Gặp người "quảng bá vẻ đẹp Việt Nam ra thế giới"
Vài năm gần đây, tại các diễn đàn du lịch trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á, thường xuất hiện một doanh nghiệp xứ Quảng. Đó là Công ty Du lịch Duy Nhất Đông Dương, trụ sở tại Hội An, do ông Nguyễn Sơn Thủy sáng lập.
Đây cũng là doanh nghiệp lữ hành từng được tuyên dương với thành tích đưa nhiều khách vào Việt Nam nhiều nhất trong năm. Hiện doanh nghiệp này có văn phòng ở nhiều nước tại châu Á, được Đại sứ quán Việt Nam ở các nước lựa chọn để kết hợp tổ chức các hội chợ du lịch.
Quyết định “rời Hội An để trở về… Hội An”
• Ông đã nhìn thấy gì ở Hội An ngay lúc khởi nghiệp để quyết định ra thế giới, đưa khách về phố cổ?
Ông Nguyễn Sơn Thủy: Thực sự tài nguyên du lịch của Hội An quá nhiều, nhưng tôi không biết làm cách nào để kéo khách về.
Từ những chuyến đi hội chợ quốc tế, tôi đã tìm được đường đi. Tôi quyết định không dừng lại ở Hội An mà sẽ đi ra, mục tiêu là kéo khách về “khai thác kho báu Hội An”. Tôi luôn suy nghĩ rằng trước sau gì Hội An cũng sẽ không đủ với mình. Mình phải đi ra để tìm kiếm cái mới lạ, chưa ai làm.
Sau này khi làm đề tài thạc sĩ ở Đại học Fulbright, tôi được tiếp cận và rất tâm đắc với học thuyết “Chiến lược đại dương xanh”. Tôi hiểu được rằng mình phải bơi đi tìm cho được “đại dương xanh”, nơi môi trường rộng mở, ít va chạm và cạnh tranh hơn là cố chen vào “đại dương đỏ” - nơi vốn đã quá chật chội.
• Thực tế thì lữ hành là lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt chứ không hẳn là “đại dương xanh”?
Ông Nguyễn Sơn Thủy: Đúng vậy! Cạnh tranh thì đương nhiên có, nhưng mình phải tìm được luồng lạch để mà đi. Thời điểm 2004 - 2005, khi tôi khởi nghiệp lữ hành, có rất ít đơn vị chọn thị trường Đông Nam Á. Nếu có thì họ làm cũng chưa chuyên nghiệp.
Tôi thấy với khả năng của mình nếu tập trung ở Đông Nam Á thì rất ổn. Vì mình là doanh nghiệp nhỏ, xoay xở linh hoạt, đánh “du kích” ở thị trường này lại là cách làm rất hiệu quả.
• Nghĩa là khi bắt đầu đi ra bên ngoài thì ông đã quyết định sẽ “đánh” thị trường Đông Nam Á chứ không phải dòng khách truyền thống của Hội An là châu Âu, Hoa Kỳ?
Ông Nguyễn Sơn Thủy: Tôi quyết định chọn châu Á vì đây là cộng đồng có sự tương đồng về văn hóa với Việt Nam, khả năng ngôn ngữ tiếng Anh của họ cũng “xêm xêm” như mình. Đặc biệt là cách làm việc của họ cũng như Việt Nam, đó là dựa trên uy tín là chính chứ không cần hợp đồng hay pháp lý gì. Anh cứ làm uy tín với tôi thì tôi sẽ hợp tác với anh.
Trong 15 năm hoạt động, tôi thấy có những doanh nghiệp đối tác họ từng gầy dựng như mình, đồng hành và tới nay lớn mạnh bên nhau. Đặc biệt là qua những đợt khủng hoảng như COVID-19 họ vẫn sát cánh, sẵn sàng chia sẻ khó khăn. Khi dịch qua đi họ vẫn gắn bó, sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận.
• Nhưng nếu đã tương đồng văn hóa với nhau thì khách châu Á đâu có lạ lẫm gì Việt Nam? Làm sao để thu hút khách vào tham quan?
Ông Nguyễn Sơn Thủy: Khi làm lữ hành, tôi xác định rằng phải làm cả Việt Nam chứ không riêng gì Hội An. Tôi nỗ lực giới thiệu thật nhiều điểm hấp dẫn ở trong nước, mục đích là cho khách thấy hấp dẫn để vào tham quan. Qua đó quảng bá được vẻ đẹp Việt Nam ra bạn bè thế giới.
Hơn nữa, từ sau COVID-19 bối cảnh du lịch cũng thay đổi nhiều. Trong khi châu Âu đóng cửa, xoay trở khó khăn để phục hồi thì châu Á lại thích ứng nhanh hơn nhiều. Người dân châu Á rất gần với Việt Nam, chính sách visa, mở cửa về đường không rất thuận lợi.
Không có dòng khách kém sang, chỉ có cách thu hút chưa hấp dẫn!
• Trong tư duy của ngành du lịch hiện nay vẫn có luồng quan điểm cho rằng khách châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á là nhóm khách giá rẻ, không phải dòng khách truyền thống được ưu tiên?
Ông Nguyễn Sơn Thủy: Chúng ta không nên có sự phân biệt như vậy. Vì mỗi quốc gia đều có thị trường hết sức đa dạng, phong phú. Có thượng vàng và hạ cám. Ví dụ như chúng ta nghĩ khách Lào, Myanma là khách nghèo nhưng thực tế thì những người đi du lịch lại là nhóm rất giàu có. Thậm chí họ chi tiêu nhiều hơn khách châu Âu. Trong khi đó, cũng là khách châu Âu nhưng một số khách đi du lịch “bụi” thường chi tiêu rất kém.
Cần phải hiểu thực tế là khách châu Á có thói quen du lịch khác các nước châu Âu. Phần lớn khách Á, đặc biệt Đông Nam Á thích đến những nơi hoành tráng, nhộn nhịp chứ không thích đến nơi hoang vu trống vắng.
Vì sao? Là vì cái trống vắng, hoang sơ ở quốc gia họ có đầy rồi. Khi du lịch họ cố gắng tìm những chỗ xô bồ, đẹp lung linh. Cái này là do thị hiếu. Cũng như khách Âu, bên nước họ vốn đã ngột ngạt, quá mệt mỏi, chặt chém để chen chúc sống thì họ qua Việt Nam lại có nhu cầu tìm nơi yên lành để tận hưởng.
• Nghĩa là không thể nhìn cách chọn sản phẩm du lịch của khách để nhận định rằng đó là khách cấp cao, khách bình dân?
Ông Nguyễn Sơn Thủy: Đúng, nhìn nhận như vậy là không sát. Không nên bảo vệ quan điểm khách Á là khách giá rẻ, khách Tây là khách sang.
Thực tế tôi thấy khách Á khi du lịch họ mua sắm nhiều hơn hẳn khách Âu, nào là đặc sản, bánh trái, đồ lưu niệm… Khách Á nhiều người cũng sẵn sàng trả tiền rất cao để ở những nơi sang trọng tại Bana Hill, hay các resort chuẩn quốc tế tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng).
• Nghĩa là du lịch đã xoay chiều dòng khách, trong khi châu Âu sụt giảm thì khách Á lên ngôi?
Ông Nguyễn Sơn Thủy: Điều này thể hiện khách quan qua các số liệu đã được công bố tại Hội An gần đây. Không phải sau đại dịch COVID-19 mà từ 2017 lượng khách châu Á đã vượt qua châu Âu tại miền Trung rồi.
Lấy hai chữ “Việt Nam” để tự tin khi ra sân chơi lớn
•Làm sao để doanh nghiệp Việt Nam tự tin khi ra tương tác ở các sân chơi lớn?
Ông Nguyễn Sơn Thủy: Khi đi đâu ra giới thiệu với đối tác tôi cũng luôn suy nghĩ rằng mình đang trong tâm thế của một đại diện du lịch Việt Nam. Dù sự kiện có lớn, quy tụ đối tác lớn cỡ nào thì mình là người Việt Nam, một đất nước quá nổi bật về tài sản văn hóa. Việt Nam không hề nhỏ bé, nghèo nàn mà ngược lại. Nghĩ vậy sẽ giúp mình tự tin hơn.
Một khi đã xác định mình là đại diện quốc gia thì phải thể hiện tâm thế khác, phải là một doanh nhân tự tin. Đặc biệt là phải nắm thạo các điểm đến tiềm năng ở Việt Nam, chính sách du lịch, chính sách điểm đến… Từ đó tự tin giới thiệu cho đối tác.
Khi mình thể hiện đĩnh đạc, nắm bắt tốt thì người ta cũng sẽ có ấn tượng, nhìn nhận xứng đáng.
•Muốn tự tin như vậy thì phải bắt đầu từ đâu?
Ông Nguyễn Sơn Thủy: Doanh nghiệp trước tiên phải xây dựng được mạng lưới đối tác phục vụ cho thị trường mình khai thác. Thứ hai là phải có mạng lưới cộng tác viên ở các điểm đến. Thứ ba là phải luôn có mặt ở các diễn đàn, tranh thủ mọi cơ hội để xuất hiện và trình bày sự am hiểu của mình với địa phương.
•Xin cảm ơn ông!
Quảng Nam đẹp, nhưng chưa có “sếu đầu đàn” về du lịch
“Tôi cũng như tất cả mọi người đều cho rằng Quảng Nam là một thứ “hàng hiếm”. Không phải để khen mà thực tế không nhiều nơi được như vậy.
Di sản, văn hóa, con người thì ai cũng đã biết rồi. Nhưng hiện tại ở cánh miền núi như Tây Giang, Đông Giang, Nam Trà My… khách luôn có nhu cầu được tới. Vấn đề là chưa có sản phẩm đủ bài bản. Các chính sách kích cầu, thu hút du lịch chưa tốt nên cầu không tiếp cận được cung.
Bài học chung cho thấy bất cứ nơi nào làm thành công du lịch cũng đều có doanh nghiệp đủ tiềm lực, đủ nỗ lực và đủ khả năng về lĩnh vực du lịch vào đầu tư, dẫn dắt.
Tài nguyên văn hóa, thiên nhiên hùng vĩ hoang sơ là nguyên liệu cần, nhưng doanh nghiệp biết dẫn dắt và đưa khách về là việc rất quan trọng. Chúng ta hay nói giao thông, đường sá khiến khách ngại lên.
Theo tôi đó không phải lý do. Sa Pa hay hang Sơn Đoòng ở Quảng Bình đó thì sao? Trong việc này theo tôi là chính sách khuyến khích, mời gọi doanh nghiệp là điều quyết định tới thành công của vực dậy điểm đến” - ông Nguyễn Sơn Thủy chia sẻ.