộc thi khởi nghiệp đều dễ thành công sau này. Hạn chế nhất của sinh viên khởi nghiệp hiện nay là vấn đề kỹ thuật. Hầu hết các em chỉ quan tâm là làm thế nào cho các sản phẩm hoạt động, chạy được còn để nâng cao lên tư duy như tại sao mình phải làm nó, sau khi mình làm xong rồi thị trường có chấp nhận không, hay người khác nhìn vào có thích không… thì các bạn chưa nghĩ tới” - TS. Như Quỳnh nhận xét.
TP.Đà Nẵng hiện có nhiều mô hình CLB sinh viên khởi nghiệp như Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt – Hàn. Trước đó, từ tháng 10/2006 Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cũng đã thành lập CLB Kinh tế, tạo vườn ươm khởi nghiệp, giúp sinh viên phát huy tối đa kiến thức trên giảng đường cùng những kỹ năng, kinh nghiệm được học. CLB Khởi nghiệp Kinh tế có hơn 130 thành viên cùng chung niềm đam mê khởi nghiệp, trở thành CLB sở hữu trang Fanpage với hơn 50.000 lượt theo dõi cùng nhiều bài viết hỗ trợ, định hướng khởi nghiệp có tương tác cao.
Tương tự, tại Trường Đại học Duy Tân, tất cả khoa của trường đều có CLB khởi nghiệp. Dự kiến thời gian tới, Đại học Duy Tân sẽ tái thành lập CLB khởi nghiệp cấp trường để tạo không gian chung, kết nối các ngành đào tạo của trường nhằm triển khai các dự án thuận lợi, đồng thời có thể tận dụng nguồn lực sẵn có trong các hệ sinh thái nhà trường (đội ngũ chuyên gia, thầy cô, cán bộ nghiên cứu, GS.TS các phòng nghiên cứu, thí nghiệm, thực hành…) để sinh viên có thể làm những mô hình mẫu, phát triển những dự án tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Công Duy Khôi, để sinh viên có một sản phẩm ra được thị trường, thương mại hóa dùng ngay sẽ rất khó nên cần có sự hỗ trợ rất lớn từ giảng viên và nhiều yếu tố khác như tài chính, khảo sát thị trường, tìm kiếm nhà đầu tư, đăng ký kinh doanh, điều này khiến phần lớn sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên cũng chỉ dừng ở cuộc thi khởi nghiệp. “Do đó, vai trò của nhà trường có thể kết nối với doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư nhưng bản thân dự án phải có sức hút với nhà đầu tư”, ông Khôi phân tích thêm.
Thu hút nguồn lực vào hệ sinh thái khởi nghiệp
Là 1 trong 3 trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo cấp vùng trong cả nước, Đà Nẵng luôn tạo điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển các hệ sinh thái khởi nghiệp. Riêng với Quảng Nam, địa phương này cũng đã có nhiều cuộc hợp tác để hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp liên vùng.
Kết nối các địa phương
Hồi tháng 6/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 136 tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng. Có 4 nhóm chính sách đặc thù về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo bao gồm nhóm chính sách về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; nhóm chính sách về hỗ trợ phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo; nhóm chính sách về cho phép thử nghiệm có kiểm soát và nhóm chính sách về sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đây chính là giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố Đà Nẵng. Ông Võ Đức Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo TP.Đà Nẵng khẳng định, thời gian qua thành phố đã ban hành rất nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ các mô hình, dự án khởi nghiệp. “Dự kiến, năm 2025 Đà Nẵng sẽ tổng kết các chính sách và hoạch định chính sách dài hơi hơn cho thời gian tới. Trong đó, các trường đại học sẽ là nền móng của hệ sinh thái khởi nghiệp, nơi sáng tạo tri thức và cung cấp nguồn lực. Các hệ sinh thái khởi nghiệp có thành công hay không là phụ thuộc vào các trường đại học” – ông Anh nhận định.
Đại diện Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.Đà Nẵng cũng cho biết, đối với Quảng Nam, dựa trên chương trình ký kết hợp tác của lãnh đạo 2 địa phương (trong đó có hợp phần về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo), những năm qua mối quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng và Quảng Nam trong hoạt động khởi nghiệp diễn ra khá sôi động.
Ở cấp độ các dự án khởi nghiệp sinh viên, giữa Quảng Nam và Đà Nẵng hầu như chưa có sự liên kết rõ nét, mặc dù trước đây hai địa phương có chương trình phối hợp đào tạo khởi nghiệp.
Hai địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động phối hợp, trao đổi về đào tạo con người, trao đổi về thông tin như hồi tháng 11/2023, Hội thảo kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng – Quảng Nam. Mới đây, tại Techfest Quảng Nam 2024, TP.Đà Nẵng cũng cử đoàn 22 doanh nghiệp tham gia và triển khai chương trình phát triển thị trường công nghệ Đà Nẵng tại Quảng Nam, ứng dụng công nghệ trang thiết bị mới của doanh nghiệp Đà Nẵng cho cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam; tham quan các nhà máy công nghiệp tại Quảng Nam như Thaco, Nhà máy sản xuất bao bì, chế biến thực phẩm...
Ở chiều ngược lại, tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2024, Đà Nẵng cũng đã mời 3 doanh nghiệp Quảng Nam ra tham gia. Thông qua sự hợp tác trên đã thúc đẩy khởi nghiệp 2 địa phương phát triển, đặc biệt tại các ngày hội khởi nghiệp, đây là dịp rất nhiều quỹ đầu tư đến tìm hiểu, kết nối, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, dự án 2 địa phương kết nối kêu gọi đầu tư.
Khó kêu gọi đầu tư
Ông Nguyễn Quang Phước - Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, từ năm 2022 đơn vị đều tổ chức chương trình trao đổi khởi nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.
Tổ chức này đã giới thiệu các start-up từ Việt Nam sang Hàn Quốc kết nối các quỹ đầu tư trực tiếp ở Hàn Quốc. Ông Phước cho rằng, Đà Nẵng có khá nhiều start-up về công nghệ, thực phẩm, nông nghiệp, hầu hết năng động, ham học hỏi và được thành phố hỗ trợ tốt. “Tuy nhiên, các start-up cũng cần tiếp cận nhiều hơn thế giới bên ngoài để biết họ có công nghệ như thế nào, đang làm gì… từ đó có thể cạnh tranh hoặc làm những cái ngang bằng hoặc tốt hơn” - ông Phước nói.
Có thể thấy, kêu gọi đầu tư vào các dự án khởi nghiệp không hề đơn giản, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Nguyễn Ngọc Dương – nhà sáng lập và CEO dự án UCTalent (giải Nhất cuộc thi Chung kết Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.Đà Nẵng 2024) khẳng định, mặc dù Đà Nẵng rất tích cực hỗ trợ về cơ chế, chính sách cho cộng đồng khởi nghiệp, đem lại rất nhiều cơ hội, cuộc thi, kết nối cộng đồng khởi nghiệp, nhưng tại thời điểm tình hình kinh tế thế giới khó khăn như hiện nay sẽ khó thu hút các nhà đầu tư vào những dự án mạo hiểm hoặc các dự án khởi nghiệp.
Ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, việc đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo của thành phố lâu nay chủ yếu về mặt chính sách. Riêng hỗ trợ từ nguồn ngân sách thì chưa như mong muốn vì còn vướng nhiều vấn đề về hành lang pháp lý; chưa có những quy định rõ về việc hình thành các quỹ, những chính sách hỗ trợ… Đặc biệt, thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án khởi nghiệp hầu như chưa trọng điểm, nguồn vốn FDI chủ yếu đầu tư vào một dây chuyền sản xuất, thành phố chưa có chính sách thu hút nhà đầu tư vào để chuyển giao công nghệ.
Chuẩn bị gì để không thất bại?
Nhiều bạn trẻ đã nghĩ đơn giản rằng tuổi trẻ được phép sai, thua keo này ta bày keo khác, và “liều mình như chẳng có”, lao lên khởi nghiệp. Nếu khởi nghiệp từ những suy nghĩ đơn giản như vậy, đa số bạn trẻ sẽ thất bại.
Nền tảng
Khởi nghiệp cũng như bao việc khác, muốn làm thành công, phải có sự chuẩn bị. Chuẩn bị nền tảng kiến thức kinh doanh, có sẵn khả năng nhanh nhạy để nắm bắt cơ hội, sẵn sàng chịu cực và quan trọng hơn hết là phải trường vốn.
Nếu bạn là một sinh viên năm cuối đại học, chưa từng đi làm thêm, chưa từng kiếm được số tiền đáng kể, chưa đi làm thuê cho ai, chưa từng phụ gia đình kinh doanh, thì xin nói thật lòng, bạn tuyệt đối đừng khởi nghiệp.
Bởi khởi nghiệp là việc phát huy nhiều khả năng, tố chất cùng một lúc trong một cá nhân. Bạn chẳng có gì trong túi, chẳng có gì trong tay, cũng chẳng có gì đáng kể trong đầu, thì dù có ai ủng hộ nhiệt liệt, bạn cũng chớ dại mà khởi nghiệp.
Thực tế, nhiều bạn trẻ, nhất là các sinh viên vừa ra trường liền khởi nghiệp bằng cách mở quán cà phê. Vì sao các bạn trẻ chọn mô hình quán cà phê?
Vì thức uống chế biến đơn giản, chỉ cần thuê một mặt bằng, trang bị bàn ghế, ngồi chờ khách vào là nghiễm nhiên trở thành ông chủ, bà chủ. Nhưng tại sao có đến khoảng 80% quán cà phê phải dẹp tiệm sau dăm bữa nửa tháng? Vì chủ quán không có ý tưởng độc đáo gì cho quán, thức uống cũng hết sức bình thường, khách vào quá ít, không đủ “sở hụi”.
Trước khi mở quán, ít bạn trẻ chịu ngồi hạch toán ra cụ thể, đón bao nhiêu khách mỗi ngày thì đạt điểm hòa vốn, số lượng khách thế nào thì thu hồi vốn sau một thời gian nhất định, nếu phải đóng thuế thì cân đối hóa đơn đầu ra, đầu vào ra sao, nếu lỗ liên tục thì vốn ở đâu mà cầm cự. Vì vậy, thường là sau khi mở quán ra mới biết mình sai lầm, đành ngậm ngùi dẹp tiệm.
Khởi nghiệp như chuyến bơi ra biển
Tại sao thanh niên Do Thái được khuyến khích khởi nghiệp từ rất trẻ? Vì khi đứa trẻ Do Thái mới lên ba, đã được dạy về tiền, cách kiếm tiền. Trong gia đình, cha mẹ Do Thái luôn tạo điều kiện và ủng hộ để con kinh doanh từ những đồng tiền nhỏ nhất. Khi đứa trẻ đó trở thành sinh viên, các em đã trải qua hơn 10 năm trải nghiệm, va chạm và trưởng thành trong chuyện kinh doanh. Vì vậy, một bạn trẻ Do Thái khởi nghiệp khi còn ở giảng đường đại học là rất bình thường.
Nhưng mặt bằng chung ở ta, là một câu chuyện rất khác. Đa số trẻ em ở nông thôn ít được tiếp xúc với tiền, đơn giản vì... gia đình có nhiều tiền đâu mà được tiếp xúc. Cha mẹ làm kinh tế nông nghiệp, thường là làm theo thói quen, ít có sự tính toán kỹ lưỡng nên bài học về quản lý tiền, tạo dòng tiền, cho tiền đẻ ra tiền rất hiếm. Một đứa trẻ ở nông thôn thường lớn lên với cái túi rỗng.
Lên thành phố lớn, vào giảng đường đại học, thấy ai đó cổ vũ “hãy mạnh dạn khởi nghiệp” mà nghe theo thì quá nguy hiểm.
Còn những đứa trẻ lớn lên ở thành phố lớn, có chút thuận lợi hơn. Câu chuyện buôn bán, kinh doanh, vay nợ, trả nợ... xuất hiện nhiều hơn. Chí ít, các em được tiếp xúc, làm quen về mặt khái niệm. Nhưng đó là yếu tố cần chứ chưa đủ.
Nếu chỉ thấy người nhà kinh doanh thành công và mình cũng lao theo kinh doanh khi bản thân chưa được trang bị đủ kiến thức, cũng dễ “ốm đòn”.
Tất nhiên, vẫn có một số ít bạn trẻ chưa từng đi làm, với sự nhạy bén và liều lĩnh nhảy ra khởi nghiệp đã thành công nhưng trường hợp này rất hiếm, không đáng kể. Còn đa số, các bạn trẻ nên đi làm thuê một thời gian sau khi ra trường rồi mới khởi nghiệp.
Quãng thời gian đi làm thêm đó, giúp bạn trẻ hình dung được bộ máy một công ty được vận hành thế nào, cách quản lý nhân sự ra sao, cách phát triển bán hàng, phương pháp quản lý tài chính. Khi tương đối thấm nhuần các mảng kiến thức cơ bản đó và có trải nghiệm về va vấp, bạn hẵng khởi nghiệp.
Cách đây vài năm, có một chương trình mang tên “Người Nhân văn khởi nghiệp”. Một tổ chức vào Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TP.Hồ Chí Minh để khuyến khích các sinh viên ở đây khởi nghiệp. Tôi cảm thấy thật quan ngại.
Sinh viên khối khoa học xã hội, đa số chưa biết kinh doanh, lại không “ưa” mấy con số mà hăng hái lao lên khởi nghiệp có phải là lao vào cái khó không?
Các bạn trẻ hãy hình dung, khởi nghiệp như một chuyến bơi ra biển. Để bơi thành công, cần kỹ năng, sức khỏe, sức chịu đựng, khả năng ứng phó với điều kiện ngoại cảnh thay đổi bất ngờ và quan trọng nhất là biết cái đích nằm ở đâu để bơi tới nó.
Khi nhìn ra biển, bản thân chưa đủ kỹ năng, lại không biết đích nó thế nào thì dù có bị “xúi”, cũng đừng nhảy xuống bơi. Vì rõ ràng, nhảy xuống là thất bại.
Trang bị kiến thức và kỹ năng mềm
Quảng Nam cũng đã có những dự án, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo được đánh giá cao. Tuy nhiên, để nâng cao tính khả thi đối với mỗi dự án, các học sinh, sinh viên cần được trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng mềm liên quan.
Nhiều ý tưởng hay
Với dự án “TikTok Shop - Giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên - Viết tiếp hành trình tương lai”, em Nguyễn Viết Tâm (học sinh lớp 12, Trường THPT Bắc Trà My) tham gia cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp Quảng Nam năm 2024 đã chinh phục ban giám khảo và đoạt giải Ba. Đây là dự án khởi nghiệp đầu tiên và duy nhất của một học sinh mà không có sự tham gia của thầy cô trong vai trò đồng tác giả.
“Đây là mô hình mà các bạn học sinh, sinh viên hoàn toàn có thể ứng dụng để kiếm thêm thu nhập và trải nghiệm môi trường mới. Khi tham gia, các bạn sẽ phải nâng cao các kỹ năng mềm như quay dựng video, thuyết trình, diễn xuất, viết kịch bản… Mình tin, cho dù các bạn có thành công với mô hình này hay không thì những kỹ năng các bạn được trải nghiệm sẽ giúp ích nhiều trong quá trình làm việc sau này” - Tâm nói.
Còn ý tưởng khởi nghiệp của các bạn sinh viên Khoa Ô tô - cơ khí - xây dựng của trường Cao đẳng Quảng Nam gồm Nguyễn Văn Quốc, Nguyễn Văn Hưng và thầy giáo Lê Hữu Hùng (Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo Nam Quảng Nam) là dịch vụ đa tiện xử lý sự cố công trình dân dụng và công nghiệp. Với kỹ năng và kiến thức học được trong nhà trường về lĩnh vực điện - nước và xây dựng, nhóm tác giả này đã tạo ra một ứng dụng chuyên cung cấp dịch vụ sửa chữa khi khách hàng có thiết bị hoặc công trình bị hư hỏng.
Hay nhóm tác giả là học sinh Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung cũng có dự án khởi nghiệp với công nghệ CEPC AI - Giải pháp điểm danh, giám sát, quản lý đánh giá chất lượng lớp học hay văn phòng làm việc thông qua nhận dạng khuôn mặt từ thiết bị camera thông minh.
Vẫn còn thiếu kỹ năng
Qua đánh giá, theo dõi từ các Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp Quảng Nam các năm, những dự án, ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên khá hay và mới mẻ vì ứng dụng tốt những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin. Tuy nhiên, các dự án này sớm “chết yểu” do thiếu tính khả thi khi áp dụng thực tế, gặp nhiều lực cản về nguồn lực đầu tư và đặc biệt nhất là kiến thức khởi nghiệp, quản trị của các học sinh, sinh viên còn hạn chế.
Phân tích về lý do này, thầy giáo Hồ Văn Vinh - Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung cho biết, trong môi trường sư phạm, bên cạnh điều kiện thuận lợi về trang thiết bị thực hành thì những ý tưởng mới cần nhiều công nghệ hiện đại mà nhà trường chưa cập nhật. “Ngoài ra, khi nghiên cứu ý tưởng thì các bạn sinh viên rất say mê, nhưng đến quá trình phát triển ý tưởng để ứng dụng thì các bạn lại không còn nhiệt huyết nữa. Có lẽ do tâm lý rồi sẽ ra trường và mỗi bạn cũng sẽ tự tìm kiếm việc làm bên ngoài. Các bạn ít đặt niềm tin vào dự án của chính mình” - thầy Vinh chia sẻ.
PGS-TS. Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam cho biết, nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ, thúc đẩy các dự án, ý tưởng khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên. Nhiều hội thảo khoa học cấp quốc gia, quốc tế được Trường Cao đẳng Quảng Nam tổ chức nhằm tìm ra hướng đi đúng đắn trong quá trình đào tạo, phát triển kỹ năng khởi nghiệp gắn với tìm kiếm việc làm cho học sinh, sinh viên.
Bà Phương Anh cho rằng, lứa tuổi sinh viên, học sinh, tiếp cận được nhiều công nghệ hiện đại, sẵn có tư duy mở nên các bạn ấy luôn có những ý tưởng sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, hầu hết học sinh, sinh viên đều khó phát triển dự án khởi nghiệp vì thiếu kỹ năng mềm.
Thực tế cho thấy, việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng ý tưởng khởi nghiệp cần nhiều kỹ năng về quản trị công việc, nhân sự, dòng tiền, kỹ năng về thuyết trình, bán hàng, marketing…
“Khi triển khai hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp, bên cạnh việc kịp thời phát hiện và phát triển những ý tưởng có tính khả thi cao thì nhà trường còn chú trọng bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng liên quan đến khởi nghiệp cho các em. Nhà trường lồng ghép nội dung đó trong các hoạt động ngoại khóa, tạo lập những diễn đàn để học sinh, sinh viên sẵn sàng chia sẻ ý tưởng, bổ sung kiến thức cho nhau” - PGS-TS. Vũ Thị Phương Anh cho biết thêm.
Xây dựng, phát triển các CLB sinh viên khởi nghiệp tại các trường đại học được xem là một yếu tố then chốt. Đây không chỉ là nơi ươm mầm ý tưởng, mà còn là môi trường để sinh viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, phát triển các kỹ năng cần thiết cho con đường khởi nghiệp hiệu quả sau này. Theo bà Trần Thị Diệu Anh - CEO Công ty AQ Lendership, các CLB khởi nghiệp cần phải kích hoạt tư duy sáng tạo từ sinh viên vì có 80% sinh viên vào các trường đại học vẫn không trả lời được câu hỏi tôi là ai? Lợi thế và hạn chế của mình là gì? “Tôi muốn nói với các bạn sinh viên, kỹ năng là cái mà các bạn có thể rèn luyện được. Việc khởi nghiệp sẽ giúp sinh viên hình thành những kỹ năng cần thiết khi ra trường để có thể dễ dàng tiếp cận được công việc vì khởi nghiệp cũng là một kinh nghiệm” - bà Diệu Anh phân tích.
VĨNH LỘC